Trần Tiến
Không biết các bác có xem phim Chủ tịch Tỉnh phát trên VTV1 không? Qua gần hết các tập phim thấy đây là bộ phim đã công khai đả phá các vấn nạn cán bộ có quyền, chức hiện nay. Tất nhiên, với mức độ cho phép có thể, bộ phim chỉ đừng lại ở việc phơi bày những mánh từ dưới Phó Chủ tịch Tỉnh mà thôi, còn "vùng cấm" không dám. Qua bộ phim có nhiều cái thực hư của bộ mặt "tầng lớp" quan chức, theo tôi phim ít nhiều cũng đã phản ánh được một phần thực tế hiện nay. Xin cùng các bác nhận xét một vài điểm.
Nhân vật Bí thư, Chủ tịch Tỉnh là hai nhân vật quá lý tưởng và là hình mẫu của XHCN? Tất nhiên, bộ phim không nói làm thế nào hai nhân vật này trở thành Bí thư và Phó Chủ tịch (trước khi làm Chủ tịch). Để từ một cán bộ bình thường thành Bí thư, Phó Chủ tịch một tỉnh phải trải qua một đoạn đường dài, các ông này tiến thân bằng cách nào?
Thôi không bàn về "vùng cấm" này, hãy xem các nhân vật khác mà bộ phim đưa ra.
Nhân vât Phó chủ tịch Viện rất hay, tác giả đã phát huy sự cho phép để xây dựng một nhân vật quan chức điển hình cho các quan chức thời kinh tế thị trường. Ông ta sử dụng quyền hạn của mình để làm tất cả những gì có lợi theo tinh thần "có chức thì có quyền, có quyền thì có tiền, có tiền thì phải tiêu tiền cho ra tiêu tiền". Ông này còn có hậu phương cũng rất "vững chắc", các bà vợ quan chức giỏi hơn các bà xã chúng ta ở chỗ đó. Không biết trên 64 tỉnh thành với mấy trăm Phó chủ tịch có bao nhiêu ông như ông Viện?
Chánh văn phòng Ủy ban Tỉnh và vợ do Đức Khuê và Thanh Hằng đóng rất đạt. Một cặp vợ chồng cơ hội, vụ lợi, mưu lược, nhiều mánh khóe, điển hình trong kinh doanh chính trị, biết tận dụng quyền hạn của mình để làm ăn. Nhất là việc tranh thủ thời cơ để chạy chức khi có cơ hội, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích, may mà trong phim không để hai nhân vật này chạy chức thành công. Phải chăng đây chỉ là một phần cán bộ "thoái hóa, biến chất"? Muốn trở thành chủ tịch cũng phải từ dưới đi lên và cũng phải qua con đường này.
Duyên con Bí thư Tỉnh có phải thay mặt cho lớp trẻ năng động, không cần học hành vẫn trở thành nhà kinh doanh? Thế mới biết các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh đơn thuần theo giấy phép kinh doanh mà còn kinh doanh cả con người nữa, đây không phải là vấn đề mới, các doanh nghiệp muốn làm ăn đều phải lợi dụng con cháu các bác hoặc do con cháu các bác làm chủ cả! Cuộc sống đời tư của cô gái này quá hiện đại, có phần tôi nghiệp cho vợ chồng Bí thư Tỉnh nhưng cũng phản ánh được sự ăn chơi của con các quan chức.
Tuấn con Chủ tịch, cũng như bố, là nhân vật lý tưởng của một xã hội lý tưởng. Bộ phim xây dựng lên để cho đẹp, để mà mơ ước. Nhiều lúc thấy tức vì không thực tế, thôi thì xem để hy vọng vậy.
Nhân vật Hằng đại diện cho các doanh nghiệp thời kinh tế thị trường, họ bằng mọi thủ đoạn để đạt mục đích làm ăn của mình, một sự đầu cơ rất bài bản trong kinh doanh nhất là trong lĩnh vực đất dự án tràn lan như hiện nay. Chủ trương dùng quĩ đất để tăng ngân sách nhà nước, theo tôi là sai lầm của nhà nước, một nước nghèo như Việt Nam mà giá đất đắt nhất thế giới không thể chấp nhận được, thế mà người ta vẫn dự án này, dự án kia. Nay dự án sân golf, mai chuyển thành khu công nghiệp, khu dân cư để bán nền nhà sinh lời. Trong phim có câu nói của bà Hằng về dự án sân golf thuê 50 năm, trong 50 năm thay bao đời Bí thư, Chủ tịch thì chuyển đổi dự án, thay đổi mục đích sử dụng đất lúc nào chẳng được, rất đúng với thực trạng qui hoạch tràn lan như hiện nay.
Cảnh vợ, con "Tổng giám đốc" Nguyễn Mạnh Hùng không còn ruộng sinh nhai phải dắt díu nhau lên thành phố làm thuê, bố chết không có tiền làm đưa về quê, thật đau lòng cho những ai đưa ra những chủ trương giảm tỷ trọng nông nghiệp bằng cách lấy đất nông nghiệp làm sân golf, khu du lịch, khu thương mại … như hiện nay.
Bộ phim Chủ tịch Tỉnh và những bộ phim trên VTV1 như hiện nay cũng đáng để lại trong lòng người xem những suy nghĩ, mong rằng Chủ tịch Tỉnh Trí Tuệ sẽ là hình ảnh Chủ tịch của 64 tỉnh thành Việt Nam!!!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét