Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Em ơi Ba Lan phần 9


Thương trường nghiệt ngã Liên Xô

Đất nước Liên Xô vĩ đại từ lâu đã đem đến cho Nguyên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui cũng nhiều mà buồn không ít. Nguyên biết đến xứ xở này ngay từ khi nó còn bé lắm, bắt đầu từ những câu chuyện kể của người lớn, qua những bài tập đọc về Lê Nin, về Cách mạng Tháng Mười về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Lớn lên chút nữa Nguyên biết đến Liên Xô như người bạn lớn của Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Ở lứa tuổi đam mê đồ chơi vũ khí, nhìn những chiếc máy bay, những xe tăng, tên lửa, những khẩu súng AK-47...đầy uy lực diễu qua trước mắt, cậu bé Nguyên ngưỡng mộ vô cùng đất nước có biểu tượng búa liềm được viết tắt bằng bốn chữ đỏ CCCP.
Khi Nguyên trở thành chàng trai trẻ, các bộ phim, cuốn sách, vần thơ Xô Viết, các bài ca, điệu múa Nga đã tràn vào Việt Nam, làm mê hoặc cả một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết. Trong mắt Nguyên Liên Xô là bức tranh tuyệt đẹp với những cung điện, lâu đài tráng lệ, những thảo nguyên bát ngát xanh, những hàng cây bạch dương dịu dàng soi bóng nước...Cho đến ngày nay vẫn vậy, chưa bao giờ Nguyên hết say mê nền văn hóa Nga qua các tên tuổi  Puskin, Dostojevski, Lev Tonstoi, Trajcovski, Levitan...Nguyên mãi không thôi yêu mến và cảm phục con người Xô Viết thông minh, đôn hậu, lạc quan và dũng cảm...
Thời sinh viên đại học kinh tế, Nguyên phải thuộc lòng các chỉ tiêu, các số liệu thống kê „hàng đầu thế giới“ của Liên Xô, được giáo huấn về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển cao độ, trên cơ sở kế hoạch hóa, không có cạnh tranh và vì thế không biết đến khủng hoảng. Nguyên nhai đi nhai lại đến phát chán mớ lý luận về chế độ ưu việt có phúc lợi xã hội tốt nhất, dựa trên phân phối thu nhập công bằng và vì vậy không có kẻ giàu người nghèo...
Đến khi đi làm, lấy vợ, có con, Nguyên trở nên thực dụng hơn với nỗi lo cho cuộc sống gia đình. Lúc đó Nguyên biết đến Liên Xô hàng ngày qua câu chuyện của các đồng nghiệp quanh ấm chè nồng nặc mùi khói thuốc với các từ cửa miệng: tủ lạnh Saratov, xe máy Minsk, bàn là hoa dâu, nồi hầm áp suất, áo bay, thuốc lá Capstan...Nguyên ao ước đổi đời với một thùng hàng sau chuyến công tác hay thực tập ngắn ngày trên xứ sở huyền thoại ấy. Thế rồi Nguyên được đặt chân lên quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Không phải mơ mà là thực, không phải một lần mà rất nhiều lần. Nguyên không còn nhớ chính xác những chuyến  „tầu con thoi“ đi, về như thế nữa. Chỉ biết rằng nó đã ghi dấu chân mình lên hai nước lớn nhất trong Liên bang Xô Viết là Nga và Ucraina.
Lần đầu bao giờ cũng khắc ghi những kỷ niệm khó quên. Ngày 20/09/1988 Nguyên thực hiện cuộc dấn thân đầu tiên vào „thành trì của chủ nghĩa xã hội“ trong một dịp tình cờ. Trên đường bay từ Hà Nội sang Warszawa du học, khi quá cảnh tại sân bay Sermechevo, Nguyên và năm người bạn cùng đoàn bị rớt lại. Ba ngày "may mắn" ở Mátxcơva đủ thời gian cho Nguyên tận mắt được chứng kiến sự thật sinh động về Nhà nước Công – Nông đầu tiên trên thế giới trong cơn hấp hối trước khi sụp đổ.Nguyên và các bạn được bố trí ở tạm trong khách sạn Aeroflot ngay cửa ngõ Mátxcơva để chờ nối chuyến bay đến Warszawa. Theo tiêu chuẩn xếp hạng, phải nới tay cho điểm, khách sạn này mới đạt tiêu chuẩn...khách sạn. Nội thất tuềnh toàng, tiện nghi nghèo nàn, người phục vụ mặt lạnh như bom. Nhưng chẳng sao, miễn có chỗ đặt lưng, không phải vạ vật nằm sàn là được rồi. Nguyên tặc lưỡi dễ dãi. Nhưng chính từ nơi này, niềm tin của Nguyên về con người Xô Viết bắt đầu rơi rụng. Bọn chúng phải bấm bụng tặng quà ba túi thêu và hai kimono để nhanh chóng được xếp chuyến bay và mua được sự yên bình.
Cho dù trải qua một thoáng hụt hẫng, nhưng đất nước vĩ đại này vẫn như ngày nào, đem đến cho Nguyên nhiều cảm xúc kỳ diệu. Sermechevo lúc đó là sân bay quốc tế to và hiện đại bậc nhất thế giới. Được biết hàng lang ống cho hành khách di chuyển ra vào máy bay chính là phát minh của các nhà khoa học Xô Viết. Từ sân bay vào thành phố, hai bên đường những cánh rừng trải dài bất tận. Cuối tháng chín thảm lá bạch dương bắt đầu nhuốm vàng thay áo sang thu.
Có thể nói không ngoa rằng hệ thống tầu điện ngầm Mátxcơva đẹp nhất thế giới. Đường hầm hun hút dẫn xuống các nhà ga chôn sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Mỗi nhà ga một kiểu, lộng lẫy như những cung điện tráng lệ. Tám triệu người mỗi ngày đêm hối hả lên xuống nhờ những dàn thang cuốn chuyển động không ngừng. Với chiều dài 270 km, nhiều nơi đường hầm chồng lên nhau tới ba, bốn tầng. Hình ảnh những chàng trai, cô gái vừa gặm cá muối, vừa cắm mắt trên những trang sách trong các toa tàu mãi khắc ghi ấn tượng đẹp trong Nguyên về con người Xô Viết hiếu học.
Nơi Nguyên và bạn bè muốn đặt chân đến trước tiên trong ba ngày lưu lạc tại Mátxcơva,  không phải nơi nào khác chính là Quảng trường Đỏ huyền thoại, với Nhà Thờ Thánh Basil, Lăng Lê Nin, Điện Kremlin và Bức Tường hùng vĩ màu đỏ. Cảm giác choáng ngợp khiến con người trở nên nhỏ bé trước công trình xây dựng do chính bàn tay mình tạo nên. Các khối kiến trúc nguy nga theo kiểu truyền thống, cổ điển và hiện đại đan xen nhau hài hòa tạo nên dáng vẻ uy nghi, kỳ vĩ.
Ngay bên cạnh Quảng trường Đỏ, là tòa nhà bách hóa tổng hợp GUM. Khi chủ nghĩa xã hội đang cận kề bên ngưỡng sụp đổ, những ai muốn lưu giữ kỷ niệm đẹp đẽ và ấn tượng về Mátxcơva, về đất nước Liên Xô vĩ đại, không nên đặt chân đến chốn này. Dù được bạn bè cho biết trước, nhưng Nguyên vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự tương phản giữa bề ngoài hoành tráng với bên trong trống rỗng, tan hoang của tổ hợp thương mại này. Trên cả bốn tầng lầu, các tủ hàng treo bày leo teo những bộ váy áo nhàu nhĩ, nhợt nhạt, các quầy kính đặt lưa thưa dăm ba vật dụng. Hàng hóa ở đây trông đơn điệu, thô kệch lại được bày trí cẩu thả. Người bán hàng uể oải ngáp vặt, không buồn đứng dậy mỗi khi có khách đến xem. Đúng là bộ mặt thương nghiệp xã hội chủ nghĩa ở đâu cũng vậy. Nguyên và đám bạn để ý tìm các sản phẩm nồi đồng cối đá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như bàn là hoa dâu, nồi hầm áp suất, quạt tai voi, tủ lạnh Saratov, áo bay...tuyệt nhiên không thấy bày bán ở đây dù chỉ một chiếc.
