Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng có rộ lên tin và ảnh về vụ giết người cướp của man rợ tại Bắc Giang. Hiện đã bắt được hung thủ và đang chuẩn bị xét xử. Dư luận căm phẫn và muốn xử hung thủ với mức án cao nhất. Song đâu mới là căn nguyên của vấn đề. Nhiều bài viết rất hay về vấn đề này, mời các bạn cùng đọc và ngẫm nghĩ về một trong những bài viết đó.
Hãy nhìn thẳng vào cuộc sống
Nguyên nhân để tội ác man rợ càng lúc càng trở thành “chuyện thường ngày” hơn thì có nhiều và đã có lắm chuyên gia phân tích: Do cha mẹ không quan tâm tới con cái; nhà trường chỉ nặng phần dạy chữ mà nhẹ phần dạy người; không quản lý internet để các em sống với thế giới ảo; tác động của phim ảnh bạo lực từ phương Tây... Tuy nhiên, tìm “địa chỉ cụ thể” thì chẳng khác nào mò kim đáy biển, rồi… đâu lại vào đấy, hầu như ngày nào cũng xảy ra chuyện con giết cha, vợ giết chồng, bạn bè hành hung nhau ngay tại lớp, tại trường và có lúc cũng sẵn sàng sử dụng “hàng nóng” không thua gì giới giang hồ cộm cán giải quyết ân oán tình thù.
Cứ nhìn lại cuộc sống đang bày ra trước mắt hẳn sẽ có câu trả lời hoặc chí ít cũng là một phần lý giải. Tại sao giờ tan trường của các cấp, kể cả đại học, phụ huynh phải sắp xếp thời gian đưa đón con em khiến cho giao thông thường ách tắc? Thương con ư? Phụ huynh bây giờ có mấy người ngày trước được người nhà đưa đón kỹ như thế? Ngày đó và trước đó, cha mẹ thương con không bằng lớp phụ huynh bây giờ ư? Tại sao bờ tường của các cơ quan, trường học phải cơi cao hàng rào thép? Tại sao tinh thần “giữa đường dễ thấy bất bình chẳng tha” đã trở thành truyền thống của dân tộc, nay ngày một phai nhạt?... Nhân đâu để có quả ấy?
Khi đã thiếu văn hóa…
Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Lao Động ngày 5-6, ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo) Trung ương, có nói: “Toàn bộ cách chúng ta làm ăn, toàn bộ cách chúng ta xử sự, làm kinh tế, quản lý, luật pháp... chúng ta đang rất thiếu hụt về văn hóa. Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều về văn hóa do chiến tranh nhưng cũng do chính chúng ta làm mất.
Khi đã thiếu văn hóa, con người ta rất dễ làm điều xằng bậy. Tôi thấy bây giờ trong ứng xử với nhau, cái gì mà con người ta có thể bày tỏ thái độ là họ bày tỏ rất thô bạo. Đó là sự thiệt hại lớn, không lường được đối với sự phát triển đất nước. Cái sai trong con người, cái sai về văn hóa là cái khó điều chỉnh nhất bởi biết đằng nào mà sửa, mà thay đổi”. Nghiệm lại, quả đúng như thế thật.
Thời gian qua, đã có không ít người cho rằng đạo đức dân tộc bị suy đồi là do… mở cửa, do kinh tế thị trường. Đọc những vụ án được phản ánh trên báo, mới đầu, có lẽ nhiều người cũng nghĩ như thế, nhưng theo ông Nguyễn Khoa Điềm thì không phải thế: “Cái gì làm ra tiền thì đổ xô vào, cái gì không làm ra tiền thì bỏ, ngó lơ... là đang phổ biến.
Khi bước vào thời kinh tế thị trường, chúng ta có một cái quên rất cơ bản, đó là kinh tế thị trường này chỉ phát triển khi các yếu tố khác cũng được phát triển thì mới có thể phát triển tốt và lành mạnh. Nếu chỉ thuần túy là thị trường, tức làm ra tiền thì nó phát triển không những không bền vững mà còn đầy thảm họa. Hãy nhớ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, kèm theo đó là các hệ tư tưởng quan trọng về dân chủ, nhân đạo, về quyền con người, về bảo vệ di sản truyền thống... để làm cho con người vững vàng hơn trước các giá trị đồng tiền. Còn hiện ta như đang thả hết, chỉ coi kinh tế là quan trọng. Chúng ta như một người lâu nay đói khát, bỗng dưng thấy một đống tiền trước mặt là tất cả cùng nhào vồ lấy cho thật nhiều mà quên mất các giá trị làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người”.
Ý kiến ấy cũng đang để cho chúng ta suy nghĩ nhưng trước mắt, vì tương lai của con em chúng ta, của mỗi gia đình, của dân tộc, mỗi con người cần phải sống cho ra con người, phải chính danh như Khổng Tử đã chỉ ra cách đây hàng ngàn năm. Được vậy thì trong tương lai gần, tội ác man rợ sẽ giảm. "
Dân gian thường nói văn hóa của chúng ta là văn hóa “cờ, đèn, kèn, trống”, văn hóa thành tích, chứ chưa phải thứ văn hóa giúp cho con người trở thành NGƯỜI hơn. Chính vì thứ văn hóa thành tích ấy mà trung tuần tháng 3-2010, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch yêu cầu: “Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có văn bản chấn chỉnh việc làm này; không thực hiện việc treo biển “Gia đình văn hóa”. Những đơn vị đã làm có văn bản báo cáo về bộ trước ngày 30-3-2010”.
Trả lờiXóaĐến lúc này, chúng ta rất mừng “Gia đình văn hóa” ngày càng nhiều nhưng cũng rất buồn khi thấy tội ác ngày càng man rợ. Một nghịch lý chưa có lời giải rõ ràng.