Kinh tế chợ của người Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong nền kinh tế thị trường Ba Lan. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là một cộng đồng non trẻ, chưa hội nhập đầy đủ vào xã hội Ba Lan, nên các hoạt động kinh tế của nó còn khép kín, chậm hòa tan vào nền kinh tế sở tại. Kinh tế chợ được mọi người Việt Nam ở Ba Lan quan niệm nôm na là một dạng kinh tế đặc thù, riêng có của cộng đồng.
Tổ chức ban đầu của nó tương đối sơ khai và mang đặc trưng dấu ấn chợ. Mọi người gọi mãi thành quen, rồi gán luôn cái tên “kinh tế chợ” cho nền kinh tế cộng đồng. Trong nền kinh tế chợ, người Việt Nam tự tổ chức các hoạt động kinh doanh từ khâu thiết lập nguồn hàng, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Họ tiếp thị, lựa chọn mẫu mã, huy động nguồn vốn, nhập hàng, giải quyết hải quan và cuối cùng là tiêu thụ hàng hóa (bán buôn và bán lẻ).
Trước năm 1990, lực lượng trí thức chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối trong cơ cấu người Việt Nam tại Ba Lan. Cùng với sự tăng trưởng dân số của cộng đồng, tỷ trọng trí thức ngày càng bị pha loãng. Tuy nhiên trong suốt chặng đường phát triển, tầng lớp trí thức luôn đóng vai trò hạt nhân. Họ có nhiều ưu thế vượt trội về hiểu biết xã hội, về tiếng và quan hệ sâu rộng với người bản xứ. Trong các chiến dịch làm ăn, trí thức Việt Kiều dù số lượng ít nhưng luôn là lực lượng tìm tòi, sáng tạo, khơi nguồn và dẫn dắt cộng đồng.
Sau cuộc cách mạng chuyển đổi thể chế, Ba Lan bỗng dưng trở thành miền đất hứa màu mỡ cho cộng đồng người Việt Nam làm giàu nhanh chóng. Ngoài việc đóng vai trò thị trường trung chuyển hàng hoá cho nước láng giềng “Liên Xô vĩ đại”, Ba Lan còn là thị trường nội địa có sức mua cao, với gần 40 triệu dân. Thời gian đầu khi mới mở cửa, thu nhập đại bộ phận dân chúng chưa cao, nhưng do trải qua thời gian dài khủng hoảng, hàng hoá thiếu trầm trọng, nên người tiêu dùng còn dễ tính. Khi đó hầu như tất cả các loại hàng hóa hợp thị hiếu, dù chất lượng không cao, đều được thị trường chấp nhận.
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thị trường Ba Lan như một sa mạc mênh mông háo nước. “Cơn mưa hàng hoá” dẫu có to, ngay lập tức bị thấm sâu vào “lòng cát”. Thời đó việc kiếm tiền thật dễ. Không cần tài giỏi, chẳng cần tư duy nhiều, chỉ cần một chút không ngu, một chút ý chí, cộng với tí ti không biết sợ, là có cả điều kiện cần và đủ để làm giàu. Vòng luân chuyển tiền – hàng với tốc độ chóng mặt, tỷ suất lợi nhuận khó tin nổi. Cứ có tiền là có hàng và ngược lại, cứ có hàng là sinh lời, là đêm về vợ đếm chồng cười. Ai cũng thế, không có ngoại lệ. Người người đua nhau vơ tiền, y như bắt được. Cơ may không chỉ đến một lần mà hầu như ngày nào cũng vậy.
Được ngụp lặn trong “biển vàng”, nhiều mảnh đời Việt Nam trước đó lam lũ đến khi ấy phất lên như diều gặp gió. Đổi lại, cuộc sống của họ trở nên kém an toàn hơn, họ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ rình rập. Người dân Ba Lan vừa thoát khỏi nền kinh tế quan liêu bao cấp, cuộc sống của họ còn rất khốn khó. Trong khi đó người Việt Nam trên mảnh đất đó lại kiếm được rất nhiều tiền. Đúng là đục nước béo cò. Trong mắt người dân bản xứ thuộc tầng lớp dưới, cộng đồng người Việt Nam là bộ phận xã hội giàu có. Bọn bất lương người Ba Lan đánh hơi thấy những miếng mồi ngon, nhở nhơ trước mắt. Chúng tìm cách tấn công người Việt Nam đơn lẻ ở mọi nơi, khi có cơ hội. Những địa điểm nguy hiểm với người Việt thường là nơi vắng vẻ như lối vào chung cư, trong thang máy, đường hầm, nhà riêng, thậm chí cả trong toa tầu hoả…
Đất nước Ba Lan thanh bình, người dân Ba Lan thân thiện. Theo đánh giá của tổ chức an ninh Liên hiệp Châu Âu, Ba Lan là nước có tỉ lệ tội phạm thấp nhất EU. 96% dân số Ba Lan theo đạo Thiên Chúa nên người dân Ba Lan nói chung sống có đạo lý. Tuy nhiên không có gì tuyệt đối. Ba Lan vẫn có tệ nạn xã hội và khó tránh khỏi những mối đe doạ nguy hiểm.
Trong những năm sống ở Ba Lan, Nguyên chưa bao giờ bị đánh. Nhưng Nguyên lại có duyên nợ với hơi cay bình xịt. Có lẽ Nguyên mạng mộc hợp với thủy (thủy sinh mộc) nên cái mặt nó hay được người đời tưới tắm. Vào một ngày tháng 3 năm 1990, Nguyên ra ga Dworzec Centralny tiễn ông bạn tên V đang học trường tiếng tại thành phố Lodz . Hai thằng khệ nệ xách một chiếc túi du lịch, bên trong đầy căng các loại khăn, áo, váy thêu…Vừa đu người lên toa tàu, chưa kịp kéo túi vào hành lang, Nguyên và V bị ba thằng tây không tóc, không râu, to như ba con gấu quây lại. Một thằng cao cỡ gần hai mét nhấc bổng V lên, giộng mạnh mặt nó vào thành tàu, rồi thả tay. Thằng bạn khốn khổ của Nguyên đổ ụp xuống như một cây chuối phạt ngang, bất động. Hai thằng tây còn lại giật chiếc túi du lịch, định nhảy xuống sân ga. Lúc đó, Nguyên không kịp nhận biết nỗi sợ hãi. Nó lao đến, đấm túi bụi vào cái bụng căng tròn của một thằng đứng ngay trước mặt. Hai nắm đấm bé nhỏ chỉ quen cầm bút của Nguyên lút sâu vào tảng mỡ, gắn trên một cái bụng phệ, vòng chu vi có đến mét rưỡi. Gương mặt thằng béo chẳng hề biểu cảm sự đau đớn. Có lẽ lực đấm từ tay Nguyên không đáng để nó phải bận tâm. Đúng lúc đó, thằng V mặt bê bết máu, đã định thần sau cơn choáng. Vừa nhặt hai cái răng ra khỏi miệng, nó gào toáng lên: - Cướp, cướp! Ba thằng tây khủng như ba con King Kong sững lại trước tinh thần không nao núng của hai tên loi choi mắt xếch. Thằng béo giằng mạnh chiếc túi khi tàu vừa chuyển bánh. Nhưng hai tay Nguyên vẫn bám chặt quai túi, ghì lại. Nguyên thấy thằng thứ ba rút từ trong túi áo khoác một vật có hình thù giống như trái lựu đạn. Nguyên chưa kịp nhận ra đó là thứ gì thì bản mặt bạch diện thư sinh của nó đã lãnh trọn nửa bình xịt hơi cay. Nguyên ôm mặt gục xuống. Ba thằng cướp bước vội qua người nó, nhảy xuống sân ga cùng với túi hàng. Đúng lúc đó tàu tăng tốc. Dưới sân ga không một bóng người, ngoài ba cái thân hình lực lưỡng đang khùng khục cười, đắc thắng.
Trên toa tàu không một ai qua lại, có lẽ mọi người đã ngủ. Nguyên không chịu nổi mùi hơi cay xộc lên nồng nặc. Mặt Nguyên bỏng rát, hai mắt nó nhắm nghiền, mũi nghẹt đặc, từng cơn nấc dội lên từ lồng ngực. Nguyên gần như không thở được nữa, mồm nó ngáp ngáp như cá đớp bóng khí. Nguyên ngã dúi vào người V, lúc đó đang ngồi bệt trên sàn. Máu từ mặt V nhỏ xuống người Nguyên, thấm đỏ cả một vạt áo. Nguyên lịm dần. Sau nửa tiếng, cái mùi hăng hắc, ngai ngái rất khó chịu của hơi gaz dịu dần, nhịp thở của Nguyên sâu hơn. Nguyên bắt đầu tỉnh lại, nó mờ mờ nhìn thấy ánh sáng sau làn nước cay xè, nhoe nhoét. Sau này mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, Nguyên và thằng V vẫn không hiểu, lúc đó chúng nó lấy đâu ra sự can đảm, dám đương đầu với ba tên cướp hung tợn, cao to vật vã. Mấy bạn hàng người Ba Lan sau khi biết chuyện, trêu Nguyên: - Bây giờ bọn tao đã hiểu, tại sao chúng mày thắng Mỹ. Nguyên thấy ngứa tai khi phải đón nhận những lời “khen đểu” kiểu như thế.
Việt Nam từ bỏ nền kinh tế kế hoạch quan liêu, chuyển sang kinh tế thị trường trước khi Ba Lan chuyển đổi cơ chế. Yếu tố hàng hoá đầu vào Việt Nam và thị trường đầu ra Ba Lan như một bài toán được xắp đặt trước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam . Qua nhiều ngả đường, qua nhiều cách thức khác nhau, các loại hàng hoá có xuất xứ Việt Nam , Trung Quốc được chuyển sang Ba Lan với qui mô ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao.
Thời gian đầu, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam được mang theo như hành lý của hành khách bay máy bay. Hãng hàng không Aeroflot của Liên Xô khi đó chiếm thị phần lớn nhất về vận chuyển từ Việt Nam sang Liên Xô và Đông Âu. Hãng này không qui định khắt khe về khối lượng hành lý. Mỗi hành khách có thể mang bẩy, tám chục kg với cước phí rẻ như cho không. Vợ và con gái Nguyên sang Ba Lan đúng vào dịp này. Số hàng dệt may hai mẹ con mang theo, nặng tới hơn một tạ, được bán hết veo tại căn hộ của Nguyên trong vòng hai tiếng đồng hồ. Các khách hàng quen thuộc của Nguyên gầm gè, lao vào mua như tranh cướp. Vợ Nguyên trước đó đã biết về “thiên đường” Ba Lan qua những lá thư của chồng gửi về và qua các bà bạn, vợ nghiên cứu sinh. Nhưng thị vẫn cứ ngỡ ngàng, lại thầm tiếc rẻ nữa.
Nửa đầu năm 1990, vào những ngày có lịch bay của hãng hàng không Aeroflot nối chuyến từ Hà nội quá cảnh Moskva đến Warszawa, băng chuyền hành lý tại sân bay Okecie luôn quá tải. Hàng chục kiện hàng được đóng trong bao dứa giống hệt nhau, dồn ứ, chất thành từng đống lớn bên cạnh băng chuyền. Không bao lâu sau, nhân viên hải quan sân bay nghĩ ngay ra cách làm tiền. Họ đề ra qui định tư nhân không được phép nhận hàng hoá như hành lý mà phải qua thủ tục nhập khẩu vào công ty. Thời gian này hầu hết người Việt Nam chưa có tư cách pháp nhân để thành lập hãng. Một ý tưởng làm ăn lóe lên trong Nguyên. Nó hợp tác với công ty Vinam của Soái DC làm thủ tục nhận hàng cho những người Việt Nam bay sang theo đường hàng không.
Hàng đêm, khi màn đêm buông xuống, Nguyên ngồi taxi ra sân bay. Nó vạ vật, nhấm nháy, móc nối với nhân viên hải quan kéo từng kiện hàng. Bọn nhân viên hải quan chẳng thèm để mắt đến mấy thứ giấy tờ, cùng con dấu công ty. Lúc đó Nguyên mới hiểu, chúng chỉ thèm tiền. Càng dễ! nó nghĩ thế. Mỗi kiện hàng to vật vã, Nguyên lót tay cho nhân viên hải quan 100 USD thay vì nộp thuế. Bọn hải quan dù hám tiền song vẫn sợ sếp nên việc kéo hàng chỉ tiến hành vào ban đêm, lén lút như những tên trộm. Số lượng các kiện hàng lấy ra không theo kịp với tốc độ hàng ùn ùn đổ về theo mỗi chuyến bay. Đến khi những kiện hàng bọc bao dứa, kẻ sọc mầu mè, chất cao như núi, nhân viên hải quan đứng nhìn bất lực. Dù muốn họ cũng không dám ăn tiền trắng trợn, những núi hàng lồ lộ đã trở thành chuyện lớn. Lúc đó cơ quan hải quan Ba Lan mới vào cuộc, việc nhập hàng như hành lý theo người bị kiểm soát chặt chẽ. Từ khi đó, con đường tơ lụa đơn giản, hiệu quả qua đường sân bay bị chặn lại.
Đồng thời với việc khai thác đường hàng không, các du học sinh Việt Nam còn tận dụng đường bưu điện để chuyển hàng hoá. Theo qui định của phía Ba Lan mỗi bưu kiện nặng dưới 1 kg được coi như quà tặng, không phải chịu thuế. Tuy nhiên họ lại không hạn chế số lượng bưu kiện được nhận mỗi lần. Các du học sinh Việt Nam khai thác ngay sự sơ hở này để chuyển hàng hoá từ Việt Nam ồ ạt qua đường bưu điện trong suốt năm 1990. Những gói bưu kiện này được bưu điện hai nước hợp tác chuyển theo đường hàng không, từ khi gửi đến tay người nhận rất nhanh. Thời gian này đầu bên phía Việt Nam , mọi người thường nhìn thấy hình ảnh người nhà du học sinh nườm nượp ra vào Bưu điện Bờ Hồ - Hà Nội. Quầy chuyển bưu kiện bừa bãi, hối hả như một phân xưởng đóng gói, nghiệm thu. Cùng lúc, đầu bên phía Ba Lan, tại các chi nhánh bưu điện, những gói bưu kiện bọc giấy xi măng xuất xứ Việt Nam ngồn ngộn, chất đống. Trước các quầy nhận bưu kiện, nhiều người Ba Lan kiên nhẫn xếp hàng. Họ chứng kiến cảnh các chàng trai gốc Á bé nhỏ, kéo lê từng bao tải chứa đầy những gói bọc giấy xi măng ra taxi. Họ không thể biết bên trong những gói bưu kiện có cái gì và tại sao quà tặng lại nhiều đến vậy.
Chính các gói bọc giấy xi măng nhỏ nhắn đầy ma lực này khiến Nguyên một lần nữa lại “gặp duyên” với bình xịt hơi cay. Chung cư của Nguyên nằm tại trung tâm Warszawa. Về mặt lý thuyết đây là vùng an ninh khá tốt. Người Việt Nam thích thuê tại đây, họ ở khu này với mật độ rất cao. Những con mồi bé nhỏ, tóc đen, lắm tiền đã cuốn hút bọn lưu manh Ba Lan đến đây hành nghề. Bọn chúng lượn lờ quanh chân các toà nhà chung cư rình rập. Chiều tối một ngày cuối năm 1990, Nguyên chở chiếc bao tải chứa đầy bưu kiện mới nhận từ bưu điện về nhà. Trong lúc đi qua sảnh rộng đến thang máy, Nguyên chột dạ thấy một thằng tây lấm lét bám theo. Khi Nguyên bấm thang máy, thằng kia dừng lại cách nó chừng mươi mét, giả vờ lơ đãng nhìn quanh. Cửa thang máy vừa mở, Nguyên vội vã kéo chiếc bao tải vào trong. Nó luống cuống bấm nút tầng 5. Không kịp rồi! cửa thang máy chưa khép chặt, thằng vô lại đã sấn đến. Tên cướp giơ tay, xịt cả bình ga về phía mặt Nguyên. Do có linh cảm từ trước, Nguyên nghiêng đầu tránh được luồng hơi ga. Nó xô mạnh thằng kia, lách người lao ra bên ngoài. Nguyên vừa chạy vừa hô: - Cướp, cướp! Đến lượt thằng tây luýnh quýnh, nó chui ngược vào bên trong thang máy, mong tẩu thoát cùng với kiện hàng. Toà nhà Nguyên ở là chung cư lớn, có bảo vệ. Tuy nhiên chỗ bảo vệ ngồi lại khuất với thang máy, nơi đang diễn ra sự kiện kia. Thấy Nguyên lảo đảo chạy đến, nước mắt dàn dụa, bụi trắng một vai áo, viên bảo vệ lao ra hỏi: - Có chuyện gì vậy? Nguyên không nói được, nó chỉ tay về phía thang máy. Viên bảo vệ vừa dụi mắt, vừa hắt xì hơi, lao theo hướng Nguyên chỉ. Thang máy không còn ở đó, chắc nó đã đi lên, không biết dừng tại tầng nào. Nguyên cùng viên bảo vệ nhảy một bước vài ba bậc thang chân, leo lên xét kỹ từng tầng. Đến tầng năm, cả hai nhìn thấy tên cướp nằm vật trước cửa thang máy, hai bàn chân nó còn kẹt phía bên trong cùng với kiện hàng. Thì ra tên cướp bị say hơi ga, do chính nó đã xịt vào Nguyên trước đó. Những hạt bụi hơi cay li ti trắng đục vẫn còn mù mịt như sương trong thang máy. Mười lăm phút sau cảnh sát xuất hiện, thằng cướp vẫn nằm bất động. Viên cảnh sát vừa còng tay tên cướp vừa ngạc nhiên hỏi Nguyên: - Tại sao tên cướp say hơi ga, còn ngài thì không? Nguyên cười, đùa lại: - Thằng này tửu lượng kém, với tôi chừng đó chưa đủ đô. Hai gã cảnh sát nhìn Nguyên từ đầu đến chân, rồi lại nhìn nhau, thè lưỡi nhún vai.
Giống như số phận các bịch hàng chuyển theo đường hàng không, những gói hàng gửi qua đường bưu điện rồi cũng đến hồi hấp hối. Các gói bưu kiện đều chằn chặn, giống như những viên gạch, cứ ngày ngày, xếp chồng lên nhau, cao dần, đến lúc chạm trần. Hàng núi công việc bỗng dưng ở đâu xuất hiện, đổ ập xuống đầu các nhân viên bưu điện Ba Lan. Họ quá vất vả với cường độ lao động mới. Mỗi ngày vẫn từng ấy nhân viên, họ phải tiếp nhận, phân loại và phát chuyển hàng tấn bưu kiện cho các thượng đế khách hàng Việt Nam . Cả hệ thống bưu điện Ba Lan hỗn loạn vì không chịu nổi áp lực đến từ một đất nước xa lạ. Sự kiên nhẫn cũng có giới hạn. Tháng 12 năm 1990, hải quan Ba Lan một lần nữa lại vào cuộc. Họ đề ra qui định cá nhân không được phép nhận hàng miễn thuế dưới dạng bưu kiện. Hàng chục tấn hàng hoá đội lốt quà tặng dồn ứ trong hệ thống bưu điện Ba Lan. Mấy ông Việt Kiều vợ tây lại có việc làm. Họ có công ty để triển khai dịch vụ nhận hàng. Sau khi toàn bộ số bưu kiện đầy ắp mấy gian bưu điện trên phố Chmielna được giải toả, con đường tơ lụa thứ hai, nhập hàng may mặc từ Việt Nam vĩnh viễn đóng lại.
Trải qua khó khăn, sức sống Việt Nam càng có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh và trí tuệ. Sau mỗi lần vấp ngã, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan lại vươn mình ngạo nghễ đứng dậy, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. Cuối năm 1990, cả hai cách thức chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Ba Lan qua đường hàng không và đường bưu điện không thể thực hiện được nữa bởi rào cản pháp lý. Trước thử thách mới, các doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan không khoanh tay đầu hàng số phận. Một lần nữa họ lại thử nghiệm thành công và tìm ra con đường mới chuyển hàng từ Việt Nam sang Ba Lan trên cơ sở phát triển liên tục, bền vững với qui mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn.
Trần Quốc Quân
Hết phần 7
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét