Một bài rất đáng đọc và suy ngẫm về ứng xử của "những người lính có học" trong thời chiến và thời bình! Thế sự xoay vần, cuộc đời chao đảo nhưng giá trị văn hóa ấy vẫn còn vẹn nguyên trong suốt cuộc đời của người lính – sinh viên thuở nào. Cảm ơn tác giả đã ghi lại những cảm xúc chân thực, sâu sắc,nhân văn và rất thuyết phục đến nỗi "những người lính có học" như chúng ta phải giật mình xem lại chính mình! Xin phép tác giả - anh Luân K5 và anh Dũng Chít cho em được chuyển bài sang blog K10.(Nguyễn Trọng Bằng)
Tôi học hết năm thứ ba thì nhập ngũ. Ngày rời ngôi truờng thânyêu tôi không hi vọng trở về, bởi lúc ấy chiến trường đang vô cùng ác
liệt. Cùng đi với chúng tôi còn có 5 thầy giáo nữa. Thầy ít tuổi cũng
đã 25, thầy nhiều tuổi đã 32. Bốn tháng huấn luyện, thầy trò trường ta
gắn bó yêu thương nhau, chia sẻ buồn vui, no đói. Giữa chúng tôi với
các thầy không còn gianh giới chữ nghĩa. Tình đồng đội anh em choán
chật không có chỗ cho thầy trò chen vào. Chỉ có lúc nào vui chén chè
điếu thuốc ngoài quán thì lại gọi nhau thầy thầy trò trò. Nhiều năm
sau tôi cứ tự hỏi cung cách đối xử trên dưới thầy trò ngày ấy lại tự
nhiên như thế. Tôi lại tự trả lời, bản năng con người nó như vậy. Ra
khỏi đơn vị doanh trại con người trở lại nguyên đúng là mình, là người
học trò. Rồi chúng tôi đi chiến trường còn các thầy ở lại về các binh
chủng kĩ thuật. Chia tay nhau thầy trò nắm tay nhau mà khóc . Thầy đeo
ba lô đi về phía sau, trò gò lưng vác súng đi về phía súng nổ. Nhưng
chúng tôi đều là người lính chiến.
Tròn ba năm tôi là người lính chiến đấu trực tiếp. Hơn ba
mươi SV cơ điện ở các đơn vị khác nhau, chúng tôi không được ưu tiên
về các đơn vị trợ chiến hay những bộ phận phục vụ chiến đấu. Có lẽ chỉ
ở đơn vị tôi mới thế. Họ rất đề cao người có học vào các đơn vị chiến
đấu gay go ác liệt. Họ bảo có chữ đánh cũng khác hơn.
Những mùa mưa, tác chiến ít thì những SV hay được đưa về
phía sau tập văn nghệ, viết lách, hội diễn. Mùa khô lại về đơn vị
chiến đấu. Mỗi kì chiến dịch gặp bạn cùng trường cùng khoa cứ như gặp
người nhà. Có cái gì dấu diếm lâu ngày moi ra cho nhau, rồi cười vang
rừng nói về cô này cô nọ, lớp này lớp kia gửi thư vào rồi chia tay
nhau lại khóc như trẻ con.
Đã bao người bạn trường mình nằm lại chiến trường. Đã bao người trong
chúng tôi từng hẹn rằng bao giờ về ra T Ba nhất có điếu thuốc dài như
cây nứa tép vắt ngược lên cây mít quán Thuỷ mù nằm võng hút cả chiều.
Họ mãi không về, còn tôi về. Nhiều bạn cũ từ các chiến trường khác,
các khoá khác cũng về. Vẫn đói, vẫn bộn bề bài vở, đồ án nhiều đến mức
treo ngược bóng đèn mà vẽ mà viết. Những lúc ấy, mấy ai nghĩ rằng mình
về được là do nhiều bạn mình không về. Rồi ra trường, rồi thăng tiến,
những lúc ấy mấy ai nghĩ những người lính nằm lại không bao giờ thăng
tiến để cho người trở về thăng tiến. Họ mãi mãi là binh nhì binh nhất,
không nấm mồ, không bia mộ đâu đó trên Trường Sơn.
Ngày từ Nam Bộ ra đến Đà Nẵng, gặp các bạn Cơ điện ở đoàn 1040. Ôm
nhau vừa khóc vừa cười bên bờ sông Hàn. Chúng tôi tưởng như đang ở
trường mình rủ nhau: sang mấy thằng K4 ở bên sân bay đi. Ra Hoà Khánh
gặp bọn K6 đi. Chúng tôi hầu như quên trên người mình vẫn đang xanh áo
lính.
Về học lại 2 năm ở trường. Các bạn phổ thông trân trọng
chúng tôi không phải chúng học giỏi, ga lăng, ... các bạn yêu quí vì
chất lính hào hoa trong mỗi người lính có học từ chiến trường trở về.
Lớp nào nhiều bộ đội là phong trào dễ lên. Mà lên thật. Trong mắt các
bạn, chúng tôi vừa thân tình vừa là người anh vui tính, thương em.
Ngày ấy không có câu CCB. Chúng tôi cũng không sinh hoạt hội hè gì.
Chỉ có một khái niệm duy nhất với bạn bè cùng lớp cùng trường là "Các
anh Bộ đội". Chúng tôi cố học vì cái tên Bộ đội. Chúng tôi không buông
thả dễ dãi cũng vì cái tên "Các anh Bộ đội". Thuốc lá tiêu chuẩn cả
lớp hút đặc cả phòng mỗi kì các anh bộ đội được căng tin bán thuốc.
Chúng tôi là trung tâm đoàn kết cho cả tổ cả lớp những ngày từ chiến
trường mới trở về.
Giữa năm 78, trường tôi lại lớp lớp lên đường ra biên cương phía bắc.
Lớp tôi cũng có nhiều bạn ra đi. Lúc ấy các bạn vừa nhận đề đồ án tốt
nghiệp. Chia tay họ tôi như nhìn thấy mình 6,7 năm trước. Chúng tôi
buồn, chúng tôi đang nghĩ về cái sự chết mà chúng tôi đã đi qua. Những
người ra đi cũng hẳn có nhiều lấn cấn hơn thời chúng tôi. Nhưng tôi
không thấy các bạn bỏ ngũ, sau này số các bạn khoá sau ra đi làm người
lính ấy rất trưởng thành. Bởi đó là những người bộ đội có học. Thời chúng ta, người ra đi hay người ở lại và cả mẹ cha ta cũng
sống và làm việc như người lính. Mọi danh hiệu chỉ là tên gọi, còn
tình yêu con người, yêu Tổ Quốc thì như nhau. Có thể nói lứa SV những
năm 70, 80 là sinh viên lính. Đến bây giờ tôi vẫn tin là thế, bởi hễ
gặp nhau biết là Cơ Điện những ngày xưa là yêu quí nhau được ngay.
Sắp đến ngày 27/7. Nao nao nhớ các bạn mình không về, thấy
mình nhiều lỗi với các bạn, vô tình với các bà mẹ, các bạn già nua ở
đâu đó chưa một lần đến thăm. Thấy mình mắc nợ với đồng đội nhiều lắm.
Chẳng làm được gì cho các bạn đã hi sinh. Chẳng thể trả nợ cho liệt
sĩ. Chỉ muốn nhìn các bạn đang sống để mà thương nhau hơn, yêu và
trân trọng mái trường mình đã học nên người hơn, yêu những kỉ niệm nhỏ
nhặt một thời SV, yêu vô cùng bốn năm làm người lính.
(Nguyễn Trọng Luân K5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét