Thân gửi anh Liệu, em có sưu tầm một truyện ngắn viết về mưu sinh của những người trí thức tại nước ngoài để các bạn cơ điện đã từng xuất ngoại tìm lại mình trong quá khứ (oanh liệt và đau thương). Nếu anh thấy đăng được thì em sẽ gửi thẳng các phần tiếp theo. Còn lịch" Nam tiến của k10" cuối năm thế nào cho em biết để đặt vé máy bay nhé. Sẽ có rượu becherovka chính hiệu cho anh. Em đã gửi bản này 1 lần nhưng không thấy hồi âm.Chúc anh và gia đình luôn vui khỏe hạnh phúc! Trần tiểu Bình.
Em ơi Ba Lan... (1): Ngã rẽ mới của cuộc đời
Định viết những bài ký về cộng đồng người Việt
Đây là những câu chuyện thật 100% diễn ra trong một không gian rộng từ Việt Nam, đến Liên Xô, đến Ba Lan được tác giả viết lại. Tổng hợp các sự kiện từ chính cuộc đời mình, từ vai trò nhân chứng, từ vai trò người trong cuộc tác giả muốn đem đến cho bạn đọc một góc nhìn khái quát về một thời vừa huy hoàng, vừa đau thương nhưng rất đáng nhớ.
Phần1: Ngã rẽ mới của cuộc đời
Nguyên biết đến Ba Lan lần đầu tiên có lẽ từ câu thơ của Tố Hữu „Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”. Lớn thêm một chút nữa Nguyên biết thêm về Ba Lan qua những bộ phim cực đỉnh thời bấy giờ như Con Hủi, Thầy Lang, Nạn hồng thuỷ, Đại tá Volodizovski, Thế giới đàn bà…Đến khi vào trường đại học Nguyên lại được chứng kiến một số sinh viên vốn là lưu học sinh Ba Lan bị kỷ luật đuổi về nước vì nhiễm „các giá trị tư bản phương Tây”. Lạ nhỉ! Ba Lan là nước xã hội chủ nghĩa cơ mà, Nguyên không hiểu tại sao lại như vậy. Nhưng nhìn các anh chị cựu lưu học sinh Ba Lan ở trường nó trong trang phục quần loe, áo sơmi hoa cổ to với bộ tóc dài Nguyên hình dung được ít nhiều về một đất nước Ba Lan cởi mở và yêu chuộng tự do trong lòng hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Mới 25 tuổi Nguyên đã trở thành đảng viên. Người đời bảo trẻ thế mà vào đảng chắc vì cơ hội, Nguyên nhăn nhở cãi: chỉ đúng một nửa, 50% lí tưởng, 50% cơ hội. Nguyên là đảng viên trẻ nhất cơ quan lại cộng thêm cái mác con lão thành cách mạng. Thế là nguồn với lại kế cận chứ còn gì nữa, Nguyên tự mãn. „Giá, lương, tiền” tiến hành được ba tháng thì Nguyên cưới vợ. Đồng lương hai cử nhân kinh tế cùng làm ở cơ quan đầu não chính phủ vậy mà không nuôi nổi nhau. Vợ chồng Nguyên được cả hai đằng nội ngoại xúm vào giúp. Gom đủ tiền Nguyên mua một máy dệt len 2 giàn. Chồng tranh thủ những chuyến đi công tác để buôn len, vợ tần tảo dệt áo đổ buôn cho các sạp ở chợ Đồng Xuân. Những tưởng đời Nguyên gắn bó với cơ quan và nghiệp len. Nhưng chỉ một câu khích tướng của vợ, đời Nguyên đã sang trang lần thứ nhất. Một đêm hai vợ chồng nằm bên nhau thao thức, vợ Nguyên hết trở mình lại thở dài mãi sau mới thỏ thẻ: - Anh còn nhớ anh Nam khoa toán không? Anh ấy vừa thi nghiên cứu sinh đỗ đầu hội đồng kinh tế toàn quốc đấy. Nguyên chồm ngay dậy: - Thật hả, nó mà đỗ cao thế lẽ gì mình không đỗ. Biết vợ muốn mình thử sức nhưng ngại, lại nữa cái thằng Nam ấy ngày xưa tán mãi vợ Nguyên không được. Nổi cơn tự ái ngay hôm sau Nguyên lên phòng Đào tạo vụ Tổ chức cán bộ xin dự kì thi nghiên cứu sinh ngoài nước. Thế rồi Nguyên nhận được quyết định đi ôn thi đúng ngày vợ nó chuyển dạ sinh đứa con gái đầu lòng. Sau ba ngày thăm nuôi biết chắc vợ tròn con vuông, Nguyên đưa thẳng vợ con về đằng nhà ngoại. Trước là để trốn việc, sau là dồn thời gian vào việc đèn sách. Vốn là người hiếu thắng lại tham vọng nữa, Nguyên bước vào việc luyện thi với ý chí thép. Nguyên biết rằng nếu thi đỗ, tương lai gia đình bé nhỏ của nó sẽ rẽ sang một ngã mới như mọi người nói là đổi đời. Nếu thi không đỗ Nguyên sẽ không còn cái lỗ nẻ nào nữa để mà chui, hơn nữa cánh cổng quan lộ đầy triển vọng của nó sẽ khép chặt lại chẳng còn hy vọng thăng tiến.
Sau tám tháng miệt mài bài vở Nguyên không những vượt qua được kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh ngoài nước mà còn lọt vào top five hội đồng kinh tế toàn quốc. Hồi đó kết quả thi không phải là tiêu chuẩn để chọn nước. Thực tình Nguyên chỉ biết thi chứ không mấy quan tâm mình sẽ đi đâu. Nhưng thằng bạn thi trước Nguyên một năm bảo: - Mày ngu lắm đi học chỉ để lấy kiến thức thì nước nào chả như nước nào, nhưng mày đi học đâu chỉ có mục đích cao cả là cứu nước, còn phải cứu nhà nữa chứ. Nguyên nghe thế gật gật nhưng thực tình nó chả biết chọn nước nào. Nguyên không có ai quen để hỏi thông tin về chuyện đời sống kinh tế ở mấy nước xã hội chủ nghĩa anh em. Lúc đó trong giới nghiên cứu sinh lưu truyền một câu châm ngôn „muốn giàu đi Đức, muốn kiến thức đi Nga”. Nguyên hỏi thằng bạn kia có đúng như vậy không. Thằng bạn trợn mắt mắng: - Mày đéo biết gì, câu đó xưa rồi. Thằng kia như quên hẳn việc Nguyên đi một phần để học, nó chỉ quan tâm mỗi việc tư vấn cho Nguyên chuyện kiếm tiền. Hắn thao thao lên lớp cho Nguyên là đi Đức ăn tiêu tằn tiện để dành tiền giỏi lắm chỉ mua được một cái xe máy môkích với hai ba cái xe đạp mifa chấm hết. Phải đi Ba Lan, đi Hung đánh thuốc về lại chả mua được bằng mười lần như thế. Nguyên cứ há mồm nghe thằng bạn thuyết giáo. Sau rồi Nguyên mới nhỏ nhẹ hỏi làm cách nào để được đi Ba Lan. Thằng kia lại cặn kẽ bày cho Nguyên cách tiếp cận ông cán bộ trên Bộ Đại học phụ trách mảng phân chỉ tiêu đi nước ngoài, rồi bảo nó cứ thế cứ thế ắt việc sẽ thành. Nguyên theo chỉ dẫn của thằng bạn mà làm.
Số người phải chạy như Nguyên cũng không ít, sau mấy buổi bỏ công ngồi đập muỗi rình rập trước cửa nhà ông cán bộ nọ, nó cũng tiếp cận được đối tượng. Lấy can đảm trình bày nguyện vọng rồi đỏ mặt đặt mấy xấp vải len với mấy hộp sữa lên bàn Nguyên lí nhí xin phép ra về đem theo một lời hứa bâng quơ. Ngày tập trung tại hội trường đại học Kinh tế quốc dân để công bố việc phân nước, mãi đến khi nghe ông cán bộ kia đọc tên nó trong danh sách nghiên cứu sinh đi Ba Lan Nguyên mới tin đó là sự thật. Sau một năm vừa nuôi con nhỏ, vừa học ngoại ngữ tại Thanh Xuân, đúng đến ngày đến tháng Nguyên leo lên máy bay bay sang Ba Lan.
