Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

TẾ "CỤ RÙA HỒ GƯƠM"

                        Nhân dịp cụ rùa được thả về hồ có bài tế tặng
Hỡi ôi !
Loài Giải sông Hồng;
Thành "Rùa sách đỏ".
Ngàn năm cặm cụi, bắt tép ăn rêu ở  đáy Hồ;              
Một lần vô tình, nổi lên găp ngay thuyền Lê Lợi;
Gọi "Rùa Hồ Gươm" linh thiêng từ đấy.
Nhớ khi xưa?
Hồng Hà rộng lớn;
Vùng vẫy thành quen.
Chỉ biết sông sâu, đâu quen hồ cạn;
Quen bắt cá tôm, ở ngoài sông rộng.
Việc bơi, việc lội, việc đớp, việc lùa, vốn dĩ quen làm;
Tập tránh, tập nhìn, tập tìm, tập kiếm, chưa từng phải biết.
Đêm ngắm gió sông đủ mười hai tháng, trông chờ mùa nước mới chén mồi ngon;
Ngày bơi loanh quanh vào bờ ra bụi, kiếm mấy miếng rêu cho lòng thanh thản.
Bữa thấy cá con quậy thấy ghét, tức đuổi cho vui;
Ngày nhìn đám rong trôi thành bầy, muốn theo đớp hết.
Mải mê  bơi dọc bơi ngang, vào hồ Lục Thủy không hay;
Mênh mông hồ rộng nước xanh, không biết đường quay lại nữa.
Từ đấy lập thành đàn, kết bạn cùng những chàng Giải đẹp;                           
Lấy Lục Thủy làm nhà, không còn ngao du sông nước nữa.
Thật thương thay!
Thời công nghiệp người nhiều,  thải lắm, theo dòng đổ xuống hồ xanh;
Phố xây thêm lấn bãi, lấp dòng, đâu còn xanh lục ngày xưa.
Mấy trăm năm kinh nghiệm, phải tự luyện rèn;
Học các chước loài giun, thêm nghề chiu lủi.
Ngoài hồ có cái gì ăn vậy, còn đâu được kén cá, chọn rêu;
Nước có mùi cũng phải nuối thôi, cho dù từ Bà Triệu,  Bà Trưng.
Thịt rơi từ nhà hàng Thủy Tạ, đớp cho xong  bữa chiều tháng bảy;
Rau dư của mấy người Hà Nội, cũng tạm thay cọng rêu lục thủy.
Nhọc nhằn khi hợp tác xã nuôi cá hồ, thả lưới bủa vây, bắt cá làm thực phẩm;
Phải tránh xã viên phóng xà beng mũi nhọn, phá lưới  thoát thân, liều mình giữ mạng sống.
Ôi!
Thời gian vật đổi thay lòng, đâu biết ngày nay lại vậy.
Hồ Lục Thủy rộng sâu là vậy, bỗng thành một cái ao con;
Phố xây quanh thải cặn chặn dòng,  nước xanh thành xám.
Đoái sông Hồng Hà, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Nhìn nhà Thủy tạ,  mắt cay hai hàng lụy nhỏ.
Chẳng cần nhà thông minh, phòng cấp cứu, cho tốn tiền con cháu Lạc Long;
Chỉ muốn xanh lục thủy, như ngày nào, vẫy vùng cho thỏa trí Ba Ba.
Nhưng nghĩ rằng!
Tích đòi gươm vua Lê Lợi, đã lỡ có từ ngàn xưa;
Nay được trong ao nhân tạo, kệ cho các ngươi nghiên cứu.
Chỉ buồn thay một việc cỏn con, mà khổ ngàn dân;
Mất hàng tỷ nào cào nào lưới, cho vài gam thuốc.
Sống chỉ làm thí nghiệm hy sinh, cho giáo sư, cho tiến sỹ, về loại bò sát;
Sống để ngày ngày bơi lấy dáng, hết quay phim, lại chụp hình, tốn hao gấy mực.
Thà thác mà được câu cảm khái, lên bãi Ngọc Sơn thờ phụng;
Còn hơn sống làm vật nuôi hèn, bắt lên thả xuống mà đau.
Ôi thôi thôi!
Đền Ngọc Sơn năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son xin gửi lại bóng trăng rằm;
Tháp Rùa nổi không có bãi bò lên, làm sao cho loài mình ấp trứng sinh con.
Đau đớn mấy, vài năm sau mất giống, lấy ai làm vui vẻ ngày xuân;
Thật buồn thay, có chụp ảnh hồ gươm, không còn "Rùa" để bàn cãi.
 Ôi!
Một nhát xà beng
Nằm phơi nền đá.
Còn nhiều đường xả chất thải vào hồ, thì sao có mặt nước như xưa;
Bộ sở ban ngành ngay ở thủ đô, có cứu được một loài giải nhỏ.                                                                     
Thác để được nâng lưu thờ phụng, danh thơm đồn cả nước đến xem;
Thác được cưng lên đền Ngọc Sơn, tiếng hay cho muôn đời ngưỡng mộ.
Sống linh thiêng, chết cũng linh thiêng, linh hồn giúp nhân dân, muôn kiếp nguyện được vì dân;
Sống ở hồ, chết cũng ở hồ, xác nằm sân đền ngọc, một thân vì khoa học mãi.
                                                                                       Cháu Đồ Chiểu – Trần Tiến

8 nhận xét:

  1. Nguyễn Trọng Bằnglúc 08:43 15 tháng 7, 2011

    Rất hay, vui và nhiều ý nghĩa... Xin phép tác giả và mõ blog cho tôi được copy (khoảng 50 bản) chuyển tận tay cho các thành viên Ban chỉ đạo chữa trị Rùa Hồ Gươm nhé, cảm ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
  2. Thực ra thì bài "Tế" rất hay về nội dung với mục đích lên án sự đối sử "vô tâm" với loài rùa quý. Kêu gọi "người Hà Nội" cần có ý thức hơn với "chứng nhân lịch sử", thể hiện lòng quan tâm sâu sắc đến "cụ Rùa" của những người dân Việt - rất đáng trân trọng tâm huyết của tác giả...
    Tuy nhiên cá nhân tôi nhận thấy:
    "Cụ Rùa Hồ Gươm" đã trở thành linh vật linh thiêng đối với lịch sử, từ một truyền thuyết (có thể không có thực) đã trở thành một "chứng nhân lịch sử" trong lòng người dân Việt cũng như trong sách giáo khoa chúng ta đã học...
    1; Nay chúng ta gọi bài văn trên là "Tế", có thể hiểu là văn tế người đã mất, như vậy coi như "cụ Rùa" không còn nữa chăng (kiểu như bài văn tế Nghĩa sỹ Cần Guộc của Đồ Chiểu chúng ta đã học)...
    2; Với câu thơ :
    Một lần vô tình, nổi lên găp ngay thuyền Lê Lợi;
    Gọi "Rùa Hồ Gươm" linh thiêng từ đấy
    là đã phủ nhận vai trò "chứng nhân lịch sử" và vô tình phủ nhận tính "linh thiêng của cụ Rùa Hồ Gươm".
    Còn nhiều ý khác nữa...
    Nếu bạn Bằng định sao gửi các thành viên chữa trị...thì cần suy nghĩ kỹ hơn, chứ nếu không chưa chắc ý tốt đã được hiểu đúng...dễ bị suy diễn sai ý ...
    Trân trọng

    Trả lờiXóa
  3. Hùng bò quá lo xa ! Suy diễn và nâng quan điểm để chụp mũ là tư duy của những cái đầu ở thế kỉ trước . Bây giờ " dân chí và quan chí " của người ta được ngâng cao rồi .

    Trả lờiXóa
  4. Một vài câu có thể "nhạy cảm" như ý của Hùng bò, song theo ý mõ không đến mức suy diễn như vậy, bài này chủ yếu là muốn cảnh báo chúng ta về thực trạng ô nhiễm môi trường xung quanh và chất lượng nước hồ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh của loài rùa quý Hồ Gươm, hơn thế còn có người đối xử nhẫn tâm với rùa...Bài "tế" này là dành cho cụ rùa đang nằm trong lồng kính ở đền Ngọc Sơn đấy.

    Trả lờiXóa
  5. Tán tiếp cho vui VLC, không nâng quan điểm và chụp mũ như các bác nghĩ nhé:
    Những câu thơ như:
    Mất hàng tỷ nào cào nào lưới, cho vài gam thuốc.
    Sống chỉ làm thí nghiệm hy sinh, cho giáo sư, cho tiến sỹ, về loại bò sát;
    Sống để ngày ngày bơi lấy dáng, hết quay phim, lại chụp hình, tốn hao gấy mực.
    Thà thác mà được câu cảm khái, lên bãi Ngọc Sơn thờ phụng;
    Còn hơn sống làm vật nuôi hèn, bắt lên thả xuống mà đau.

