Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Người Việt thích sài sang, hãy đọc và suy ngẫm

Mời các bạn xem người Việt chúng ta tiêu xài ra sao?
  Theo kết quả khảo sát tiêu dùng của tổ chức MasterCard World Wide thực hiện với 10.502 người ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á –Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông thì, ưu tiên số một cho ăn chơigiải trí, Việt Nam dẫn đầu với 86%, Hàn Quốc 78%, Hồng Kông 75%.
1. Xế xịn, mỹ phẩm xịn... hút khách
  Tờ Tiền Phong hôm 5/4 phản ánh, trái ngược với tình cảnh nhiều gia đình lao động nghèo đang phải lao đao trong cơn bão giá, từng đồng tiền chi ra đều phải đắn đo, cân nhắc thì một bộ phận những người giàu có vẫn không tiếc tiền tiêu xài cho những món hàng xa xỉ, những dịch vụ đắt tiền…
  Một hộp nước yến mạch giá gần 200.000 đồng, một hộp trà giá hơn 300.000 đồng… những mặt hàng thực phẩm nhập khẩu với giá thành "ngấtngưởng" như vậy được bày bán rất nhiều tại cửa hàng thực phẩm Ân Nam (đường Hai Bà Trưng, quận 1, Tp.HCM). Tiền Phong dẫn lời một nhân viên bán hàng tại đây cho biết, từ sau Tết trở lại đây, sức mua vẫn khá ổn định và không có nhiều biến động.
  Tại một cửa hàng khác trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, tất cả các loại bánh kẹo, thực phẩm bày bán ở đây đều được nhập khẩu từ các nước Âu Mỹ. Một thanh kẹo nhỏ có giá từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng, rượu Vodka, Whisky… được bày bán đầy ắp trong cửa hàng. Trong khi, ở các trung tâm mua sắm lớn như Diamond, Parkson, Vincom…các mặt hàng mỹ phẩm vẫn tiêu thụ khá mạnh. Tại quầy mỹ phẩm Channel ở Diamond, sau một hồi chọn lựa, một phụ nữ đã không ngần ngại mua 3 chai sơn móng tay với giá 630.000 đồng/chai. Thậm chí tại một thẩm mỹ viện trên đường Lê Quý Đôn (quận 1), chủ một doanh nghiệp ở quận Gò Vấp còn mạnh tay chi tới 14 triệu đồng để mua một chai sữa tắm có công dụng… chống lão hóa!   Tại siêu thị điện máy Chợ Lớn những ngày này, lượng khách tới mua sắm khá đông đúc và tấp nập. Một nhân viên bán hàng tại đây cho hay: "Máy lạnh, LCD, điện thoại… là những mặt hàng bán chạy nhất trong những ngày gần đây. Có những ngày, siêu thị lấy hàng về không kịp để bán cho khách".
   Sang hơn nữa là trường hợp của ông B. chủ một công ty sản xuất mỹ phẩm ở Bình Chánh. Đã có tới 4 - 5 chiếc xế hộp hạng sang, ông B. vẫn chi ra gần chục tỷ đồng để tậu về môt chiếc limousine. Ông cho hay: "Xe này không đi được trong thành phố vì dễ kẹt xe, nhưng tôi mua để khi nào đi công tác ở tỉnh nằm trên xe cho thoải mái". Anh Đông - một đại gia ở quận Gò Vấp cũng vừa bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mua một chiếc BMW X5 tặng sinh nhật vợ!
  Tại salon ôtô SaigonLimo (đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình), dù không phải là cao điểm mùa cưới, nhưng dịch vụ thuê xe limousine để rước dâu, đón khách vẫn khá đông khách. Được biết, giá của dịch vụ này là 600USD/lần 4 giờ đồng hồ (tương đương khoảng 12,6 triệu đồng). Ông chủ salon này cũng cho biết, cách đây 3 ngày, vừa bán được một chiếc mô tô Harley Davison giá 40.000 USD (tương đương 840 triệu đồng).
  Trong một bản tin khác, cũng tờ Tiền Phong dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho hay, ba tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ở mức trên 3 tỷ USD, trong đó các mặt hàng xa xỉ chiếm tới gần 40%. Còn tính chung, giá trị của hàng xa xỉ và hàng thuộc diện cần kiểm soát nhập khẩu chiếm tới hơn 60% giá trị nhập siêu.
  Trong số 6 nhóm mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát, chỉ trong quý I các doanh nghiệp đã chi tới 46 triệu USD để nhập khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc. Riêng các mặt hàng rau quả ngoại, đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị, đã cần tới lượng ngoại tệ lên tới 55 triệu USD. Nhập khẩu đá quý, kim loại quý cũng tăng khá mạnh, 363 triệu USD. Tổng số ngoại tệ các DN chi để nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ và xe gắn máy xấp xỉ 1 tỷ USD.
  Đáng chú ý, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu các hàng thuộc diện xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm cũng lên tới 1,36 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới gần 40% giá trị nhập siêu của cả nước. Riêng lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng các loại lên tới 1,19 tỷ USD.
  Đặc biệt, tổng lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ được các hãng, nhà phân phối nhập khẩu về trong 3 tháng đầu năm lên tới 11.125 chiếc, tăng 3.900 chiếc so với tháng 2. Trong khi đó cùng kỳ năm 2010, tổng lượng xe ô tô dưới 9 chỗ nhập vào nước ta chỉ ở mức 5.943 chiếc. Xe máy nguyên chiếc các loại nhập về trong thời gian này cũng lên tới 24.169 chiếc.