Bi kịch thay! Chủ nghĩa xã hội khoa học đang phải oằn mình chống chọi với cơn lốc khủng hoảng ngay trên chính mảnh đất mà nó đã sinh ra. Nền công nghiệp Xô Viết mang danh hiện đại luôn tự hào với đỉnh cao chinh phục vũ trụ lại không thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, giản dị của người dân. Đã có lần, Nguyên được nghe câu truyện cười thời Xô Viết "Một lao động Việt Nam mua được lô quần bò ở GUM, về khoe với bạn cùng phòng. Anh kia không biết GUM ở đâu, anh này chỉ cặn kẽ rằng nó ở cạnh Quảng trường Đỏ, cứ đến đó thấy chỗ nào đông người xếp hàng, đó là nơi bán quần bò. Anh kia hý hửng ra đi. Chừng mấy tiếng đồng hồ sau, anh ta trở về mặt tiu nghỉu, nói như sắp khóc: - Thấy một chỗ người ta xếp hàng dài lắm, tôi đứng vào, nhích dần từng bước, mãi mới vào được bên trong thì ông bán quần bò (Lê Nin) đã lăn ra chết rồi".
Kí ức thời tuổi trẻ của Nguyên về quê hương Cách mạng Tháng Mười đẹp như bài ca, bản nhạc trữ tình. Vậy mà lúc này đây nốt nhạc Nga diệu kỳ ấy như đang bị đánh rơi xuống tận đáy cùng vực thẳm. Nguyên chống chếnh buồn, hoang mang như người bước hụt.
Suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, mặc dù Liên Xô đã tuyên bố chấm dứt sự tồn tại, nhưng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) vẫn được các doanh nghiệp Việt Nam coi như một thị trường thống nhất với gần ba trăm triệu dân. Sau khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế ấy bùng nổ nhu cầu hàng tiêu dùng giá rẻ nhập khẩu từ Châu Á. Thời gian này Ba Lan đã phát huy được vai trò đầu mối trung chuyển trong việc cung cấp hàng hóa cho thị trường vĩ đại có sức mua cực lớn này.
Trong kinh doanh cơ hội luôn song hành cùng thách thức, cơ hội càng nhiều thách thức càng lớn và ngược lại. Đồng tiền kiếm được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt vì mưu sinh thật không dễ chút nào. Nó được kết bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu từ công sức của bao nhiêu con người. Liên Xô vĩ đại là nơi thành danh của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là đất chôn vùi sự nghiệp biết bao mảnh đời bất hạnh. Nguyên cũng vậy, nghiệp kinh doanh của nó đã trải qua bao cung bậc thăng trầm tại đây. Nguyên vừa căm ghét đất nước này, lại vừa yêu quí nó. Nơi đây từng là bờ vực khiến Nguyên xảy chân rơi xuống đáy sâu không chỉ một lần, lại từng làm bệ phóng đưa nó đến đỉnh thành công. Có lúc Nguyên nguyền rủa vùng đất dữ dội đã lột nó đến trắng tay, nhưng cho đến tận bây giờ, trong thâm tâm Nguyên mãi mãi chịu ơn xứ sở này.
Sau cuộc chiến thảm khốc giành giật thị trường Ba Lan với các đối thủ Việt Nam, Nguyên rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Mùa đông khắc nghiệt khiến cho những chiếc áo chắn gió không chắn nổi cái lạnh thấu xương dưới nhiều độ âm. Áo gió rơi giá từng ngày, đang bán 125 nghìn zloty (tiền cũ) rớt xuống 85 nghìn, 65 nghìn... sau cùng không còn giá nữa. Thị trường áo gió Ba Lan ngay sau lễ thanh minh (01/11) tê liệt hoàn toàn. Lúc đó phần phía nam Liên Xô còn ấm áp nên áo gió ở đó vẫn nhúc nhắc đi.
Có đơn đặt hàng từ thị trường lớn, Nguyên khấp khởi hy vọng tìm ra lối thoát. Nó khẩn trương thu gom những kiện áo gió chưa bán được, đưa sang Liên Xô tiêu thụ như một giải pháp vớt vát, cứu vãn. Ngay trước lễ giáng sinh năm 1991, Nguyên thuê xe tir chở toàn bộ số áo gió sang Mátxcơva, chiến trường quen thuộc với nó từ thời đánh máy tính. Thực hiện sứ mạng này, ngoài lái xe người Ba Lan, có thêm một người Việt Nam ngồi theo xe, áp tải. Nguyên không đi cùng theo họ, nó nhảy tàu sang bên kia đón đầu.
Do thời vụ gấp gáp, lại chưa có kinh nghiệm chuyển hàng đường bộ sang Mátxcơva, dù biết giáng sinh là ngày lễ thiêng liêng đối với người công giáo Ba Lan, nhưng Nguyên không thể lần lữa thay đổi kế hoạch được nữa. Nguyên và T. bạn nó bên Nga lại không cân nhắc tránh dịp nghỉ lễ cuối năm của người Nga nên bọn chúng phải canh xe, nằm queo trong rét mướt, buồn chán và thiếu ăn. Chỉ vì quá sốt sắng với thời vụ tiêu thụ hàng mà Nguyên làm khổ mấy người bạn đồng hành. Nạn nhân trước tiên và bi thảm nhất là tay lái xe người Ba Lan. Mười mấy ngày chờ đợi, không có ngày nào hắn không đấm ngực, than trời, rủa Nguyên độc ác. Nghe hắn rền rĩ mà não cả ruột gan. Nguyên biết hắn muốn ăn vạ, bắt đền, vì Nguyên mà hắn mất lễ giáng sinh và giao thừa cùng vợ con. Anh bạn người Việt Nam lại gần như không nói một lời, nhẫn nhịn chịu đựng như một nhà chính trị chuyên nghiệp. Mà quả thật, chỉ mươi năm sau anh ta đã leo lên đến hàm thứ trưởng.
Nguyên và chiếc xe hàng sang đến nơi đúng ngày Liên Xô tuyên bố giải thể 25/12/1991. Thật không may cho Nguyên vướng vào dịp nghỉ lễ, phải treo xe chờ đợi, nhưng nó lại may mắn được trải qua những ngày lịch sử hiếm hoi. Trong hai tuần đó Nguyên tận mắt chứng kiến thảm cảnh nước Nga vật vã ngay sau ngày Liên Xô tan rã. Khó khăn, thiếu thốn lại đang giữa mùa đông, đêm dài ngày ngắn. Cảnh vật trông như bức ảnh đen trắng, bầu trời xám xịt, gió tuyết vần vũ, cây cối đen đúa xác xơ...càng khiến cho Mátxcơva lúc đó thêm ảm đạm.
Nguyên và các bạn được bố trí ở trong một căn hộ 2 buồng không rộng hơn 40 m2, gần đường vành đai ba. Liên Xô chỉ thực sự vĩ đại với những thứ thuộc về nhà nước, còn của nhân dân cái gì cũng bé. Nguyên đùa, gọi hai tuần khổ ải này là thời gian lưu đày của Lê Nin. Có lẽ chẳng khác mấy, dù nó diễn ra ở ngay cửa ô thủ đô nước Nga những năm cuối thế kỷ 20. Không tiếp xúc, không giải trí, thiếu thốn, buồn chán và rét mướt...
Trong những ngày vạ vật ấy, đôi khi Nguyên đảo chân qua một chợ nông trường ở trung tâm Mátxcơva để tìm cách cải thiện vấn đề dinh dưỡng. Nơi đây giống như ốc đảo „thị trường tự do“ nhỏ nhoi trong lòng nền kinh tế bao cấp thời Xô Viết. Khác với các cửa hàng mậu dịch nhà nước, chợ nông trường bày bán đủ các loại thịt, cá, rau củ quả...phong phú, hấp dẫn trong thời buổi hiếm hoi thực phẩm tươi sống dành cho các bữa ăn tạm gọi là „xa xỉ“. Mùi gia vị, mùi cọng tỏi muối, mùi thịt cá tươi, quyện lẫn hơi người nồng nồng, vướng vất bên những gương mặt bán hàng đầu đen xuất xứ vùng Cáp-ca-zơ, đưa đến cảm giác lờm lợm không mấy dễ chịu.
Xa xôi, cách trở cùng với nạn khan hiếm thực phẩm khiến cho bữa ăn của mấy thằng đàn ông lười biếng trở nên thê thảm y như thời chiến tranh. Đôi lúc hứng chí, Nguyên lại hào phóng tự thưởng cho cả bọn „đập phá“ tại các quán ăn rẻ tiền ven đường hay cạnh bến tàu, bến xe. Xập xệ, nhếch nhác, không mấy vệ sinh là hình ảnh thường thấy trong các hàng quán mà Nguyên ghé chân.
Thời bấy giờ, do hậu quả của chính sách đóng cửa toàn diện, Liên Xô như một thế giới riêng lạc lõng trong nền văn minh nhân loại. Cơn bão công nghệ thông tin, điện tử với computer, calculator lan nhanh trên địa cầu lại như bị chặn đứng trước „thành trì của chủ nghĩa xã hội“. Công cụ tính toán rất phổ biến lúc đó trên đất nước Liên Xô mà Nguyên thường thấy trên bàn thu ngân trong các cửa hàng hay trên tay cô phục vụ bàn trong những quán ăn lại là chiếc bàn tính gẩy bé bé xinh xinh có từ thời Trung Hoa cổ đại.
Hai tuần quá đủ để Nguyên được trải nghiệm thực tế từ đó nhận thức đầy đủ về nền tảng xã hội Xô Viết „đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội phát triển, đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản“. Giữa sự thật và dối trá phải nhận thức như thế nào đây? Niềm tin trong con người đảng viên Cộng sản Nguyên lung lay tột độ.
Sau những ngày nghỉ lễ cuối năm, mọi người trở lại với cuộc sống thường nhật. Nguyên và đám bạn háo hức chia tay quãng thời gian vô vị, tẻ nhạt nhất trong đời để lao vào công việc. Ngay sau tuần đầu năm mới 1992, Nguyên và T áp tải xe hàng đến cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan, dỡ bỏ kẹp chì. Với Nguyên ở Ba Lan việc này quá đơn giản. Nhưng đây là công việc mới mẻ cho người Việt Nam ở Nga. Lạ một điều, hải quan Nga cũng lúng túng, họ chưa biết việc, hay muốn gì khác nhưng không dám nói trắng ra. Họ chỉ hết chỗ nọ, chỗ kia, rối tinh. Đến trạm hải quan thứ tư, đã quá mệt mỏi, Nguyên hết kiên nhẫn với các nhân viên công vụ Nga. Nó cùng vào với T. để trưc tiếp tay bo với sếp của trạm. Không cần lý luận nhiều, Nguyên đã hiểu bọn hải quan muốn gì. Thôi cứ đi tắt cho sớm chợ, khỏi vòng vo rách việc, lại mất thời gian. Đúng như Nguyên nghĩ, tiền vẫn là ngôn ngữ thông minh nhất trong tình cảnh nhà nước đang mục ruỗng.
Xong việc, Nguyên nói với T: „Ngày hôm nay cậy được cửa hải quan này là sự kiện trọng đại đối với cuộc đời mày. Đây là cơ hội hiếm hoi giúp mày đổi đời. Hãy tin tao đi! Cái cánh cửa ọp ẹp bẩn thỉu của trạm hải quan này được dát bằng vàng mười đấy. Tao có kinh nghiệm bao năm nay làm ăn theo mô hình này ở Ba Lan. Mày mạnh dạn bỏ đàn gà đẻ trứng với mấy con bò vắt sữa ở quê vợ đi. Lên Mátxcơva mà vơ tiền“. Nhìn cái điệu cười ngô nghê của thằng T, Nguyên biết nó vẫn chưa tin những điều Nguyên nói.
Sau vụ này, thằng T đưa cả vợ con lên Mátxcơva thuê nhà. Nó hăm hở muốn khai thác ngay cái mỏ vàng mà Nguyên vẽ ra viễn cảnh trước mắt nó. Nhưng chẳng có gì dễ, nhất là trong việc kiếm tiền. Muốn giàu phải hội đủ các tố chất trong con người, không thể thiếu dù chỉ một thứ. Lẽ ra với cỗ bàn được dọn sẵn, chỉ cần chí thú ngay từ thời đó, thằng T đã làm nên chuyện lớn. Lẽ ra  một số tên tuổi làm dich vụ hải quan có số, có má ở Nga như N. Đ.C  hay N.C.S chỉ dám đứng từ xa nhìn nó bái vọng. Thằng T lại không làm được như thế. Nó muốn có nhiều tiền, nhưng lại mắc bệnh hám gái với lại nghiện rượu, nặng đến độ vô phương cứu chữa. Ở đời lúc mới khởi nghiệp, thằng nào cũng thế, phải kìm nén bản năng, chỉ được chọn hoặc tiền, hoặc rượu và gái. Đằng này thằng T ham hố, nó chẳng chịu nhịn thứ nào, nó muốn có tất cả cùng lúc.
Thằng T lúc đó mới ngoài 30 tuổi, nhưng đầu nó đã hói bóng, chỉ còn tí tóc lơ thơ hai bên thái dương. Y học hiện đại đã kết luận „người hói sớm là do hoóc môn tình dục nam vượt trội“. Chẳng biết người khác thế nào nhưng với thằng T thì quá đúng. Người nó lúc nào cũng rừng rực, xồng xộc như con chó dái. Rượu vào nó chém tưng tửng: „đêm không tính, sáng banh mắt, tao mà chưa được một nháy, con vợ tao đừng hòng ra khỏi cửa“. Không biết độ tin cậy đến đâu, nhưng Nguyên tin là nó nói thật. Thằng T có thể hành sự bất cứ lúc nào khi có cơ hội. Công việc dù quan trọng đến đâu, cứ có gái là nó vứt toẹt, chỉ để rúc đầu vào chốn ấy. Thằng T không nên người vì rượu và gái, tiêu tan sự nghiệp cũng bởi hai thứ ấy. Sau bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường, đến giờ này, khi mọi cơ hội vàng đã tuột khỏi tay, thằng T lại an phận với mấy con bò sữa và đàn gà đẻ trứng.Sau khi làm xong thủ tục hải quan, chiếc xe tir chở đầy áo gió chạy thẳng đến Dom 5 trên phố Dimitri Ulianov để dỡ hàng. Đây là địa điểm rất nổi tiếng đối với người Việt Nam ở Mátxcơva thời những năm 80. Tòa nhà 7 tầng với hơn 600 phòng vốn là ký túc xá dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Sau những thăng trầm của lịch sử, Dom 5 gần như biến thành nơi trú ngụ của các nhà khoa học Việt Nam tương lai, rồi lại sau bao nhiêu sàng lọc, đổi chác nữa, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, văn hóa Việt lại biến thành „trung tâm thương mại“ nuôi béo các khoa học gia kiêm nhà buôn nước Việt.