    Thì hóa ra rằng việc làm của TS R. và ThS B. (hai thành viên Cơ Điện hội) là gì, hì hì ...

    Và câu đề tựa: "Nhân dịp cụ rùa được thả về hồ có bài tế tặng" đâu phải dành cho "cụ Rùa" đang nằm trong lồng kính...

    Vẫn nhất trí nội dung chính là thiện chí của tác giả..., không nâng quan điểm, chụp mũ, lên án chi chi cả, suy diễn là để cho vui như khi ngồi bên bàn bia thôi, còn việc ai cứ làm, quan điểm của Hùng bò vẫn chỉ là : tán vui là chính VLC - vô thưởng, vô phạt. Tác giả đừng phân tâm làm gì, đưa ra được một đề tài hay để tán là thành công rồi...

    Trả lờiXóa
  6. Xin các bác cứ góp ý , người viết xin thỉnh giáo. Chỉ mong có dịp ra Hà Nội để được ngồi bên Hồ Gươm thấy "cụ rùa" thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Gửi Tiến:
    Hùng bò đã nói rồi, không phải góp ý, không cần thỉnh giáo, chỉ là tán lung tung cho vui thôi, cứ tưởng tượng như chúng ta đang ngồi bên bàn bia, ai có ý gì hay, thì cả hội tán vào cho vui, chuyện đâu để đấy, Vui là chính VLC.
    Ngược lại, rất hoan hô Tiến đã đưa ra một đề tài vui để tán mà, hàng ngày công việc bộn bề, vào trang K10 Cơ Điện để tán linh tinh, ai có đề tài gì hay thì tán, vậy thôi. Nếu tán xong, ai thấy gì phù hợp với cá nhân, phù hợp với công việc thì cứ sử dụng, không thì "quên đi cho đời nó nhẹ nhõm". Kiểu như đi ngồi với bạn nhậu cả buổi chiều tối, về nhà vợ hỏi các ông nói những chuyện gì mà đến mấy tiếng đồng hồ..., đần mặt ra nghĩ mãi chẳng biết cả bọn đã nói những gì mà mất nhiều thời gian thế..., chỉ biết là sau khi nhậu về thấy đầu óc nhẹ nhàng thoải mái là OK.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi muốn mượn những ý bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Guộc” của cụ Đồ Chiểu viết bài này để tế “cụ rùa” trên đền Ngọc Sơn, nên mới tự nhận là cháu Đồ Chiểu.
    Khi viết bài này, tôi có mấy ý xin các bác K10 hiểu cho:
    Thứ nhất: “cụ Rùa Hồ Gươm” có thực là thuộc họ rùa không? điều này có các nhà khoa học chứng minh giúp chúng ta, đừng thần thánh hóa “cụ”. Nhưng cái tên “Rùa hồ Gươm” đã đi vào lịch sử nên dù thế nào “cụ” vẫn được mang họ rùa.
    Thứ hai: Ngày nay chúng ta đang cố gắng bảo vệ sự hiện diện của “cụ” trong hồ Gươm là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc ầm ĩ kiểu dùng “dao giết trâu để mổ con gà” là không nên, (như hạt lúa 3000 năm vẫn nảy mầm cho hạt). “Cụ” chắc cũng không bằng lòng.
    Thứ ba: Cần có những biện bảo vệ nước hồ Gươm lâu dài, hữu hiệu không chỉ cho một “cụ rùa” mà phải cho cả các sinh vật sinh sống trong hồ. Có như vậy hồ Gươm đã và sẽ mãi là biểu tượng của thủ đô. Giải quyết như hiện nay chỉ là biện pháp tạm thời mang tính chữa cháy. Đừng để có thêm “cụ” nữa trên đền Ngoc Sơn.
    Hà Nội có hồ Gươm, hồ Gươm có tháp Rùa và “cụ Rùa” , thế mới là thủ đô của Việt Nam. Nếu không còn “cụ Rùa” thì hồ Gươm sẽ như thế nào? Mong quanh cốc bia Hà Nội, các bác có nhiều ý hay cho bác Rao nhé. Tuy vậy, tuyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết nó đi vào lịch sử chứ không nên thần thánh hóa, Hà Nội các bác hay bầy vẽ lắm đấy!

    Trả lờiXóa