Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

MIỀN TRUNG KHÔ CẰN

                                                                                                            Trần Tiến IA
Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên bỏ lại miền Bắc thân yêu vào miền Nam công tác, một kỷ niệm đầu đời sau mười mấy năm mài đũng quần trên ghế các trường học. Ba lô trên vai lên tàu Thống Nhất xuôi dọc đất nước, mang theo bao chán chường và cũng có một phần phiêu lưu của tuổi trẻ. Cuộc chia tay chỉ có tôi và anh trai tôi, một lên tàu đi Hà Nội, một lên tàu xuôi Nam!
Tuy buồn nhưng lần đầu tiên tận mắt chứng kiến miền Trung dằng dặc và khô cằn của đất nước, không đẹp như những bài thơ của Tố Hữu về "khúc ruột miền Trung".

 Mùa xuân năm 1981, chia tay gia đình và bạn bè sau khi học xong khóa chỉ huy kỹ thuật tăng, cầm quyết định vào QK9 xa xôi, mù tịt, tôi chỉ nghe các anh học sĩ quan thiết giáp nói "cứ vào QK9 đi đấy là "quân khu chén" trong đấy ăn nhậu nhiều hơn làm"? thế là cứ đi xem sao. Rất may có Lê Anh Tuấn K10 IB cùng vào Quân đoàn 4, hai chúng tôi hẹn nhau cùng đi cho vui. Vậy là trạm dừng chân đầu tiên của hành trình Nam tiến là TP Vinh, điểm đầu của miền Trung. Lúc đó TP Vinh cũng tương đối nhộn nhịp như TP Thái Nguyên, tuy vậy đây là lần đầu tiên tôi được biết về Vinh. Lẽ ra đến Vinh chúng tôi đi ngay nhưng Tuấn ta mới quen được cô gái nên dùng dằng chưa muốn đi ("Tuấn lợn" biệt danh của anh chàng 3 tháng học sỹ quan dự bị không đánh răng đang say tình) nên tôi phải ở lại vài ngày. Sau mấy ngày nghe "chi, mô, răng, rứa" chúng tôi lên tàu Vinh-Qui Nhơn bắt đầu hành trình.
Tàu chuyển bánh là cả một miền đất khô cằn hiện ra với chúng tôi, một dải dài chỉ thấy những cánh đồng cằn cỗi với hình ảnh bác nông dân mặc áo tơi sau những chú trâu gầy của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Qua vùng này làm tôi nhớ hồi học phổ thông thầy giáo tôi nói  đại ý "miền Trung đi học lấy gạo ăn, họ học để ra đi thoát khỏi cái nghèo", bây giờ chứng kiến tôi thấy thật đúng. Đến ga Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình) tàu bị sự cố phải nằm chờ gần một buổi, chẳng có gì ăn, khoảng gần 1 giờ mới thấy "mạ" vác 1 cây mía cả gốc cả ngọn ra bán, sau đó mới có người làm theo. Rồi mấy tiếng sau mới thấy người mang sắn luộc ra bán, chắc lúc này các "mạ" mới vội đào sắn luộc bán vì ăn sắn còn tươi mùi đất. cũng may có mấy củ sắn đã cứu đói cho cả đoàn tàu. Tôi có mấy cái bánh chưng mẹ gói cho để dành đi tàu ăn, phải chờ Tuấn tán gái lâu quá lên mốc mất không ăn được. Thoát cảnh giữa hoang tàn Đồng Lê, tàu tiếp tục cho chúng tôi thấy vùng cát trắng Quảng Ninh lại nhớ đến Mẹ Suốt với "chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" thật không sai. Tiếp theo là Quảng Trị một vùng còn hoang tàn của chiến tranh, hai bên tuyến đường chỉ thấy héo khô không sức sống. Rồi dọc các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ thấy phía Tây là núi, phía Đông là biển chỉ có một rẻo đất toàn một màu khô cằn, không sức sống.
Đến Qui Nhơn, chúng tôi phải xuống tàu tìm ra Diêu Trì để vào Sài Gòn. Tại đây lại cũng có kỷ niệm của mảnh đất võ này. Số là hai chàng thiếu úy thiết giáp, đeo quân hàm đàng hoàng vào mua ly nước mía thế mà khi quay ra đã thấy mất hai cái áo đi mưa đeo sau ba lô, cái áo mưa chúng tôi lót sàn gầm ghế để ngủ nên buộc ngoài ba lô, chỉ vì không để ý đứa trẻ theo sau chúng tôi. Lên xe lam quay lại ga Diêu Trì, chúng tôi lại tiếp tục hành trình vào Nam, tiếp tục chiêm ngưỡng sự khô cằn. Lúc này miền Nam là mùa khô nên  khô hanh nóng hầm hập càng tăng thêm sự khô cằn khô cháy mọi cây cỏ.
May cho chúng tôi không phải nhàm chán vì những tiếng xập xình của đoàn tàu cũ kỹ với sự khô cằn của một dải miền Trung dằng dặc bởi còn được thưởng thức cảnh đẹp của Hải Vân, với những khúc uốn lượn quanh co làm cho ai cũng phải quên hết mệt nhọc để ngắm nhìn kỳ tích của cha ông chúng ta và người Pháp đã làm nên tuyến đường sắt xuyên Việt này. Và còn có Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, những trung tâm văn hóa mang lại sức sống cho miền Trung, chúng tôi được xuống ga thư giãn và nạp thêm năng lượng nhờ những người bán trong ga. Những "Ga gà", những khu trồng mía tỉnh Quảng Ngãi, những vườn thanh long, nho Nam Trung Bộ và những bãi biển ven bờ.  Khi buồn còn cùng nhau đếm các hầm mà tàu chui qua, toàn tuyến có 27 hầm chui ngắn, dài có từ thời Pháp thuộc, nó cũng là kỳ tích của người xây dựng tuyến đường sắt này.
Qua lại miền Trung nhiều lần vào các thời điểm khác nhau, vẫn chỉ thấy sự khô cằn của một vùng đất cằn cỗi với những con người cục cằn, bởi với điều kiện thiên nhiên như thế này làm sao miền Trung không nghèo, không khổ được. Càng nghĩ càng thấy thương miền Trung. Tuy những năm gần đây có thay đổi được ít nhiều, nhưng vẫn cái cảnh mùa mưa thì lũ tràn đường tàn phá thôn xóm, mùa khô thì hạn cháy cỏ cây. Chính vì vậy vậy có những vùng quê dân số không tăng, chỉ còn người già và trẻ nhỏ, thanh niên cố gắng chăm chỉ học để thoát ly về thành phố hết, người còn sức lao động cũng về thành phố làm đủ nghề. May mà còn có một dải bờ biển dài giữ chân những người sống về nghề biển. Ở TP HCM chắc người miền Trung phải chiếm đến 75% dân số, ngay các trường ĐH, CĐ, TC cũng toàn thấy học sinh miền Trung. Trong các cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp, người miền Trung cũng chiếm phần lớn. Ở Hà Nội tỉ lệ chắc cũng gần như thế!
Nếu như một dải từ Vinh (Nghệ An) đến Xuân Lộc (Đồng Nai) dài 1300 km (theo đường tàu) không chỉ có "Huế thương", "Nha Trang mua thu", "Thương nhớ miền Trung", những bài thơ buồn của Hàn Mặc Tử … mà sẽ là nơi sản xuất cây công nghiệp (mía, ngô, khoai, sắn, nho, thanh long …) cung cấp cho cả nước. Một vùng kinh tế biển hiện đại về khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển đa dạng thì sẽ tạo nên sức sống cho miền Trung và người miền Trung không còn đua nhau về thành phố nữa. Có như vậy Hội Cơ Điện mới có dịp du lịch xuyên Việt qua miền Trung bằng tàu hỏa, bằng ôtô hay xe máy, không chỉ ngắm các thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của miền Trung mà còn được thưởng thức hải sản Lăng Cô, Nha Trang, nhấm nháp đường phèn Quảng Ngãi, nhậu thịt gà Quảng Nam, thịt dê Ninh Thuận, ăn mực một nắng chấm nước mắm Phan Thiết và những món ăn hải sản không đâu có? Thưởng thức nho, thanh long Ninh Thuận, Bình Thuận và tắm biển không sợ cá mập, ngồi uống "cà phơ" ngắn nhìn sóng biển….Miền Trung không còn khô cằn nữa!
Biết bao giờ mới được như vậy các bác miền Trung?