2. Phở một triệu đồng và sự lạc quan trong tiêu xài
  Theo báo Đất Việt, tuy đang trong thời kỳ "bão giá" kèm theo những lo ngại về nhiễm phóng xạ Nhật Bản nhưng phở bò Kobe vẫn hút hồn nhiều thực khách. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tại khách sạn Vườn Thủ đô (Hà Nội), số lượng khách đặt bàn để thưởng thức món phở bò Kobe luôn đông nghẹt. Theo đầu bếp Phạm Văn Sơn của Khách sạn vườn Thủ đô, giá mỗi tô phở đã tăng thêm 100.000 theo đà tăng giá của thị trường nhưng món ăn đặc biệt này vẫn rất hút khách. Hiện, giá mỗi bát phở bò Kobe có giá từ 40 đến 50 USD, gấp 40 lần giá của một bát phở tiêu chuẩn theo truyền thống tại các cửa hàng khác trên khắp Việt Nam.
  Báo Đất Việt giải thích, sở dĩ phở bò Kobe có mức giá gấp nhiều lần các loại phở truyền thống là bởi nó được chế biến từ thịt bò Kobe. Đây là loại bò được nuôi ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo của Nhật Bản. Các chú bò này được nuôi dưỡng với quy trình cầu kỳ. Bò được cho ăn toàn những thức ăn bổ dưỡng như bắp non, lúa mạch, uống bia thay nước, được tắm nước nóng, nghe nhạc Mozart, Chopin để thư giãn. Ngày ngày, chúng được xoa bóp bằng rượu sake hảo hạng.
  Chưa hết, công đoạn chế biến của món phở này cũng rất "khó tính", từ chọn nhập thịt đến việc chế biến nước dùng. Đặc biệt, nước dùng món phở này được xem là bí quyết riêng làm nên thương hiệu phở bò Kobe của các mỗi nhà hàng, khách sạn. Do vậy, rất khó để người tiêu dùng có thể làm nên một bát phở Kobe thành công tại nhà dù cũng mua được thịt chính hiệu từ Nhật Bản.
  Trong bài viết dưới tựa đề "Người Việt tiêu xài lạc quan nhất thế giới" đăng tải trên báo Sài Gòn tiếp thị hôm 24/2/2011, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải cho biết, đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, người Việt Nam đã ăn tết Tân Mão vừa qua lớn chưa từng có. Chỉ tháng 1/2011, Ngân hàng Nhà nước đã phải cung cho các tổ chức tín dụng 132.000 tỷ đồng, phần lớn số tiền này chảy vào tiêu dùng trong dịp tết âm lịch.
  Theo kết quả khảo sát tiêu dùng của tổ chức MasterCard World Wide thực hiện với 10.502 người ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông thì, ưu tiên số một cho ăn chơi giải trí, Việt Nam dẫn đầu với 86%, Hàn Quốc 78%, Hồng Kông 75%. Tỷ lệ tiêu dùng một cách tuỳ nghi, không toan tính thì Việt Nam cũng dẫn đầu đến 62%, Australia và Hàn Quốc 59%.
  Tác giả Ngọc Hải viết, những con số trên cho thấy ở nước ta, tiêu xài quá mức lao động tích luỹ bản thân cũng như tích luỹ toàn xã hội của nền kinh tế đang là một vấn đề bức xúc. Làm ra 1 đồng chi xài 2 đến 4 đồng, xài đồng tiền (dù do bản thân mình làm ra) mà không chú ý đến hoàn cảnh đất nước, xã hội, cộng đồng xung quanh. Những người có dịp sang thăm thân nhân ở Mỹ, Australia, Singapore đều ngạc nhiên về mức độ tiết kiệm của công dân các nước ấy.
  Việt Nam tăng trưởng theo mẫu hình: đổ tiền ra đầu tư, sản xuất vô độ, huỷ hoại môi trường, phải đối đầu với những thách thức. Báo chí từng đăng các câu chuyện cầu xây không ai đi, cảng không ai đến, sân bay không ai dùng, hàng đống biệt thự sang trọng bỏ không. Một mặt GDP cứ tăng, nhưng con người cứ phải đối đầu với các vấn đề xã hội khi thay đổi kinh tế, và sống không an toàn giữa các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, giao thông và môi trường.
  Sức mua, tiêu xài của người Việt tăng nhanh: thị trường bán lẻ ở nước ta đứng thứ tư, sau Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và mỗi năm tăng 20%, đạt tới 53 tỉ USD vào năm 2010. Chả thế mà người Việt được đánh giá là tiêu xài lạc quan vào hạng nhất thế giới. Nếu kêu gọi tiết kiệm thì thế nào cũng có câu trả lời: nghèo không đủ sống, lấy đâu ra mà tiết kiệm.
  Tác giả Ngọc Hải đặt câu hỏi, chi xài quá mức cái làm ra được phải chăng đang trở thành một đặc tính của người Việt? Tính chất cẩn trọng, hợp lý, khoa học của chi tiêu, một đặc điểm giúp người ta làm giàu (Buôn bán tàu bè không bằng ăn dè hà tiện – câu của các cụ xưa) bây giờ không mấy ai chịu học nữa?
(Theo VnEconomy)
--
Nguyễn Trọng Bằng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét