Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

ĐỌC TIN NÀY ĐỂ HIỂU HƠN VỀ PHÓNG XẠ TẠI FUKUSHIMA, NHẬT BẢN

Thư của một nhà báo Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản
Cập nhật lúc: 18 Tháng Ba 2011 12:41:31 CH
Nhà báo Thu Hằng đang làm việc tại Tokyo (Nhật Bản) có thư gửi các nhà báo để kêu gọi thông tin chính xác hơn về thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân ở Nhật Bản. Bức thư cũng cung cấp những thông tin xác
thực hơn về hiện trạng mà nước Nhật đang phải đối mặt giải quyết. Chúng tôi xin giới thiệu tóm lược nội dung:

"Thư gửi các nhà báo
Các bạn nhà báo "nước trong" và nước ngoài thân mến,Tôi cũng định chẳng viết gì cho các bạn vì còn nhiều việc phải làm quá nhưng giờ thì nhịn không nổi vì quá nhiều thông tin nhiễu loạn. Đặc biệt, các bạn nhà báo Việt Nam đang dịch thông tin từ nhiều nguồn tin nước ngoài (mà không rõ xác thực đến đâu?) khiến nhiều người Việt Nam đang lo lắng phát điên vì phóng xạ tại Nhật Bản. Tôi là nhà báo làm việc tại Nhật Bản và chắc hẳn các bạn nhà báo hiểu được là làm nghề này trong những ngày này thì sẽ nhiều việc như thế nào. Ngoài cơn sốc vì trận động đất mạnh, sự bàng hoàng và đau lòng trước những con số thống kê thiệt hại về người, ngoài chuyện lo lắng cho con cái ở trường học, nhà trẻ, nhỡ lại xảy ra động đất một lần nữa thì như thế nào, ngoài công việc ngập đầu, thì giờ phải gánh thêm sự khủng bố tinh thần từ những cuộc gọi, tin nhắn của gia đình, bạn bè,hỏi thăm khi nào chạy trốn khỏi Tokyo. Nếu trong khủng hoảng, chúng ta, những người làm báo, cao chạy xa bay thì ai là người đưa thông tin tới công chúng? Tôi cũng chỉ là một người bình thường, có lo lắng cho sự an nguy của bản thân nhưng nghề nào chẳng có rủi ro nghề nghiệp, và đồng thời cũng có đạo đức nghề nghiệp. Bản thân chúng ta phải có trách nhiệm đưa tin xác thực để tránh hoảng loạn trong dân chúng. Các bạn có đồng ý với tôi là người dân sẽ cực kỳ lo lắng hoảng sợ khi bị nhiễu loạn thông tin nhiều
chiều, không biết nên tin ai không? Nếu chúng ta đưa ra được những thông tin dự báo từ nguồn đáng tin cậy về tình huống xấu nhất, thì tôi tin rằng, chúng ta đã giúp được một việc lớn là tránh được hoảng loạn.
    Các bạn đều đã biết, Nhật Bản vừa trải qua thảm họa liên hoàn, động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản, gây ra sóng thần, rồi sóng thần gây ra cháy trên diện rộng. Nhiều thị trấn ven biển vốn đẹp như mơ và
vô cùng thanh bình thì nay thành một bãi chiến trường đổ nát, hoang tàn. Với một đất nước đang lâm vào tình cảnh khó khăn như vậy mà giờ thêm hoảng loạn của người dân hay sự đào ngũ của những người đang làm
nhiệm vụ cứu nạn, cứu trợ thì đất nước này sẽ đi tới đâu?
   Nói dài nói dai cũng chỉ để cung cấp cho các bạn một số thông tin tôi có được từ một số nguồn ĐÁNG TIN CẬY. Có thể nhiều bạn dùng Facebook đã có được thông tin từ một cuộc họp qua điện thoại nhiều bên tại Đại sứ quán Anh ở Tokyo, với sự tham gia của cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Anh, Sir. John Beddington, và một số chuyên gia hạt nhân có tên tuổi của Anh. Xin trích dẫn một số nội dung chính như sau:
- Trong trường hợp rất xấu là total meltdown tức là nhiên liệu hạt nhân bị nóng chảy hoàn toàn tại một lò phản ứng và đi kèm sau đó là nổ chất phóng xạ ra ngoài thì cũng chỉ ảnh hưởng maximum là 30 dặm (50km). Còn trong trường hợp xấu nhất là total meltdown ở hai lò phản ứng trở lên, thì cũng rất ít khả năng ảnh hưởng sẽ lớn hơn đáng kể, so với trường hợp vừa nói trên.
- Hiện tại các chuyên gia cũng chưa thấy có khả năng ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người ở Tokyo. Mức phóng xạ cần phải gấp vài trăm lần như hiện nay mới có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Và xin lưu ý, ngay cả mức này cũng là mức ảnh hưởng tới sức khỏe của phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi phóng xạ, chứ còn đối với những người bình thường khỏe mạnh thì không có ảnh hưởng gì
đáng kể.
- Liên quan tới mức phóng xạ thì thông tin mà các nhà chức trách Nhật Bản cung cấp luôn được một số tổ chức độc lập giám sát nên có thể coilà xác thực.
- Tình hình hiện nay cũng rất khác với thảm họa Chernobyl trước đây,khi lò phản ứng bị meltdown hoàn toàn và vỏ bọc bị nổ, rồi cháy trong nhiều tuần không kiểm soát nổi. Ngay cả với trường hợp như Chernobyl thì phạm vi sơ tán cũng chỉ cần đến 30 dặm là đủ để đảm bảo sức khỏe con người. Vấn đề tại Chernobyl ghê gớm là ở chỗ nhiều người dân trong khu vực bị bệnh là do ăn thực phẩm, lương thực, sữa và nước bị nhiễm
xạ trong nhiều năm sau đó,...
Nếu những thông tin từ cuộc họp trên vẫn khiến các bạn lo lắng, thì xin cung cấp thêm một chi tiết so sánh nữa. Nhân đây xin nhắc lại đểcác bạn nhà báo nhớ một điều mà chắc các bạn đã được học trong nghiệp
vụ làm báo, đó là khi đề cập đến con số thì phải có so sánh, một con số đứng một mình thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Người dân thường và ngaycả nhà báo chúng ta chắc cũng chỉ hiểu lờ mờ về millisievert hay microsievert, vì vài ngày nay mới hay được nhắc tới. Các bạn dịch tin từ nguồn nước ngoài thì cũng hay nói chung chung là mức phóng xạ tạiTokyo tăng cao hàng chục lần so với mức bình thường, nhưng các bạn
không nói là mức bình thường là 0,00xxx gì đó nên có gấp vài chục lần mức này cũng chả là gì ghê gớm. (Note một tí là Tokyo nằm cách nhà máykhoảng 240km)
   Sau vụ nổ ở lò phản ứng hạt nhân số 2 và cháy tại lò số 4 hôm 15/3,mức phóng xạ tại cổng nhà máy Fukushima tăng mạnh, và tất nhiên là ở đó thì ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các bạn đều biết phạm vi sơ tán hiện nay là 20km quanh nhà máy và người ở trong bán kính 20-30km thì được khuyên nên ở trong nhà.Mức phóng xạ tăng cao trong ngày 15/3 như báo chí thế giới đưa tin thực ra như sau: Mức phóng xạ ở thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima, cáchnhà máy điện hạt nhân 40km là 23,72 microsieverts/giờ. Đây là địa
phương gần nhà máy có mức phóng xạ cao nhất trong các vùng lân cận. Và để so sánh cho dễ hiểu thì mức này mới chỉ gần bằng 1/290 lượng phóng xạ mà con người hấp thụ vào người sau một lần chụp cắt lớp CT tim phổi (6.900 microsieverts).
Tôi hy vọng vài thông tin này giúp các bạn hiểu thêm về thảm họa hạt nhân hiện nay, mặc dù rất cấp bách, nguy cơ rất cao, nhưng đang được Chính phủ Nhật Bản làm hết sức mình để giảm thiểu ảnh hưởng, với sự
trợ giúp của các chuyên gia hạt nhân Mỹ và IAEA. Mong rằng các bạn sẽ có cách đưa tin chính xác và đúng mực, như vậy là các bạn đã giúp cho nước Nhật trong thời điểm hiện nay rồi..."./.
Theo TT&VH
Nguyễn Trọng Bằng

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn thông tin bằng cung cấp qua bài viết của nhà báo Thu Hằng.

    Trả lờiXóa