10 nhận xét:

  1. Đã đọc mấy bài của Tiến rồi nhưng vẫn không ngờ tay này viết hay ra phết!
    Nhưng để cho hay hơn nữa mõ phó blog K10 xin "dọn vườn" một chút để thấy công việc biên tập quản lý blog cũng mệt mỏi lắm đấy nhé, nếu muốn blog hay hơn!
    Xin chữa vài lỗi chính tả thôi nhé!
    "Hoang tàng Đồng Lê" chắc là hoang tàn chứ nhỉ?
    "uấn lượn quanh co" chắc là uốn lượn, lỗi này giống Bình tàu.
    "Hàn Mặc Tử" chứ không phải Mạc
    "Nho, Thanh long Ninh Thuận" không nên viết hoa nho & thanh
    "Thanh Long, Nho nam Trung Bộ" phải là thanh long, nho Nam Trung Bộ
    "tàu Thống nhất" nên viết hoa chữ nhất
    "mài đũng quân" thiếu dấu huyền
    "trạm dùng chân" chắc là dừng
    "tiếng sập sình" là xập xình Tiến ạ.
    "đất cằn cỗi với những con người cục cằn" xem lại cái từ cục cằn?
    "học sinh miềm Trung." - miền Trung
    "du lịch biển đa dạng. Thì sẽ tạo nên sức sống" không chấm câu ở đấy được.
    "bằng ôtô hay xe máy. Để không chỉ ngắm..." cũng không chấm câu ở đó được.

    Tôi sẵn sàng chịu vất vả thêm nữa để sửa bài và còn thấy sướng khi được làm việc đó. Chứ cứ như tuần qua thì blog phải đi vay mượn bài nhiều quá. Dù văn người có hay cũng không bằng 1/10 văn của mình. Đúng không các bạn K10!

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ vài nét chấm phá mà Tiến đã lột tả được hình ảnh còn nhiều cái buồn của miền Trung rồi.Tuy nhiên muốn "khúc ruột" này hết khô cằn thì hơi khó,với địa hình dốc,hẹp mà cây rừng thì chỉ có chặt không có trồng thì làm sao mà chẳng vừa mưa đã lụt chớm nắng đã khô cho được.Nói vậy ,chứ miền Trung lại có rất nhiều cảnh đẹp,nên thơ nữa.Năm 2005 khi đoàn CCB ĐH Cơ Điện đi dọc miền Trung dù là cưỡi ngữa xem hoa thôi cũng được chiêm ngưỡng rồi,chỉ có Dân là còn khổ thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Vừa làm việc, vừa viết mấy chữ góp vui với blog nên việc chỉnh sửa không được nhiều. Dân Cơ Điện viết văn tránh sao khỏi lỗi chính tả, các bác thông cảm cho. Còn nhận xét của tôi: "người miền Trung cục cằn" là theo quan điểm cá nhân, cái cục cằn dễ thương do cuộc sống khó khăn mà có chứ không có ý khác.

    Trả lờiXóa
  4. Tiến viết rất hay và hấp đẫn người đọc! Đúng như bác Chít nói, đọc văn "mình" đôi khi thấy hay hơn...văn "người", văn của Tiến đúng như vậy đấy, cảm ơn Tiến nhiều nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Văn Cơ điện , viết ngắn mà hay được như Tiến không phải nhiều lắm đâu . Cái hay nhất là : Một chuyến đi nhang ( không phải Phượt ) mà người đọc hình dung được cả tình và cảnh Tiến ạ . Chúc Tiến có nhiều bài viết hơn và hay nữa .

    Trả lờiXóa
  6. xin lỗi về chính tả ; đi ngang qua chứ không phải đi nhang

    Trả lờiXóa
  7. @Luật sư K10: Đôi khi thế nào? "Văn mình, vợ người" bao giờ cũng hơn. Nhưng ở đây là blog K10 nên bài của K10, của ta bao giờ cũng hay hơn cả 10, và cả trăm lần văn "người" ấy chứ. Bài như của Tiến mới đích thực là "K10 - ngày ấy & bây giờ" tập 2. Hoan hô các bạn có bài của chính mình!

    Trả lờiXóa
  8. Rất cảm ơn các bác đã khen những bài tôi viết, thực ra còn nhiều bác K10 viết hay và cảm xúc hơn tôi nhiều, nhưng có lẽ vì thời gian và vì công việc mà các bác chưa viết cho chúng ta đọc. Đây cũng có thể do blog chưa đến được hết với các thành viên, hơn 300 kỹ sư ngày ấy, mà bây giờ tham gia còn ít quá. BBT xem có cách nào để cho toàn thể chúng ta tham gia, cứ như tôi mạnh dạn viết ra những suy nghĩ và cảm xúc mà các bác cũng khen theo kiểu “con hát mẹ khen hay” cũng được.
    Hơn 30 năm cuộc sống bao thay đổi, có nhiều người thành đạt nhưng cũng không ít người còn khó khăn trong cuộc sống, nhưng theo tôi cuộc sống là vô cùng “giàu bao nhiêu cho đủ, nghèo đến thế là cùng, cái giàu với cái nghèo chỉ là tương đối” đúng không các bác? Cứ VLC!

    Trả lờiXóa
  9. Đúng vậy, viết rất hay, mình đang sắp nghỉ hưu ( Bọn con gái K10 sinh năm 1957 sẽ rời nhiệm sở vào năm 2012), định sẽ viết hồi ký về những tháng năm trên trường, mọi người ủng hộ nhé, vì trước đây mình cũng có 1 chút kiến thức về văn mà

    Trả lờiXóa
  10. Trần Tiểu Bình k10MBlúc 20:50 18 tháng 8, 2011

    Ủng hộ bạn Đỗ Sơn,bạn cứ viết dần và viết đến đâu đăng đến đấy cũng được.Không biết ngày xưa các bạn nữ sinh viên có đi quán không nhỉ?Chúng ta chờ hồi ký của ban Sơn nhé.Chúc Sơn và gia đình luôn vui khỏe hạnh phúc !
    Thân mến Tiểu Bình k10MB.

    Trả lờiXóa