Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

EM ƠI BA LAN phần 8

                                             Nền 'Kinh tế chợ' Việt Nam trong lòng Ba Lan
Năm 1991 đánh dấu sự bùng nổ của thị trường hàng châu Á tại Ba Lan. Thời gian này các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hàng hóa từ nhiều nguồn. Trước hết và chủ yếu là nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Korea, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…sau nữa là mua lại của các doanh nghiệp khác tại Ba Lan và cuối cùng là nguồn hàng ký gửi.

Ngay sau khi hai con đường chuyển hàng vào Ba Lan qua đường hàng không (theo người) và qua đường bưu điện bị đóng lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã sớm tìm ra con đường mới, vận chuyển cargo bằng đường hàng không. Chiến dịch này được tiến hành trong suốt cả năm 1991. Ban đầu cargo hàng chậm được chuyển từ Hà Nội quá cảnh qua Praha đến Warszawa. Thời điểm đó không một hãng Hàng không nào cạnh tranh được với hãng Hàng không Tiệp về giá cước vận tải cargo. Bốn tháng sau, hãng Aeroflot của Nga mới giành lại được thị phần và duy trì thế độc quyền trong suốt 8 tháng còn lại của năm 1991.
Thời gian này, thị trường Ba Lan luôn ở trong tình trạng khát hàng. Lượng hàng chuyển sang tuy dồn dập vẫn không theo kịp tốc độ tiêu thụ. Lúc đó dịch vụ trọn gói từ khâu xuất hàng, vận chuyển, nhập hàng, đến giải quyết hải quan là công việc mới mẻ, đem lại thu nhập cao. Hợp tác với một công ty Việt Kiều có trụ sở tại thành phố Bydgoszcz, Nguyên triển khai công việc này từ A đến Z cho các khách hàng nhỏ lẻ không có điều kiện tự làm. Suốt một thời gian dài, hàng từ Việt Nam chuyển sang đến đâu, bán hết ngay đến đó với lợi nhuận cao. Mỗi lô hàng vài chục kiện của nhiều chủ, nên rất khó khai báo chính xác số lượng. Gom đủ số liệu có khi mất hàng tuần. Chịu sức ép từ các chủ hàng và muốn vòng quay nhanh, Nguyên đã phải trả giá cho một lần bất cẩn vì thiếu kiên nhẫn
Ngày 24/01/1991, Nguyên cùng cô bạn Barbara, chủ một công ty tư nhân Ba Lan đến kho ngoại quan nằm trên phố Ordolna làm thủ tục nhận lô hàng gồm 70 kiện của nhiều chủ hàng. Không có số liệu đầy đủ từ phía Việt nam về lượng hàng trong mỗi kiện, Nguyên đã tự ý ghi tờ vận đơn. Thật xui xẻo, hôm đó nhân viên hải quan nhất mực đòi kiểm tra ngẫu nhiên để đối chứng với tờ khai. Đếm ba kiện, sai cả ba. Cô bạn người Ba Lan tái mặt, vã mồ hôi. Trong lúc bị lập biên bản vi phạm, do không giữ nổi bình tĩnh, cô ấy đã giật phắt tờ vận đơn vật chứng cho vào mồm nhai rồi nuốt chửng. Quá đỗi bất ngờ, nhân viên hải quan chỉ biết tròn mắt nhìn người đồng hương thưởng thức „bữa sáng” trong vòng chưa đầy một phút. Cô bạn tây thường ngày vốn nhỏ nhẹ lịch sự , vậy mà trước hiểm nguy bỗng chốc hóa anh hùng.
Toàn bộ số hàng bị hải quan niêm phong chờ giải quyết. Để xoá dấu vết sai phạm và kịp lấy hàng đang cơn nóng sốt, Nguyên quyết định đánh một canh bạc. Do non nớt, Nguyên chưa ý thức được tính nghiêm trọng của tội danh huỷ hoại tài liệu, cản trở người thi hành công vụ. Ngay sáng hôm sau, Nguyên tiếp cận nhân viên hải quan, người đã kiểm hàng, lập biên bản hôm trước. Hắn nói với Nguyên: - Muốn nhận được lô hàng, phải bù đủ số tiền thuế còn thiếu do khai thiếu số lượng. Nguyên hồ hởi, đút ngay hai nghìn zloty vào chiếc phong bì, kẹp chung với tập vận đơn.. Viên hải quan đột nhiên thay đổi thái độ, mặt nó rạng ngời, ra dấu làm hiệu cho Nguyên xếp hàng lên xe.
Khi chiếc xe tải chở 70 kiện hàng chuẩn bị chuyển bánh, bỗng nhiên một chiếc xe cảnh sát nhấp nháy đèn, hú còi lao từ cổng vào, chặn trước đầu xe tải. Ngay lập tức, hai viên cảnh sát bật cửa lao ra. Nguyên chưa kịp định thần, một viên cảnh sát đã rút súng chĩa thẳng vào Nguyên, viên cảnh sát còn lại dúi người Nguyên áp sát thành xe tải. Rất nhanh, hai chân Nguyên bị đá xoạc rộng ngang vai, hai tay giơ cao hơn đầu. Viên cảnh sát nắn vuốt kỹ lưỡng người Nguyên từ trên xuống dưới. Khi biết chắc Nguyên không mang theo vũ khí, họ tuyên bố Nguyên bị tạm giữ để điều tra về vụ tình nghi vi phạm pháp luật. Hai tay tra trong chiếc còng số tám, Nguyên bị đẩy lên xe cảnh sát. Còi lại hú, đèn lại nhấp nháy. Hai mươi phút sau, Nguyên đã yên vị trong trại giam của cảnh sát thành phố Warszawa. Tại đây, Nguyên đề nghị cho biết lý do bắt giam và yêu cầu ngay lập tức phải thông báo sự vụ cho gia đình và sứ quán. Cảnh sát Ba Lan rất kiên nhẫn và lịch sự, họ làm theo các yêu cầu của Nguyên. Do chưa có phiên dịch tuyên thệ và đại diện sứ quán, việc lập hồ sơ cáo trạng phải chờ đến hôm sau.
Lần đầu tiên trong đời, Nguyên biết thế nào là nhà tù. Phòng giam chật chội, vẻn vẹn tám mét vuông. Hai bên sát tường có hai bệ xi măng được gọi là giường. Phía trên cao, gần sát trần, có một cái lỗ hình tròn, đường kính 30cm, được chia ra bởi hai cái cọc sắt phi 20. Đây là lối duy nhất nối ra thế giới bên ngoài. Kiễng chân không tới, Nguyên chỉ nhìn thấy qua đó vào ban ngày một khoảng trời vằng vặc như trăng đêm rằm. Ngày ba bữa, mỗi bữa ba lát bánh mì đen, phết bơ mỏng đến độ, nếu ai không biết, lại nghĩ bơ không màu, không mùi, không vị. Đói ăn tuốt, Nguyên nhâm nhi nhai đến mẩu vụn bánh cuối cùng. Khát uống cạn, Nguyên liếm láp từng giọt nước hòa bột gạo rang cháy.
Chín giờ sáng hôm sau, đại diện sứ quán cùng người phiên dich có mặt. Lần đầu tiên Nguyên được làm quen với một người Ba Lan rất đặc biệt. Anh có tên Việt Nam là Lê Bình. Làm nghề phiên dịch tiếng Việt nhưng Lê Bình chưa một lần đặt chân đến Việt Nam. Anh tốt nghiệp khóa tiếng Việt tại Học viện Quan hệ Quốc tế Mockva (Nga). Anh là  người bạn thân thiết, gắn bó với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Sau nửa ngày làm việc, mọi thủ tục khai báo hồ sơ kết thúc, Nguyên lại trở về phòng giam với bánh mì, nước gạo rang, giường xi măng và một khoảng trời nho nhỏ. „Một ngày tù nghìn thu ở ngoài” quả thật không sai. Không giải trí, không thông tin, không hình ảnh, không tiếng động, chỉ có tiếng cửa sắt rít và tiếng giày cảnh sát gõ ngoài hành lang. Không gian khép kín trong bốn bức tường thật kinh khủng, sống ở đó chẳng khác gì bị chôn trong nhà mồ.
Ngay sau khi Nguyên bị bắt, ba tờ báo Warszawa giật tít lớn „Trùm mafia Việt Nam tại Ba Lan bị còng tay”. Hoá ra báo lá cải ở đâu cũng như nhau. Với sự hào phóng của báo chí, đảng viên cộng sản Nguyên bỗng dưng được phong tặng danh hiệu…Bố Già. Sau đúng bốn mươi tám tiếng tạm giam, Nguyên được trả tự do để đối mặt với cuộc chiến pháp lý kéo dài tới mười hai năm.
Trong thời kỳ quá độ lên...kinh tế thị trường đầu thập kỷ 90, hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam nhập về từ Việt Nam, Trung Quốc...hầu hết được bán sỉ cho người Việt Nam bán lẻ. Nghĩa là mạng lưới bán buôn của người Việt Nam khi đó chủ yếu dành cho trao đổi trong nội bộ cộng đồng. Thuở ban đầu, công đoạn bán buôn diễn ra ngay tại các căn hộ, nhà ở, hay kho lẻ của người nhập hàng. Thời gian sau, khi số lượng và chủng loại hàng hóa tăng lên, địa điểm giao hàng phân tán không còn đáp ứng được nữa, một số Việt Kiều có công ty đã lập ra các khu kho bán buôn. Họ thuê lại nhà máy cũ, kho chứa hàng, rồi ngăn thành các quầy nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam thuê lại. Các quầy này vừa là nơi chứa hàng, vừa là địa điểm giao hàng, thu tiền.
Kho bán buôn đầu tiên nằm trên phố Dobra do hai Việt Kiều T.C. và C.K. lập ra. Diện tích mặt bằng rộng, được chia thành 12 quầy, mỗi quầy rộng hàng chục mét. Ở đây tập trung tên tuổi các soái lớn đánh hàng Việt Nam và Trung Quốc. Kho Dobra tuy không nhiều chủ hàng thuê, nhưng ở đó vẫn có đủ quán ăn và câu lạc bộ phục vụ cho vừa chủ, vừa khách đến mua hàng. Kho thứ hai nằm trên phố Grzybowska do anh Tr. Gdansk mở. Đây là một tòa nhà 4 tầng vốn là trụ sở một công ty Ba Lan. Anh Tr. Gdansk thuê lại mặt bằng tầng một và tầng hầm. Sau đó anh dùng lưới thép B40 ngăn lại thành 30 quầy, mỗi quầy rộng chừng 15m2. Kho này có địa điểm thuận lợi, tọa lạc ngay trung tâm Warszawa, trong khu dân cư có nhiều gia đình Việt Nam sinh sống. Kho cuối cùng được thành lâp theo mô hình này nằm trên phố Trojdena cắt phố Zwirki i Wigury do Việt Kiều T.C. và N.Đ.H mở. Khu kho này thực ra chỉ là những dãy container đặt trên một bãi đất trống. Các chủ kinh doanh đã dự tính trước thời gian tồn tại ngắn của mô hình này nên họ triệt để tiết kiệm chi phí đầu tư, đề phòng rủi ro. Do sinh sau đẻ muộn, kho Trojdena đã đóng cửa chỉ sau gần một năm hoạt động.
Sân Vận Động Mười Năm Warszawa, chợ trời lớn nhất Châu Âu ra đời và phát triển những năm đầu thập kỷ 90 đã góp phần khai tử mô hình kho bán buôn do người Việt Nam tổ chức. Từ đây „mọi con đường buôn bán đều dẫn đến...Sân Vận Động”. Thời kỳ đỉnh điểm, Chợ SVĐ có trên 15 nghìn kios bán hàng (cả tây và ta), giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động. Gọi là chợ trời nhưng thực ra đây là khu chợ đầu mối giao dịch bán buôn và bán lẻ hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới và sản xuất tại Ba Lan. Đúng với nghĩa đen, Chợ trời SVĐ là „trên trời, dưới hàng”. Cần mẫn lượn cả ngày chắc vẫn chưa thể đi hết  mọi ngóc ngách của chợ.
Chợ SVĐ bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 1990, khởi đầu với hai dãy kios tại khu vực Chợ Chó.  Một thời gian sau, các kios bán hàng mọc lên như nấm sau cơn mưa và nhanh chóng loang ra các khu Đường Ngang, Sân Tròn Trên, Sân Tròn dưới, Đường Tàu, Parking, PKS, Đuôi Máy Bay, Nhà Tôn, Nhà Gỗ, Tam Giác, Tứ Giác, Nhà Trắng, Đường Tàu Mùa Xuân, Đường Dốc...Toàn các địa điểm do người Việt Nam tự đặt tên, gọi mãi thành quen. Mỗi khu vực do một công ty, một „lãnh chúa” cai quản. Nhưng bao trùm nhất, bài bản nhất vẫn là công ty Damis. Thời kỳ cực thịnh, giá chuyển nhượng quyền sử dụng một kios vài mét vuông ở địa điểm đẹp có thể lên tới năm, bẩy chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn đô la.
Khách mua hàng tại đây đến từ nhiều quốc gia phía Đông như Nga, Lítva, Belarusia, Ukrajna, Moldavia, thậm chí từ những vùng xa hơn như Azerbaijan, Armenia, Czesnia...hay từ các nước phía Nam như Rumani, Bungari, Nam Tư...và không thể thiếu khách đến từ các địa phương trên lãnh thổ Ba Lan. Thời gian  đầu, người đóng hàng tại Chợ Sân Vận Động chủ yếu là khách tây. Thường họ mua mỗi lần một hay vài xe mini bus, nhiều thì cả container, thậm chí vài container. Về sau người Việt Nam đổ buôn, bán lẻ từ các tỉnh xa ở Ba Lan thay vì vào các khu kho của người Việt Nam, họ lên thẳng SVĐ. Những năm 1995 – 2000 khách Việt Nam từ Czech, Slovakia, Đức...sang đóng từng xe tir hàng hóa. Người mua hàng đi lại nườm nượp, nhiều khi tắc nghẽn phải nhích từng bước một. Đó là thời kì hoàng kim của „nền kinh tế chợ Việt Nam trong lòng Ba Lan” 
Vì là chợ bán buôn nên Chợ SVĐ mở cửa hoạt động từ rất sớm. Hai giờ sáng khách mua hàng đã chen chân bấm đèn pin, rọi hàng, hỏi giá. Chợ hầu như mở cửa quanh năm, không có ngày nghỉ, trừ những ngày lễ tôn giáo thiêng liêng. Lịch đỏ áp dụng ngày nghỉ cho cả Ba Lan, trừ Chợ SVĐ. Người Việt Nam làm việc tảo tần suốt tháng. Nếu được quản lý chợ cho phép, họ có thể bán hàng cả ngày, cả đêm, không ngừng nghỉ. Con dân nước Việt ở đâu cũng vậy, ý chí làm giầu vượt qua cả giới hạn sinh học. Nhiều người luôn trong tâm trạng thấp thỏm, bất an. Họ bị ám ảnh bởi hội chứng „sợ thằng hàng xóm tranh mất khách hàng”.
Có câu chuyện về hai cô người Việt ngồi bên nhau, bán cùng mặt hàng. Mới đầu họ thân nhau như chị em ruột, con chấy cắn đôi, hạt gạo bẻ nửa. Vậy mà chỉ nửa năm sau, hai bên thường xuyên bị đặt trong tình trạng chiến tranh lạnh, sẵn sàng ấn nút hủy diệt nhau. Chuyện gầm ghè tranh khách của nhau xảy ra như cơm bữa. Bên này báo giá cho khách, vừa lúi húi quay đi, bên kia đã giật áo, giơ máy tính trước mặt khách, bấm giá thấp hơn. Một lần có cô buồn tiểu, dù phải nhảy tưng tưng vẫn không dám rời quầy vì sợ cô kia tranh khách. Sau rồi chịu không nổi, cô bèn lấy chai bia chồng uống cạn, tưới vào đấy. Vừa lúc cô quay lưng, có ông già chuyên đi nhặt chai đổi bia, ngật ngưỡng đi ngang. Cô hàng xóm vẫy ông lại, chỉ vào cái chai dựng ở chân ghế. Ông già rạng rỡ nhặt lên. Thấy bên trong có lưng chai nước màu vàng nhạt, ông già tưởng bia còn sót lại định ngửa cổ tu. Cô này động lòng trắc ẩn, hoảng hồn xua tay ngăn lại. Cô chỉ tay vào cái „ấy” của mình, rồi lại chỉ vào quầy cô kia, ý chừng mách cô kia chính là chủ nhân của thứ bia tạo hóa đó. Ông già hiểu ý, văng ngay ra một câu chửi thề „kurwa”. Vẫn  chưa hả cơn tức, ông già cầm đít chai, dốc ngược cả chỗ „nước thơm” lên xấp hàng mới tinh của thủ phạm. Chuyện này Nguyên chỉ nghe kể lại, chưa được kiểm chứng nên không biết thực hư, đúng sai thế nào.                                   
Chợ SVĐ là nơi kiếm cơm của đủ các hạng người. Vì thế rất nhiều tệ nạn xã hội xảy ra ở đây. Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, bạc bịp, đâm chém...diễn ra thường ngày như một sự tất yếu của cuộc đấu tranh sinh tồn. Không chỉ có những kẻ du thủ du thực mà cả lực lượng bảo vệ, cả cảnh sát thoái hóa tham gia tích cực vào quá trình tận thu, phân phối lại thu nhập. Bọn chúng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của dân lao động lương thiện cả tây và ta trên chợ. Một lần đang ngồi ăn, Nguyên được nghe chủ quán kể lại: - Sáu giờ sáng nay, tại đường hầm vào khu PKS, hai thằng bất lương vật một phụ nữ Nga ra đất, mặc cho bà ta giãy dụa cầu cứu, một thằng ngang nhiên thò tay vào bên trong quần giật ra một chiếc túi đầy tiền, chúng cười hô hố, chạy mất dạng trước ánh mắt nhìn theo, bất lực của nhiều người. Tội nghiệp! bà người Nga chỉ biết giậm chân khóc than. Toàn bộ số tiền mua hàng bà đem theo tận nước Nga xa xôi đã bị cướp sạch.
Doanh số trao đổi hàng hóa của Chợ SVĐ, theo báo cáo của cơ quan Thống kê thành phố Warszawa lên tới gần năm tỷ USD mỗi năm. Người ta không công bố chính xác tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong số đó được tái xuất ra nước ngoài và bao nhiêu ở lại với thị trường bán lẻ Ba Lan. Nhưng theo ước tính của báo chí, vào những năm 1995-2000 có không dưới một nửa doanh số hàng hóa đã  tỏa ra thị trường bán lẻ nội địa Ba Lan. Một con số không hề nhỏ. Năm 2008 Ba Lan và Ukrajna chính thức được UEFA chọn đồng đăng cai tổ chức giải Vô địch Bóng đá Châu Âu năm 2012. Vậy mà kế hoạch đóng cửa chợ trời để xây dựng lại Sân Vận Động Quốc Gia đã gây ra cuộc tranh cãi không dứt ở cấp thành phố và cấp nhà nước. Mãi đến ngày 31/06/2010 nghĩa là hai năm sau, việc đóng cửa Chợ SVĐ  mới hoàn tất. Thế mới thấy, Chợ SVĐ có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội của Ba Lan và sự tồn tại của bộ phận lớn cộng đồng người Việt Nam.
Năm 1991 đánh dấu bước phát triển cả về số lượng và chất lượng của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Trong năm này, Ba Lan bắt đầu ban hành các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Họ cho phép công dân các nước đầu tư tối thiểu năm mươi nghìn USD có thể mở công ty Joint Venture. Tháng bảy năm 1991, Nguyên cùng một người bạn thành lập công ty theo luật Đầu tư Nước ngoài. Có thể nói vào thời điểm đó, sau công ty Tofima của soái T., công ty Joint Venture của Nguyên là công ty thứ hai của người Việt Nam (không phải là Việt Kiều) có tư cách pháp nhân.
Sau khi vướng vòng lao lý, Nguyên thường xuyên phải đối mặt với hệ thống pháp luật đồ sộ của Ba Lan. Chán nản vì những cuộc gặp không mong đợi diễn ra hàng tuần với cảnh sát, luật sư, công tố viện, tòa án...Nguyên quyết định giảm qui mô kinh doanh nhằm „bảo toàn lực lượng”. Qua một người bạn có mối liên hệ với đường dây chuyên gia Việt Nam tại Châu Phi, Nguyên đặt mua xe máy từ Nhật để chuyển về Việt Nam. Hai tháng sau, Nguyên bay về nhận cả một container 60 chiếc Honda toàn loại DD, DE. Thật khó diễn tả được tâm trạng „mà niềm vui như đến bất ngờ” của Nguyên lúc đó. Từ một kẻ trước đó không lâu còn là công chức quèn ở một Bộ, hàng ngày hai vợ chồng vẫn lóc cóc đèo nhau đi làm trên một chiếc xe đạp ghẻ, thế mà bây giờ Nguyên đã sở hữu một gia sản bề nổi ngần ấy cái xe máy model đỉnh nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Cả nhà nội, nhà ngoại ngỡ ngàng, không ai nghĩ được rằng, chỉ sau ba năm du học tại Ba Lan đời Nguyên lại lên hương đến vậy.
Đang loay hoay chưa biết phải xử lý như thế nào với 60 chiếc xe máy, Nguyên nhận được tin báo từ vợ cho biết áo gió hiện đang là mặt hàng hot tại Ba Lan. Nguyên quyết định chuyển toàn bộ xe máy thành áo gió để đánh sang Ba Lan. Thay vì đặt hàng „made in Cổ Nhuế, Trâu Quì” của các tổ hợp tư nhân, Nguyên đặt làm toàn bộ áo gió tại Xí nghiệp Mũ Đội Cấn. Với số lượng hàng hóa nặng tới vài chục tấn, nếu chuyển cargo hàng không chi phí vận tải sẽ rất cao. Được người anh họ làm việc tại công ty Vận tải Ngoại thương Viettrans gợi ý, Nguyên thử nghiệm mô hình vận chuyển container đường biển, theo hành trình Hà Nội – Hải Phòng – Singapore – Gdynia – Warszawa. Do lượng tàu biển từ Singapore đến cảng Gdynia (Ba Lan) rất ít so với lượng tàu cập cảng Hamburg (Đức) dày đặc nên hành trình trực tiếp đến Gdynia lâu hơn khoảng mười ngày nếu container quá cảnh tại Hamburg, rồi được kéo theo đường bộ về Warszawa. Mãi sau này việc vận chuyển container mới được thiết lập với hành trình tối ưu cả về thời gian và chi phí: Việt Nam – Singapore – Hamburg – Warszawa.
Thời gian đó, do Việt Nam mới chuyển sang kinh tế thị trường và bước đầu hội nhập quốc tế, nên các chính sách về xuất nhập khẩu và hải quan còn vướng mắc nhiều thủ tục nhiêu khê. Lúc đó theo quy định, tư nhân và nhà máy không được phép xuất khẩu trực triếp. Để chuyển được toàn bộ số hàng hóa tương đương ba container, Nguyên phải trả chi phí dịch vụ ủy thác xuất khẩu cho một công ty ngoại thương nhà nước. Dù phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, ách tắc, cuối cùng ba container hàng dệt may của Nguyên đã lên tàu đúng thời hạn, để hơn một tháng sau cập cảng Gdynia (Ba Lan).  Theo hành trình vận tải, điểm cuối nhận container là Warszawa. Nhưng hải quan Gdynia lại không muốn thế, họ yêu cầu container phải được thông quan tại cảng trước khi chuyển tiếp lên Warszawa. Biết là vô lý, nhưng Nguyên vẫn phải cắn răng chịu đựng thêm  nỗi khó chịu nhân danh nền kinh tế mới thoát thai...quan liêu bao cấp. Nguyên tự tay lái xe vượt hơn 400 km, chỉ để giải quyết mỗi việc hết sức đơn giản: dúi vào tay thằng hải quan chết tiệt mấy trăm đô để nó không bắt dỡ, đếm cả container hàng. Tình trạng cửa quyền vẫn y chang như ở các nước quá độ...dân chủ.
Trong khi đi tìm đầu mối ủy thác xuất khẩu, tình cờ Nguyên được biết có một Việt Kiều Ba Lan, biệt danh H.Hen đang liên doanh với một công ty tư nhân trong nước để xuất khẩu nhiều container áo gió sang Ba Lan.
Tám container của H.Hen cộng với ba cái của Nguyên, vị chi là mười một cái. Nghe tin đó, Nguyên cũng thấy choáng. Mười mấy container chứ có phải mười mấy kiện đâu. Từng ấy áo gió đổ cùng một lúc vào thị trường mới mở Ba Lan. Không thể đùa được, nhưng lúc đó dẫu có muốn phanh cũng không kịp nữa rồi. Thôi đành „nhắm mắt đưa chân”, trôi theo số phận. Nguyên làm phép tính „so với cargo hàng không, vận chuyển container rẻ hơn nhiều, nếu có chết, những thằng đánh cargo chết trước”. Thế mà chết thật, chết thảm thương trong vụ áo gió đầu tiên ấy. Cái sự đổ vỡ trong kinh doanh nó chẳng chừa một ai, kể cả Nguyên. Do ấu trĩ, thiếu kinh nghiệm, tất cả các doanh nghiệp áo gió tại Ba Lan cùng kéo chân nhau xuống vực trong cơn lốc hạ giá thê thảm để tháo hàng. Trước tiên cái chết tìm đến với những lô áo gió đã „lỡ” đánh theo đường cargo. Sau đó mới đến lượt các container áo gió chuyển bằng đường biển. Trong hai doanh nghiệp tiên phong tìm ra „châu Mỹ” là Nguyên và H.Hen, chả biết thằng nào hi sinh trước thằng nào. Không ai kiểm chứng được điều đó, bởi vì đối với doanh nhân đất Việt „được khoe, thua dấu” đã trở thành bí quyết làm ăn.
Nguyên đau với nỗi đau của người chiến binh vừa ra quân trận đầu đã bị trúng đạn, tử thương. Ngần ấy cái xe máy với bao nhiêu là công sức đã bị thổi bay chỉ trong chốc lát. Nguyên đắng lòng, bất lực y như phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng cả một container xe máy đang sủi tăm bọt, chìm dần xuống đáy biển sâu. Coi đây là vấp váp đầu đời trong sự nghiệp kinh doanh, Nguyên không cho phép mình được gục ngã nếu muốn tồn tại trên thương trường nghiệt ngã. Quyết chí làm lại, nó tìm mọi cách thu gom từng đồng vốn rơi rớt, chờ dịp. Đúng ngày Noel năm 1991, như một giải pháp cứu cánh, toàn bộ số hàng còn lại được Nguyên chuyển theo đường bộ sang thị trường „Liên Xô vĩ đại”. Sau hơn hai năm xa vắng, từ đây Nguyên lại trở lại với chiến trường xưa, nơi đầy ắp những kỷ niệm thân quen, gắn bó với nó một thời.
                                                                                                           Trần Quốc Quân
                                                      Hết  phần 8

2 nhận xét:

  1. Bác mõ xem lại bảo mật của blog sao bài gửi đều mất file đính kèm? Có lẽ phải gửi cả 2 địa chỉ.
    Chúc mõ blog sớm sử lý vụ này.T.T.B

    Trả lờiXóa
  2. Anh cũng không biết tại sao nhưng một số bạn vẫn gửi được, korolbo hoặc Trần Tiến chẳng hạn, có lẽ do máy hoặc mạng thì phải, Bình đừng gửi dạng file đính kèm mà copy cả bài rồi gửi thử xem có được ko, nếu ko được thì đành phải gửi vào hòm thư của anh vậy. Chúc vui nhé.

    Trả lờiXóa