Đã từ lâu người Việt Nam biến nơi này thành một tụ điểm đầu mối hổ lốn vừa là nhà kho, nhà trọ, vừa là quầy giao dịch hàng hóa, quán ăn...trong đó có đủ các dạng dịch vụ từ cắt tóc, đổi tiền, mua vé máy bay, môi giới vận tải, giải quyết hộ chiếu, thị thực...Dom 5 lúc đó như một lãnh địa khép kín, như một cái làng Việt Nam trong lòng Mátxcơva. Nguyên đã đặt chân đến đây rất nhiều lần từ thời đánh máy tính và vàng. Trở lại sau hai năm, Nguyên vẫn cứ ngỡ ngàng, mặc dù cảnh đấy, người đấy, có lẽ do cường độ làm ăn đã tăng lên nhiều lần.
Cánh cổng gỗ của tòa nhà như ngăn đôi hai thế giới cách biệt. Chỉ cần lách người qua cửa vào bên trong, Nguyên có cảm giác như bị lạc vào một cái tổ mối khổng lồ. Những chiếc thang máy treo ròng rọc cổ lỗ đầy ắp hàng lên xuống không ngừng. Người đẩy hàng, người bốc hàng tấp nập đi lại như những chú mối thợ cần mẫn. Nguyên cùng T. đến các phòng quen, chào hàng áo gió. Phòng nào cũng xếp hàng cao chất ngất lên đến tận trần. Mọi khoảng trống gần như được tận dụng tối đa. Sàn chỉ còn đủ chỗ trải hai manh chiếu, ban ngày làm nơi ngồi ăn uống, tiếp khách, ban đêm trải đệm  làm giường ngủ. Khách xa ngủ lại qua đêm, phải xếp các kiện hàng, trải chiếu lên trên, biến thành giường đệm.
Ba ngày vừa giao hàng, vừa thu tiền, Nguyên đã giải quyết xong toàn bộ số áo gió đưa sang, lại thu được giá cao gấp rưỡi so với ở Ba Lan thời điểm ấy. Vẫn biết Liên Xô là thị trường lớn, nhưng Nguyên không khỏi kinh ngạc về tốc đô tiêu thụ hàng ở đây. Lô áo gió chính là phép thử về sức mua của „thị trường mới nổi“ này. Thực trạng đó giúp Nguyên đưa ra một quyết định có tính chiến lược trong sự nghiệp kinh doanh của mình: „Gắn bó lâu dài, hợp tác toàn diện với thị trường Liên Xô vĩ đại“. Nguyên đã bám trụ, kiên nhẫn thực hiện ý nguyện này trong suốt hai mươi năm. Có thể nói một cách đầy tự tin rằng Nguyên là một trong số rất ít chiến sỹ „tình nguyện quốc tế“ Việt Nam xứng đáng được nhận Huân chương Hữu nghị của nhà nước Xô Viết (nếu còn tồn tại) cho thâm niên công tác dài hạn trên „thương trường nghiệt ngã Liên Xô“.
                                                                                                        Trần Quốc Quân
                                                          Hết phần 9

1 nhận xét:

  1. Đi công nhân kỹ thuật, hợp tác lao động rồi xuất khẩu lao động, người Việt nam đã dậy cho người nước ngoài về hối lộ. Những năm 80 tôi nghe các anh đi học nước ngoài về nói "mình đã xuất khẩu hối lộ" cho bọn Tây. Qua truyện của bạn thấy đúng như vậy, những năm khốn khó ấy chúng ta đã làm "rạnh danh" người Việt ở nước ngoài, chắc chỉ có người Việt Nam mới có tài như vậy

    Trả lờiXóa