Đặt chân đến Warszawa sau đó xuống Lodz , những hình ảnh hiện thực về chủ nghĩa xã hội phát triển khiến Nguyên thất vọng như người bước hụt. Dù trước khi đi Nguyên được giáo huấn trước rằng nước bạn đang gặp khó khăn do Công đoàn đoàn kết gây mất ổn định. Nhưng Nguyên vẫn không thể nghĩ được bức tranh Ba Lan tại sao lại khác xa với những điều nó hình dung đến thế. Sáng sớm trước các cửa hàng thịt, cá, đường… từng đoàn người lặng lẽ, kiên nhẫn xếp hàng. Các quầy hàng gần như trống trơn. Ở đâu cũng vậy. Nhiều loại nhu yếu phẩm phải mua bằng tem phiếu theo định mức.
May được thằng bạn tư vấn, Nguyên mang theo một thùng carton TV chứa toàn kimono, áo phin thêu, vòng xương, lắc trai…Ba Lan lúc đó hàng hoá khan hiếm kinh khủng nên những thứ Nguyên mang theo đều bán được lãi gấp rưỡi, gấp đôi. Thế là ấm rồi! Nguyên bắt đầu cảm thấy tự tin hơn. Lương nghiên cứu sinh khi đó tính ra chỉ khoảng 10 USD/tháng. Vậy là ngay từ khi khởi nghiệp Nguyên đã lận lưng được số vốn bằng phụ cấp ăn học cả 5 năm trời ở Ba Lan. Do nền kinh tế kế hoạch hoá lại khép kín nên vào cuối những năm 80, đồng đô la Mỹ ở Ba Lan được thị trường định giá quá cao so với giá trị thực. Ví dụ một vé máy bay hai chiều Warszawa – Hà Nội transit qua Mockva khoảng 65 USD, giá thuê căn hộ một buồng, một bếp, một toilet giữa trung tâm Warszawa giá 20 USD/tháng, tiền ăn khá xông xênh chỉ hết 6 USD/tháng. Lạm phát lồng lên như con ngựa không kìm được dây. Chỉ số giá cả tăng đến 3 chữ số một năm.
Chưa kịp buồn Nguyên đã sớm nhận ra đây là cơ hội, là vận may để nó đổi cuộc đời công chức khốn khó thành cây, thành chỉ óng ánh vàng. Cái đêm trước khi ra sân bay, nằm bên vợ, Nguyên lạc quan quá đà vung tay hoạch định cái kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với lời hứa sẽ bảo vệ xong tấm bằng và đem về nước cho vợ 20 cây vàng. Vợ gõ ngón tay vào trán Nguyên thủ thỉ „liệu anh có điều chỉnh kế hoạch như chính phủ vẫn thường đề xuất với quốc hội không?”.
Phải nói rằng nghiên cứu sinh khi đi du học hầu hết đã có vợ có con. Thế nên động lực kiếm tiền của họ thôi thúc mạnh mẽ hơn nhiều so với tụi sinh viên. Sẵn có sạn trong đầu, khi phân phòng kí túc xá ở Trung tâm học tiếng Nguyên xung phong nhận phòng trên tầng 3 trong khi cả đoàn của nó ở hết dưới tầng trệt. „Cho vắng vẻ dễ bề làm ăn” Nguyên lẩm bẩm thế. Vượt lên mọi cám dỗ của sự ham vui, ham nhậu nhẹt Nguyên đã có những toan tính riêng cho mình.
Một lần lang thang lên Warszawa vào ngày chủ nhật để tìm mối bán kimono và vòng xương Nguyên được vợ chồng đại gia số một Ba Lan thời đó rủ về nhà ăn trưa. Trong buổi gặp mặt định mệnh Nguyên được họ bày cho bài học kiếm tiền thứ hai sau cái vụ nhặt tiền từ việc bán hàng trong nước đem theo. Chị vợ bảo Nguyên về lùng kiếm các mối cung cấp thuốc với lời hứa sẽ bao tiêu toàn bộ. Không quen một ai từ khi đặt chân sang Ba Lan bỗng dưng Nguyên được gia nhập một đường dây làm ăn lớn. Như mở cờ trong bụng, Nguyên muốn hét to „con đường sáng đây rồi” y như khi Nguyễn Ái Quốc tìm được chủ nghĩa Mác-Lênin vậy.
Ngày qua ngày, sau giờ lên giảng đường với tấm bản đồ trong tay, Nguyên lặng lẽ ngồi tầu điện, trong khi tụi bạn của nó vùi đầu vào những cuộc chơi liên miên. Cứ thế lầm lũi Nguyên lặn lội xuyên màn đêm tuyết phủ để đặt chân đến cả 43 hiệu thuốc trên địa bàn thành phố. Thời gian đầu Nguyên rất ngại mỗi khi bước chân vào bên trong hiệu thuốc. Nguyên lấm lét nhìn mọi người với mặc cảm tội lỗi, sau mặt cứ dầy lên rồi quen dần. Nhiều nơi họ xua đuổi Nguyên, họ dọa gọi điện báo công an khi nó chưa kịp mở mồm. Có người nhìn Nguyên run rẩy trong chiếc áo khoác bị ngấm nước với ánh mắt đầy cảm thông. Nhưng Nguyên cóc cần sự thương hại, nó đang thèm những vỉ thuốc B1, B6, Bisepton, Ampicilin…óng ánh đang bày trên quầy hàng, trên tủ kính kia cơ. Hễ ai hỏi Nguyên từ đâu tới, nó trả lời ngay là sinh viên Bắc Triều Tiên. Trong con người Nguyên lúc đó vừa xen lẫn nỗi sợ hãi vì đang làm cái việc bất chính, vừa trỗi dậy lòng tự tôn dân tộc. Trời không phụ công kẻ cần mẫn, cuối cùng Nguyên cậy được 5 mối thuốc. Mà Nguyên không thèm rón rén một hai chục vỉ cò con như Hoàng Minh Ngô đâu nhé! với nó đơn vị phải là hàng nghìn. Nguyên chẳng bao giờ chịu mất thì giờ lân la với mấy con bán hàng đỏng đảnh, nó tìm cách tiếp cận ngay cửa hàng trưởng để mỗi lần đến hẹn nó vác túi ba tầng lèn chặt các loại thuốc quí. Địa điểm giao thuốc thay đổi luôn y như hoạt động gián điệp vậy. May mà hồi đó tình hình an ninh ở Ba Lan chưa phải là mối đe doạ lớn đối với người nước ngoài.
Có một lần đợi khi màn đêm buông xuống đặc quánh, Nguyên ngồi tầu đến tận bến cuối, nó lội tuyết thêm một quãng xa đến một bìa rừng ven đô để gặp đối tác cung cấp thuốc. Đứng chờ Nguyên ở địa điểm hẹn trước là một phụ nữ tóc vàng óng ả tuổi chưa đến bốn mươi, nhìn vẫn giòn gái lắm. Nguyên lúc đó tròn ba mươi nhưng mới bén hơi chưa lâu đã phải xa vợ. Khi người phụ nữ kia ghé sát tai Nguyên thì thầm báo số lượng, chủng loại và giá cả, nhịp tim nó đập loạn xạ. Trong hơi ấm hôi hổi của tấm thân đầy quyến rũ kia Nguyên ngửi thấy mùi thơm đàn bà. Không biết đấy là hương tự nhiên từ thân thể người phụ nữ kia truyền sang hay mùi nước hoa, chỉ biết rằng người Nguyên ngây ngất đến đờ đẫn. Quả táo Adam nuốt dở trong họng Nguyên lên xuống theo nhịp nuốt nước bọt tràn ứ trong miệng nó. Đúng lúc người Nguyên chực đổ ụp xuống cái cơ thể rừng rực kia, bỗng nhiên hình ảnh vợ con rất đỗi nhớ thương ùa về cộng với lời nguyền công việc văng vẳng trong tai, nó rùng mình một cái rồi bừng tỉnh. Nguyên giục người phụ nữ khi đó cũng đang thở gấp gáp như muốn lả đi trong vòng tay của nó rằng phải kết thúc ngay việc giao tiền và hàng để nó còn kịp về chuyến tầu điện cuối đêm.
Phòng của Nguyên ở kí túc xá bao giờ cũng đầy ắp thuốc. Thuốc ngập tràn các ô tủ, thuốc xếp từng chồng dưới gậm giường, thuốc bò ra cả sàn. Việc Nguyên chọn ở „vùng sâu, vùng xa” chính là để tránh những cặp mắt nhòm ngó, dị nghị của mọi người. Thế mà vẫn có chuyện. Một hôm thằng Afganistan ở phòng kế bên cùng chung toilet với phòng Nguyên bỗng la toáng lên kêu mất cái catset. Thằng bựa đó gọi hết bạn bè của nó lên tầng 3 giúp phong toả các phòng rồi báo bảo vệ đi kiểm tra. Đến phòng Nguyên tụi nó không thể vào được. Nguyên đứng đó với con dao chặt thịt lăm lăm trong tay, mắt vằn lên những tia đỏ. Nguyên thề rằng thằng nào đến gần nó sẽ chém chết. Hàng ngày Nguyên vốn nhỏ nhẹ hiền lành mà lúc này trông nó dữ tợn đến thế. Nguyên biết cái việc lộ đầy hàng cấm trong phòng nó sẽ bị trục xuất về nước, vì thế nó thề phải tử thủ đến cùng. Bà trực nhật toà nhà phải gọi điện báo cho Ban giám hiệu. Sau nửa tiếng một ông hiệu phó xuất hiện bảo Nguyên phải đồng ý cho người vào kiểm tra phòng. Lúc đó có người của trường nên Nguyên không còn cầm dao trong tay nữa. Ông hiệu phó thuyết phục thế nào Nguyên vẫn không đồng ý cho bất kì ai vào khám phòng nó. Nó nhất quyết hết sức củ chuối rằng, muốn khám phòng nó phải có lệnh hoặc phải có người sứ quán. Ông hiệu phó không làm gì được đành viết biên bản kết luận sự việc, Nguyên khăng khăng không chịu kí. Một tuần sau trường lập hội đồng kỷ luật xét cái vụ ăn cắp catset với nghi án số một là Nguyên. Họ viện dẫn lí do nếu không lấy tại sao không cho khám phòng. Đứng trước hội đồng kỷ luật Nguyên bình tĩnh trình bày rằng nước nó nghèo như thế nào, vợ con nó ở Việt Nam bây giờ ăn đói ra sao. Vậy nên nó đi sang đây vừa để học kiến thức, vừa phải mang theo kimono bán lấy tiền đỡ đần gia đình (kimono được phép mua bán). Nguyên hùng hồn biện minh y như khi Phiden tự bào chữa trước phiên toà Batista với câu nói bất hủ „lịch sử sẽ xoá án cho tôi”. Nguyên nói một hơi không nghỉ đến khi dừng lại, nó nhìn „hội thẩm đoàn” thấy ai nấy mắt cũng đỏ hoe. Thế là trắng án.
Trong khi Nguyên may mắn được vẫy vùng trong biển lớn nhờ sự nâng đỡ của các soái, thì những người bạn cùng khoá với nó vẫn hàng ngày đàn đúm rượu bia. Chỉ đến dịp weekend họ mới lùng sục vào các xưởng dệt quanh thành phố Lodz vốn là trung tâm công nghiệp dệt may của Ba Lan để tìm mua áo môngtegi và khăn voan. Đợi đến lúc có điện thoại đặt hàng, họ đóng chặt nắp vali rồi đáp tầu hoả lên Warszawa cung cấp cho các đầu nậu người Việt ở đây. Môngtegi và khăn voan không thuộc diện hàng cấm nên đương nhiên lợi nhuận không thể cao ngất như thuốc.
Vào nửa đầu năm 1989 có một chiến dịch âm thầm diễn ra rất ngắn nhắm vào hệ thống các cửa hàng Jubiler (trang sức) trên toàn Ba Lan. Cho đến nay có rất ít người biết đến kiểu làm ăn chớp nhoáng mà kín đáo này trong quá khứ. Cách thức săn hàng từa tựa như cách dân Cộng mình mua vàng ở Liên Xô. Mặt hàng đặc biệt này không phải vàng mà là động hồ Liên Xô. Thời đó theo hiệp định kí kết giữa các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế việc xuất nhập khẩu trong khối chủ yếu dựa trên phương thức hàng đổi hàng. Chính cái sự trao đổi mang tính phi thị trường như thế nên hàng hoá trong các cửa hàng được bày bán với giá rẻ như cho. Từ thông tin nghe trộm được của bà vợ một cán bộ sứ quán, Nguyên rủ thêm thằng sinh viên làm cùng cho an toàn. Tranh thủ những ngày nghỉ, hai anh em ngồi tầu đi đến những thành phố hơn 50 nghìn dân được đánh dấu trên bản đồ để mua vét đồng hồ. Ở một vài nơi, thỉnh thoảng nó cũng đụng đầu người Việt Nam quần đảo cửa hàng Jubiler y như nó. Chạm mặt nhau ở những chốn đó mới thấy hiếm khi có sự thân thiện hiện lên trong ánh mắt các con rồng cháu tiên.
Từ ga Nguyên ngồi taxi chạy thẳng đến những cửa hàng Jubiler có trong thành phố. Nó chẳng ngạc nhiên khi thấy cửa hàng Jubiler nào cũng đầy ắp hàng thủ công mỹ nghệ made in Việt Nam . Nguyên vờ nhặt lên mấy cái giỏ tre, bức sơn mài hay hộp khảm trai, nhưng kì thực mắt nó lại dán chặt vào mấy cái tủ kính bày đồng hồ. Nhìn thấy những chiếc đồng hồ Liên Xô hiệu Polgot, Raketa, Zuravia…mắt Nguyên sáng rực lên. Chiến lược tiếp cận của Nguyên vẫn y như cách thức nó cậy mối thuốc vậy. Nguyên sải những bước chân đầy tự tin vào ngay phòng cửa hàng trưởng. Thô bạo không kém những người đồng hương mua vàng bên Liên Xô, Nguyên chỉ cho bà cửa hàng trưởng xem những chồng tiền xếp ngay ngắn đầy ăm ắp trong chiếc túi du lich mang theo người. Chờ cho đến khi bà ta hết ngỡ ngàng lấy lại được bình tĩnh, Nguyên vào thẳng ngay vấn đề rằng nó muốn mua hết số đồng hồ có trong cửa hàng với giá cộng thêm 20%. Nhân viên trong cửa hàng nhốn nháo ngược xuôi. Tất cả đồng hồ không kể mác gì miễn là made in CCCP được gỡ ra từ các quầy hàng, tủ kính, thậm chí cả những chiếc chưa được xuất kho. Mỗi lần như thế Nguyên gom được hàng trăm chiếc đủ loại. Nó chia ra một phần bán ngay lấy lãi, một phần gửi mấy ông có hộ chiếu công vụ về nước cho vợ. Công việc kiếm tiền này vừa nhẹ nhàng, vừa kín đáo lại lịch sự nữa nên hai thằng hăng hái ngồi tầu dễ đến nửa năm cho đến khi không thể đào đâu ra đồng hồ Liên Xô trên đất này nữa.
Sau một năm tần tảo, vừa học tiếng vừa đánh quả Nguyên tích luỹ cho mình một số vốn kha khá. Quan trọng hơn Nguyên đã thiết lập được cho mình nhiều mối quan hệ cần thiết cho công việc kinh doanh. Khi phải lên Warszawa làm bằng, Nguyên truyền lại cho mấy thằng đàn em mới sang học tiếng kiểu làm ăn nhặt nhạnh vừa mất thời gian vừa mất sức. Nguyên bắt tay vào việc triển khai các kế hoạch làm ăn đầy tham vọng trong tương lai.
Từ một trí thức trẻ, một đảng viên đầy nhiệt huyết với bao khát vọng được cống hiến, được phấn đấu cho lí tưởng „cao đẹp” Nguyên bắt đầu dấn thân vào một ngã rẽ mới của cuộc đời như một sự an bài của số phận.
Hết phần 1 (Sưu tầm)
Câu chuyện mộc mạc, chân thực và cuốn hút người đọc quá, Bình ạ. Bởi vì, đất nước mình đã có ai tổng kết về sự mưu sinh, giầu sang, mất mát và ghi công của những “người xa xứ” như các bạn đâu, do vậy cần phải đọc và hiểu bạn mình qua những câu chuyện như vậy . Bình gửi tiếp cho mọi người đọc nhé!
Trả lờiXóaAi cũng có một thời với bao hoài bão ước mơ. Nhưng cuộc sống nghiệt ngã đã xô đẩy mỗi con người theo những con đường khác nhau, có thể không còn đúng với những hoài bão ước mơ, thực tế đó khó giải thích và mọi người cho đó là số phận. Câu chuyện về sự lăn lôn với cuộc sống trong nhưng năm tháng học tập mưu sinh ở đất khách quê người rất có ý nghĩa với mỗi chúng ta khi nhìn lại những tháng năm đã qua của một thời trai trẻ. Đọc và suy ngẫm chắc trong mỗi con người đều có những sự liên tưởng khác nhau và rút ra những bài học khác nhau cho cuộc sống mỗi con người. Cảm ơn Bình có những sưu tầm rất lý thú, gửi tiếp cho mọi người cùng đọc nhé.
Trả lờiXóa