Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Em ơi Ba Lan phần 2 của TTB

Em ơi Ba Lan...(2): Một cuộc chuyển đổi


Ảnh minh hoạ: internet

Nguyên như một nhân chứng được sống trong thời khắc diễn ra các biến cố làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô.

Nguyên không gọi sự kiện thay đổi chế độ chính trị những năm 1989-1991 là cuộc cách mạng mà Nguyên coi đây như là một cuộc chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang chế độ tự do dân chủ đa nguyên, từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Hơn 20 năm đã trôi qua nhân dân tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũ đã lựa chọn cho mình cuộc sống mới bằng chính lá phiều dân chủ của họ. Quyền lực phải thuộc về nhân dân. Ý chí và nguyện vọng của nhân dân mới thực sự là sức mạnh vô địch.
Phần 2: Một cuộc chuyển đổi
Trong lúc nhân dân Ba Lan và bạn bè phải vật lộn trong nỗi cơ cực khốn khó thì Nguyên lại được tận hưởng bữa ăn hàng ngày trong sự sung túc mà trước đấy một năm nó không bao giờ dám nghĩ đến. Ngay từ tháng đầu tiên Nguyên cho luôn mấy thằng em sinh viên tất cả số tem phiếu thịt, cá và nhu yếu phẩm của nó. Nguyên lấy đâu ra thời gian để vừa học, vừa đánh quả lại kiên nhẫn xếp hàng đua với các cụ về hưu. Nguyên chỉ mua các loại thực phẩm ngon nhất ở chợ nông trường giữa trung tâm thành phố Lodz. Bữa trưa đương nhiên Nguyên phải ăn ở kí túc xá trường dạy tiếng. Nhưng trong bữa tối Nguyên tự thưởng cho mình bất kì món gì mà nó muốn cùng với những chai bia. Mục kích sở thị món súp tứ đời chỉ có khoai tây nấu lẫn bắp cải mà bọn sinh viên Bắc Triều Tiên che che đậy đậy nấu trong bếp, Nguyên thấy mình còn may được sống kiếp người. Không muốn tranh nhau xem cái tivi tập thể dưới phòng văn hoá Nguyên mua lại chiếc tivi Neptun nguyên hộp với giá 50 USD từ ông bạn trên Warszawa. Kết thúc năm học tiếng, một thằng nghiên cứu sinh Bắc Triều Tiên phải năn nỉ mãi Nguyên mới bán lại cho nó chính chiếc tivi ấy với giá 70 USD. Lúc đầu Nguyên không hiểu tại sao mấy ông nghiên cứu sinh trường WAT (quân đội) lại có nhiều tivi Neptun đen trắng đến thế. Hồi đó mua được tivi là cả vấn đề vì hiếm khi thấy bày bán trong các cửa hàng mậu dịch. Mãi sau Nguyên mới biết họ mua tivi không phải vì mục đích kiếm lời, vì lãi không bao nhiêu, mà họ bỏ công móc tivi tận nơi phân phối gốc chỉ với mục đích lấy cái thùng carton để đóng thuốc gửi tầu thuỷ chuyển về Việt Nam.
Trước khi rời Trung tâm học tiếng, Nguyên vẫn kịp tham gia chiến dịch chuyển tem cốc về Việt Nam. Mặt hàng này ở trong nước lúc đó bị liệt vào dạng văn hoá phẩm đồi truỵ. Những chiếc tem folie in hình cô gái có thể tự dán lên cốc uống bia. Khi rót bia lạnh, hơi nước tụ trên mặt tem làm tuột hết quần áo, lộ ra cơ thể con gái nõn nà. Cả một đường dây hoàn chỉnh được thiết lập. Mỗi vali đóng đầy tem cốc nặng tới trên 50kg. Ở cửa đi sân bay Okecie hễ thấy ai kéo lết vali trên sàn đích thị trong đó chứa tem cốc. Mấy thằng đại diện hàng không làm tiền chuyện quá cân, mỗi vali chúng thu 150 USD. Một lần vợ Nguyên gọi điện thoại sang hỏi „tại sao mấy chục cái tem bị tróc hình, mà toàn tróc chỗ…ấy". Lúc đó Nguyên mới nhớ ra có lần mấy ông nghiên cứu sinh lân la sang phòng nó ngỏ ý muốn được xem thứ hàng lạ lẫm ấy. Nguyên xoa nước lên tem trình diễn. Vừa khi Nguyên chạy xuống phòng thường trực nghe điện thoại, mấy ông bạn mỗi ông một bộ sáu chiếc, tranh thủ…liếm để thưởng ngoạn. Nước không sao chứ nước bọt có dịch tiêu hoá làm nhạt hồ in. Hệ quả của vụ mấy ông bạn lén lút „tự sướng” làm Nguyên thiệt hại đến vài „vé”.
Chia tay thành phố Lodz Nguyên lên Warszawa ngay từ khi kết thúc khóa học, trong khi bạn bè của nó vẫn ở lại đến hết hè. Chưa vào năm học mới nên trường đại học Tổng hợp Warszawa không thể làm thủ tục cho nó vào kí túc xá. Nguyên chẳng bận tâm về điều đó bởi nó đang sở hữu số tiền có thể mua được cả căn hộ ở trung tâm Warszawa. Nhưng chẳng dại gì làm cái việc điên rồ đó, để tiền còn làm ăn chứ. Nguyên nghĩ thế nên nó mò vào Akademik trên phố Zamenhofa cũng của trường đại học Tổng hợp thuê lại một phòng. Trường này tranh thủ sinh viên về nhà kì nghỉ hè, cho thuê lại phòng để kiếm thêm thu nhập.
Nguyên được bố trí một phòng trên tầng hai của tòa nhà năm tầng. Nó rất ngạc nhiên khi thấy cả tầng toàn người Việt Nam già có, trẻ có, lại cả trẻ con nữa. Y như một ốp lao động bên Nga. Hỏi kĩ Nguyên mới biết đó là gia đình các chuyên gia Việt Nam làm việc tại Châu Phi. Ba Lan khi đó tính ra đô cái gì cũng rẻ, kể cả vé máy bay về Việt Nam. Dân mình vốn nhạy bén nên thông tin cho nhau về miền đất hứa vừa dễ kiếm tiền vừa giá sinh hoạt rẻ. Thế là đám chuyên gia cứ vào dịp hè rủ nhau ùa sang Ba Lan quá cảnh và tranh thủ đánh quả. Lợi cả đôi bề. Nguyên lại gặp may khi vô tình rơi vào hũ ấy. Nó lân la làm quen với từng người, rồi cung cấp các dịch vụ cần thiết cho họ. Nguyên vừa biết tiếng vừa nhiều mối quan hệ nên đương nhiên các ổ dịch vụ khác bị gạt ra rìa. Mấy ông nghiên cứu sinh chuyên „làm thịt” chuyên gia tức vằn mắt lên nhưng đếch làm gì được. Nguyên vừa xuất thân Phố Nhà Binh lại từng trải qua ba năm nghĩa vụ, nó không đánh ai nhưng cóc sợ thằng nào.
Số Nguyên thế nào mà ngay từ lúc trở thành đàn ông năm 14 tuổi, nó thường bị bọn con gái cùng lứa xoa đầu vặt mũi vặt tai coi như trẻ con, nhưng không hiểu sao nó lại hay được các chị già thích...Nguyên như lọt vào xóm „không chồng”. Mấy bố chuyên gia chắc đuội, thế nên các bà vợ nhìn Nguyên với ánh mắt lúng liếng như muốn...nuốt tươi nó. Trong số đó có một chị tên Hoa hơn Nguyên chừng bảy, tám tuổi. Chồng Hoa không già nhưng bị cái bụng phệ. Mỗi lần thấy Nguyên đi đâu về là Hoa chạy sang phòng nó mon men hỏi đủ chuyện linh tinh. Có lần Nguyên vừa vào phòng Hoa bám ngay sau lưng, theo vào chốt cửa phòng lại. Nguyên lúng túng, Hoa nói cần 50 vỉ ampicilin. Nguyên bảo tối sẽ qua tận phòng đưa nhưng Hoa không chịu về ngay, cứ nấn ná mãi. Vừa ngồi tầu mấy trăm cây số trở về Vác nên Nguyên mệt mỏi. Không giữ ý tới sự có mặt của Hoa, nó ngã vật ra giường ngủ vùi. Trong cơn mê hình như Nguyên thấy Hoa dắt tay nó bồng bềnh bay đến chốn thần tiên.
Tối Nguyên sang phòng đưa thuốc cho Hoa. Không thấy anh bụng phệ đâu, nó chỉ thấy Hoa đắp tấm chăn mỏng nằm trên giường. Nguyên để thuốc lên bàn định quay gót thì nghe tiếng Hoa gọi „lại đây, đưa mình xem nào”. Nguyên tiến lại đầu giường bất thần Hoa hất tấm chăn mỏng, kéo mạnh tay nó. Trên tấm thân căng tràn sức sống của gái một con không có lấy một mảnh vải dù chỉ bằng bàn tay. Người Nguyên như lên con sốt, vật vã trong cơn thèm khát... Xa vợ hơn một năm, Nguyên thật khó lòng cưỡng lại được sức lôi cuốn trần trụi đầy bản năng của cái cơ thể rừng rực hoang dại kia. Nguyên đã định tặc lưỡi nhảy ùm xuống dòng sông hoan lạc để bơi, bơi mãi đến bến bờ vô định. Đúng lúc đó có mấy tiếng gõ nhè nhẹ lên cửa phòng. Nguyên luống cuống lao nhanh ra phía cửa. Nhưng Hoa vẫn lõa thể lồ lộ đứng giang hai tay ngay trước mặt nó ngăn lại. Nguyên há mồm kinh ngạc bởi thái độ điềm tĩnh đến lạ lùng của Hoa. Trên gương mặt Hoa không hề biểu lộ chút nào sự sợ hãi. Lúc đó Hoa với tay lấy chiếc kimono, khoác lên người rồi nói với ra cửa „chờ chút”. Nguyên hình dung một khuôn mặt đằng đằng sát khí cắm trên thân hình đồ sộ, ầm ầm lao vào phòng như một cỗ xe tăng. Nó thủ thế đề phòng một trận chiến ác liệt. Nhưng chẳng hề có chuyện gì xảy ra như nó vừa nghĩ. Anh bụng phệ ló đầu vào phòng đã nhoẻn ngay nụ cười thân thiện với nó, lại gật gật ra chiều hiếu khách. „Anh chồng này chắc chưa bao giờ làm được cái điều khiến vợ sợ hãi” nó nghĩ thế. Nguyên nhớ đến câu nói của người đời „phàm thằng chồng nào không làm chủ được ban đêm cũng không làm chủ nổi ban ngày”.
Một ngày nọ, khi Nguyên đang lom khom mở khóa phòng, nó nhìn thấy một thanh niên người Việt Nam khoác vai một cô gái Ba Lan khá xinh xắn đi vào phòng bên cạnh.Trong lúc mải miết dán chặt ánh mắt thèm thuồng lên đôi vòng ba tròn vo đang nẩy tanh tách của cô gái, Nguyên nghe thằng kia liến thoắng tiếng Ba Lan. Chắc hắn là sinh viên. Hơn năm trời chay tịnh, Nguyên cũng khát khao lắm chứ, người chứ có phải gỗ đá đâu. Đêm ấy Nguyên cố tình mở toang cửa sổ để đón nhận những âm thanh đầy khêu gợi từ phòng bên cạnh vọng sang. Chẳng phải chờ lâu, chỉ độ nửa tiếng sau tiếng huỳnh huỵch dội trên sàn, rồi tiếng giường lắc, tiếng rên, tiếng thở gấp gáp... Người Nguyên rạo rực lên xuống theo cường độ âm thanh từ phía ấy. Nguyên nhận biết khoảng nghỉ giữa mỗi hiệp đấu qua sự tĩnh lặng. Chỉ có tiếng bật nút chai, tiếng chạm li, tiếng thì thầm, xen lẫn tiếng cười rinh rích. Sau lần thượng đài thứ hai của mặt trận bên kia, Nguyên bắt đầu cảm thấy chán, mặt mũi nó phờ phạc, hai mắt đỏ ngầu. Nguyên muốn đi ngủ nhưng nào có ngủ được. Trong cơn tức giận Nguyên chồm dậy lao về phía bức tường, hai tay đấm thình thịch. Thinh không chỉ lắng dịu ít phút rồi lại sôi lên sùng sục. Nguyên chạy ra cửa sổ gào lên „tiên sư mấy con ngựa hoang, vừa phi vừa hí thế kia, bố mày ngủ làm sao được…”. Như trêu tức Nguyên, những âm thanh nó vừa ném ra lại dội ngay trở lại nơi nó đứng như chiếc boomerang. Nguyên chong mắt nằm đếm. Gần sáng miệng nó lẩm bẩm „Mẹ kiếp! cái thằng ngực mỏng như gián ấy lấy đâu ra sinh lực mà làm được tới bốn chiếc lận”.
Mấy hôm sau Nguyên xách chiếc vali chuyển đến căn hộ trên phố Bagno mà nó vừa thuê được. Không thể gần trung tâm hơn được nữa bởi chỗ này đúng là trung tâm của Warszawa. Chính từ căn nhà này Nguyên bắt đầu bước chân vào vận hội làm ăn mới với qui mô ngày càng lớn. Lúc này Ba Lan như bị hút xuống đến tận cùng đáy vực của vòng xoáy khủng hoảng. Xã hội chia rẽ, đình công xảy ra khắp mọi nơi, tỉ lệ thất nghiệp cao, lạm phát phi mã với tốc đô chóng mặt, cửa hàng trống trơn...Mặc dù có nhiều tiền nhưng trong hoàn cảnh bi đát đó Nguyên cũng cảm thấy hoang mang. Nó không thể biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu và trôi về đâu? Suốt nửa năm trời Nguyên không tìm đâu ra một hạt gạo, một cọng mì. Nó phải tập thích nghi bằng cách làm quen với những món ăn đơn giản nhất làm từ bánh mì và khoai tây. Đến rau cũng trở nên khan hiếm, miệng nó loét vì nhiệt.
Thực trạng Ba Lan như đang đẩy hai khối nhiên liệu uranium đến tới hạn của một vụ nổ hạt nhân. Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, của các trào lưu xã hội, chính quyền Cộng hoà Nhân dân Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất buộc phải chấp nhận "Hội nghị bàn tròn" với Công Đoàn Đoàn Kết và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào quốc hội và thượng viện. Ngày 17 tháng 4 năm 1989 tòa án thành phố Warszawa phải cấp lại đăng ký pháp lý cho Công Đoàn Đoàn Kết và chấp nhận cho tổ chức này hoạt động công khai và hợp pháp sau gần bẩy  năm bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 04 tháng 6 năm 1989 trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, Công Đoàn Đoàn Kết giành thắng lợi lớn. Công Đoàn Đoàn Kết cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nông Dân Thống Nhất và Đảng Dân chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp. Tháng 12 năm 1990 Lech Wałęsa lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết trở thành tổng thống. Chính quyền mới tiến hành chuyển đổi nền kinh tế  từ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường tự do. Ba Lan bắt đầu ra khỏi khủng hoảng, vượt qua những khó khăn về kinh tế và dần dần trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao. Nguyên vô tình được làm nhân chứng sống chứng kiến sự hồi sinh và phát triển đến chóng mặt của xã hội Ba Lan. Từ chỗ các cửa hàng trống trơn không có gì để mua, chỉ sau nửa năm hàng hoá đủ loại tràn ngập mọi nơi. Người dân hân hoan đón chào cuộc sống mới.
Sự kiện lực lượng tự do dân chủ Ba Lan lên nắm chính quyền một cách hoà bình làm rung chuyển toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Cuộc chuyển đổi chế độ chính trị như một con sóng lớn lan nhanh qua từng nước, từ Ba Lan sang Tiệp Khắc, đến Hungari, qua Đông Đức tới Bungari, Albani. Nhưng khó khăn nhất, đẫm màu nhất là cuộc nổi dậy của nhân dân Rumani chống độc tài Ceausescu. 5000 người bị tàn sát tại thành phố Timisoara và ngay sau đó là cuộc hành quyết không qua xét xử hai vợ chồng nhà độc tài. Quãng thời gian này Nguyên như được sống trong khí thế hào hùng của chiến dịch Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Ngày xưa Nguyên sục sôi dõi theo các mũi tiến công của đoàn quân cách mạng giải phóng từng tỉnh, từng thành  phố cho đến khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thì lạ thay đến lúc này Nguyên lại háo hức đón chào biến cố thay đổi dân chủ diễn ra lần lượt qua từng nước, từng nước Đông Âu.
         Mới chỉ hơn một năm trước Nguyên còn là một đảng viên thấm đẫm tinh thần quốc tế vô sản, cuồng nhiệt cổ vũ cho sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Nhưng từ khi được chứng kiến thực trạng chính trị, kinh tế, xã hội Ba Lan cũng như một số nước Đông Âu khác, thế giới quan trong con người Nguyên gần như thay đổi hoàn toàn. Nguyên không còn cực đoan khi nhìn nhận thế giới vận động và phát triển trên nền tảng tư tưởng như trước nữa.
Đây thực sự là một bước chuyển biến sâu sắc trong Nguyên về nhận thức, về quan điểm, về tư tưởng. Nguyên sinh ra trong một gia đình „cách mạng kiểu mẫu” có bố hoạt động „Việt minh bí mật” từ thời tiền khởi nghĩa. Cả nhà Nguyên không tính dâu rể có tới chín đảng viên (trong đó có Nguyên) đủ để thành lập một chi bộ mạnh. Ngay từ bé, lí tưởng cộng sản từ những người thân trong gia đình thấm dần vào Nguyên. Cậu bé Nguyên từng rơi nước mắt khi nghe tin Tổng thống Agiende ở Chi Lê hi sinh trong cuộc đảo chính do Pinoche cầm đầu. Chàng trai Nguyên từng coi Phiden Castro, Cheguevara, Nguyễn Văn Trỗi… như những thần tượng của đời mình. Thanh niên Nguyên từng say sưa đọc những tác phẩm gối đầu giường như Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy, Bất Khuất…Sinh viên Nguyên từng vùi đầu nghiên cứu Tư Bản Luận của Các Mác, Tuyển Tập Lê Nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học…Nguyên từng tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản, từng tin tưởng vào thế giới đại đồng mà ở đó „Của cải nhiều như không khí/ Cảnh vật như thần tiên/ Con người như thánh hiền”. Vậy mà những điều Nguyên tận mắt được chứng kiến lại không đúng như thế.
Năm 1991 Nguyên lần đầu đặt chân lên đất nước Liên Xô vĩ đại thành trì của chủ nghĩa xã hội, nó nhìn thấy „thành quả” của công cuộc hoàn thành xây dựng „chủ nghĩa xã hội phát triển” đang tiến lên xây dựng „chủ nghĩa cộng sản”. Nguyên đã có dịp đặt chân đến một số nông trang tập thể  với những tên gọi rất kêu như „Con đường sáng”, hay „Con đường tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản”... Trên đất nước Ucraina, khi đi qua những nơi từng ghi dấu ấn của Paven Coocsaghin, Nguyên thấy rất nhiều mảnh đời lam lũ hiện lên trên từng gương mặt nhầu nhĩ khắc khổ của những người nông dân. Các căn nhà gỗ xiêu vẹo, leo lét ánh đèn ven đường đập vào mắt Nguyên chẳng khác những gì Ostrovski từng ghi lại trong tác phẩm „Thép đã tôi thế đấy” từ hơn 70 năm trước. Nguyên hoang mang chới với, Nguyên mất niềm tin. Đâu là lối đi định hướng cho cuộc đời một đảng viên cộng sản đầy nhiệt huyết như Nguyên?
Tháng Tám mùa thu năm 1991, Nguyên trở về Việt Nam thăm song thân. Cả nhà quây quần mừng đón cậu con trai út lần đầu trở về sau ba năm biền biệt. Bên mâm cơm rất mực đầm ấm mọi người bỗng im lặng lắng nghe bản tin thời sự mới nhận được phát trên ti vi về cuộc đảo chính ngày 19/8 ở Liên Xô loại Gorbachov khỏi mọi quyền lực về mặt đảng cũng như chính quyền. Bản tin vừa dứt, những tiếng phân tích, tranh luận xung quanh biến cố bất ngờ này rộ lên. Bầu không khí trong căn phòng nhà Nguyên mỗi lúc một nóng và ngày càng sôi động. Hai chiến tuyến dần được thiết lập, song cục diện như đã được dự báo trước. Phái Bolshevik ủng hộ phe đảo chính gồm hai vị phụ huynh và tất cả các anh chị ruột cùng dâu rể, phái melshevik ủng hộ Gorbachov và Yeltsin chỉ đơn độc một mình Nguyên. Hai bên khẩu chiến không khoan nhượng. Nguyên dẫu thân cô thế cô vẫn đưa ra những lập luận sắc bén để bảo vệ quan điểm của mình. Xem ra xung đột chính trị là nguyên nhân dễ gây chia rẽ không những  xã hội mà cả mỗi gia đình bé nhỏ. Ba Nguyên không làm sao thuyết phục được cậu con út, tức quá ông chỉ vào mặt Nguyên quát „Mày là đảng viên mà tư tưởng tha hoá đến thế à. Nếu mày vẫn giữ lập trường sai trái như vậy thì làm đơn ra khỏi đảng ngay lập tức. Đảng không cần những người như mày. Cút ngay!”. Đạo làm con, làm em không cho phép Nguyên to tiếng cãi các bậc bề trên đến cùng. Trước nay Nguyên luôn là người con hiếu thảo nhưng lòng Nguyên đã định, không thể thay đổi được nữa. Nguyên ngồi đấy kìm nén sự ấm ức trào lên từng cơn trong cổ. Nguyên nhọc nhằn nuốt từng miếng cơm chan cùng nước mắt.
Sau khi quay trở lại Ba Lan Nguyên đã „tự ý” bỏ sinh hoạt đảng. Nguyên „lặng lẽ” rời bỏ đội ngũ „tiên phong” từng một thời được nó coi là lẽ sống suốt đời. Song thật lạ! cho đến tận bây giờ sau mười mấy năm không đóng đảng phí, tên của Nguyên vẫn chưa bị gạch khỏi danh sách đảng viên. Không lẽ đảng vẫn không muốn ly hôn với nó, không lẽ đảng vẫn còn hi vọng vào một cuộc hoà giải. Nhưng Nguyên đã dứt khoát lựa chọn cho mình cách yêu quê hương đất nước như cha ông nó từng yêu từ hàng nghìn năm nay. Vốn là người rất mực chung tình, dù không còn  đồng hành trên cùng một con đường, Nguyên không chọn đại bác, không chọn súng lục hay thậm chí chỉ là một viên đá để ném vào quá khứ. Nguyên nguyện suốt đời không bao giờ „đái” vào cái „bình sữa” đã từng một thời nuôi dưỡng nó thành người.
                                                                                                                          Trần Quốc Quân
                                                       Hết  phần  2

2 nhận xét:

  1. Ôi không biết là hồi ký hay tiểu thuyết vậy, sao mà mùi mẫn thế. Chắc phải sớm kết nạp vào Hội nhà văn VN thông. Đây cũng là chuyên văn đây mà cũng "sởn" khi đọc mấy đoạn miêu tả hiện thực

    Trả lờiXóa
  2. Đây không phải là một tác phẩm văn học xuất sắc thì cũng là một tấm lòng chân thực của một con người đích thực biết tìm đường đi cho mình .Cảm ơn Bạn đã cho mọi người thấy được xu thế của thời đại.Ở VN ta còn khổ đấy .

    Trả lờiXóa