Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Em ơi Ba Lan phần 3 và 4

 Em ơi Ba Lan...(3): Từ nhãn "Lưu Vong” đến mác "Việt Kiều”
   Kí ức trong Nguyên về Warszawa dưới chính thể cộng sản là một thành phố trống rỗng, xám xịt và không một chút tráng lệ. Warszawa khi đó hầu như không có nhà chọc trời, ngoại trừ một khối kiến trúc nặng nề mang đậm bản sắc Xô Viết là Palac Kultury (Cung văn hóa) tọa lạc ngay tại điểm zero của trung tâm thành phố.
   Palac Kultury trông như bản sao của toà nhà trường đại học Lomonosov ở Mockva. Toà nhà hoành tráng mà thô thiển này được đưa vào hoạt động năm 1955 cao 230 mét gồm 42 tầng với 3288 phòng. Đây là quà tặng của Stalin cho nhân dân Ba Lan sau chiến tranh như một sự sám hối về tội ác của chính ông ta đã gây ra trong vụ thảm sát Katyn và vụ mượn tay Hít Le dìm cuộc khởi nghĩa Warszawa tháng 7 năm 1944 trong biển máu. Tương phản với khối kiến trúc đồ sộ, kém hiệu quả và nặng về hình thức của Palac Kultury là Dworzec Centralny (Nhà ga trung tâm) với kiến trúc xây dựng đơn giản, hiện đại và đầy tính hữu dụng. Dworzec Centralny đưa vào hoạt động năm 1975 có tám làn đường sắt chạy ngầm dưới đất được xây dựng bằng nguồn tiền vay với lãi suất ưu đãi của chính phủ Mỹ từ thời cố Tổng bí thư Gierek. Hệ thống giao thông công cộng của Warszawa lúc đó chủ yếu dựa trên mạng lưới tầu điện và xe buýt. Dù phương tiện cũ kĩ và không đẹp mắt nhưng rất tiện lợi cho việc đi lại. Tuyến tầu điện ngầm đầu tiên đang xây dựng nhưng do thiếu vốn nên vẫn ngổn ngang. Lưu thông trên đường phố chủ yếu là những loại ô tô do Ba Lan sản xuất như maluch, polonez, fiat 126…rất hiếm khi nhìn thấy xe hơi có xuất xứ từ các nước tư bản phát triển.
Họa hoằn lắm Nguyên mới nhìn thấy người Việt Nam lẫn trong các cư dân của thành phố. Những nơi người Việt Nam thường lui tới thời đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, vài địa điểm quen thuộc như Nhà ga trung tâm, Chợ trời Skra, Chợ trời Targowa, một số khu kí túc xá trường đại học Tổng hợp, Bách khoa và cuối cùng là Đại sứ quán…
Bắt đầu từ đầu những năm 1980, du học sinh Việt Nam nhất là nghiên cứu sinh mới chập chững bước vào con đường buôn bán. Họ khởi đầu buôn từ chiếc kimono, áo phin thêu tay đến vòng xương, lắc tay và gửi về Việt Nam từ những chiếc máy khâu singer cũ kĩ đến xấp vải tuytsi len. Khởi nguồn qui mô kinh doanh của họ rất nhỏ bé. Họ phải tiết kiệm từng đồng vốn nên phương tiện di chuyển trong thành phố chủ yếu dựa vào các phương tiện công cộng. Ngồi taxi hồi đó là một sự xa xỉ. Di chuyển xa ngoài Warszawa phương tiện duy nhất là tầu hoả. Đi các tuyến địa phương nội địa họ thường lên từ Ga Trung tâm. Đi các tuyến quốc tế vì phải xếp hàng lên tàu nên họ thường lên từ ga gốc cho chắc ăn. Nếu đi Liên Xô lên từ Ga Tây, nếu đi Đức lên từ Ga Đông. Xuống tàu thì tùy, nhà gần ga nào xuống ga đó. Ngày xưa thời Đế quốc La Mã có câu châm ngôn nổi tiếng „mọi con đường đều dẫn đến Roma”, thời kì kinh doanh còn sơ khai, dân nghiên cứu sinh ở Ba Lan cũng có câu châm ngôn „mọi ngả đường buôn lậu đều dẫn đến sân ga”.
Năm Nguyên mới sang Ba Lan, Đại sứ quán Việt Nam là một toà nhà ba tầng rất rộng nằm trong khuôn viên khoảng hơn năm nghìn m2 trên phố Kawalerii. Từ cổng Đại sứ quán ra đến cổng công viên Lazienka đẹp nổi tiếng Warszawa chỉ khoảng hai trăm mét. Ít có Đại sứ quán nước nào ở Warszawa nằm trên vị trí đẹp hơn thế. Nơi đó vừa có rừng, vừa có sông, vừa kín đáo, vừa thơ mộng trong một khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh đẹp như một bức tranh. Chỉ  tiếc một điều là toà nhà Đại sứ quán lại được xây đơn điệu, vuông vắn, lát đá màu xám nhạt nên trông buồn tẻ, lạnh lẽo không hợp với nền đẹp như mơ của khung cảnh trữ tình, lãng mạn. Vào những năm khốn khó, cái chốn bồng lai tiên cảnh một phần thiêng liêng của Tổ Quốc ấy có rất ít người Việt Nam „dám” đặt chân đến. Tùy vào hoàn cảnh, mỗi người „ngại” sứ quán theo một kiểu. Thời gian đó giữa cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các con dân mà họ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi ít có sự gần gũi, thân thiện. Thật cần thiết người ta mới đủ „can đảm” để mon men đặt chân đến nơi ấy.
Vào những năm 80 trở về trước, Warszawa có hai cái chợ trời mà người Việt Nam hay đặt chân tới. Một cái là chợ trời Sân vận động Skara chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày chủ nhật. Cái chợ Skara này hoạt động đúng theo nghĩa chợ trời. Trên là trời (không có mái che) dưới bày đủ các loại đồ cũ. Có lẽ vì nó nằm gần khu kí túc xá của trường đại học Bách khoa trên phố Grojecka và của trường đại học Tổng hợp trên phố Zwirki i Wigury vốn là hai nơi tập trung nhiều du học sinh Việt Nam nên mỗi chủ nhật người Việt Nam thường dạo ra đó để nhìn nhau cho đỡ…nhớ và hi vọng múc được món hàng cũ có thể đánh về Việt Nam kiếm chút lời như máy khâu singer chẳng hạn. Chợ trời Targowa nằm bên kia sông Wisla lại hoạt động cả tuần. Ở chợ này người ta bán các loại hàng mới, hàng giả nhãn mác. Đây chính là đầu mối cung cấp hàng rởm đủ loại cho thị trường „xã hội chủ nghĩa phát triển” Liên Xô. Bây giờ nghĩ lại vừa buồn cười, vừa thương xót cho những người anh em Xô Viết. Các thứ hàng bày  bán ở đây gồm quần bò nhái, đồng hồ điện tử, ví nhựa lồng hình con gái, kính râm thời trang, thắt lưng giả da, đồ mỹ phẩm rẻ tiền...trông y trang đồ chơi trẻ con. Hàng hoá mua ở đây được đóng vào vali hành lý xếp lên tàu hoả liên vận quốc tế để chuyển về phương Đông. Những phi vụ buôn hàng theo người ngồi tàu chỉ như muối bỏ bể, như mưa phùn rải trên vùng đất khát sa mạc có tên gọi „Liên Xô vĩ đại”. Thời bấy giờ hộ chiếu công vụ và hộ chiếu đóng dấu AB của Việt Nam được phép đi lại dễ dàng giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Thế nên vào lúc đó có rất nhiều cán bộ đi công tác nước ngoài, đi chuyên gia ở Châu Phi, nhân viên sứ quán ở Đông Âu và Liên Xô tranh thủ quá cảnh sang Ba Lan để gia nhập „Đội du kích đường sắt” chuyên vận chuyển những thứ hàng nhái, hàng dỏm sang Liên Xô bán kiếm l ời.
Trước năm 1990, người Việt Nam tại Ba Lan tương đối thuần khiết với số lượng hạn chế. Hầu hết trong số họ đi du học dưới ba dạng là lưu học sinh, nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Lứa du học sinh Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Ba Lan vào niên học 1957/1958. Đến niên khoá 1972/1973 số lượng du học sinh Việt Nam tại Ba Lan đạt đến đỉnh cao với hơn 800 người. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc số lượng du học sinh đến Ba Lan giảm dần. Từ những năm thập kỉ 80, theo Hiệp định hỗ trợ đào tạo được kí kết, hàng năm Ba Lan cấp học bổng đào tạo cho khoảng 50 du học sinh Việt Nam, trong đó lưu học sinh 25 người, nghiên cứu sinh 15 người và thực tập sinh 10 người.
Cùng trong thời gian đó ngoại trừ ba nước xã hội chủ nghĩa thân Trung Quốc như Rumani, Nam Tư và Albani, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu và Liên Xô đều kí Hiệp định hợp tác lao động với Việt Nam. Trong số đó duy chỉ có Ba Lan và Hungari không nhận lao động người Việt Nam. Chính vì vậy người Việt Nam ở Ba Lan ít hơn rất nhiều lần so với các nước xung quanh như Liên Xô, Đức, Tiệp và Bungari. Thời đó người Việt Nam rất hiếm khi có cơ hội nhìn thấy nhau ở những nơi công cộng nhưng bù lại hầu như họ đều quen biết nhau. Ngoài số du học sinh chiếm phần lớn, số rất ít còn lại là những người trong đội học nghề nuôi ong tại Gdynia và đội học nghề bảo tồn di tích cổ tại Lublin. Mãi đến năm 1989, một công ty tư nhân của Ba Lan mới xin được giấy phép tuyển dụng 160 thợ may nữ từ Việt Nam sang làm việc tại Uniejow ngoại vi thành phố Lodz.
Số lượng người Việt Nam ở Ba Lan đã ít nhưng số người Việt Nam có giấy tờ hợp pháp do nhà nước Ba Lan cấp lại càng hiếm hoi hơn nữa. Chính vì vậy khái niệm Việt Kiều hay Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hầu như chưa được thừa nhận. Cư dân Việt Nam đầu tiên định cư ở Ba Lan từ năm 1956 là một bà tên M trước làm diễn viên Đoàn kịch nói Hải Phòng bạn cùng lứa với nữ nghệ sĩ Lê Mai (mẹ của Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy). Năm 1989 khi bà Lê Mai sang thăm bà M ở Warszawa, Nguyên có dịp được gặp hai bà. Bà M lúc đó đã ngoài 50 nhưng trông vẫn còn sắc nét lắm. Bà M lấy chồng là sĩ quan quân đội Ba Lan trong Uỷ ban quốc tế giám sát Hiệp định Giơ Ne Vơ. Năm 1969 một phụ nữ gốc Huế em họ của Nam Phương Hoàng hậu sống ở Sài Gòn tình cờ gặp một chàng trai là phóng viên người Ba Lan trong một hội nghị quốc tế. Câu chuyện tình yêu rất cảm động của họ do chính cô con gái sau này làm Tổng biên tập tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Elle tại Ba Lan kể lại trên tạp chí Elle mà Nguyên vô tình được đọc. Khoảng năm 1974 có một phụ nữ tên Đ lấy chồng là sĩ quan Ba Lan trong Uỷ ban quốc tế giám sát Hiệp định Pari. Còn một số phụ nữ Việt Nam khác như chị K ca sĩ đoàn nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh, chị H làm việc tại cửa hàng Intershop Tràng Tiền Hà Nội…cưới rồi theo chồng là những chuyên gia Ba Lan công tác tại Việt Nam về Ba Lan sinh sống.  
Trước năm 1980, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cũng như ở Liên Xô và các nước Đông Âu khác, du học sinh Việt Nam tại Ba Lan bị cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức đoàn thể quản lí, giám sát hết sức ngặt nghèo. Hộ chiếu của họ ngay khi đến Ba Lan đã bị thu giữ. Họ bị cấm triệt để chuyện yêu đương trai gái, không được tự do ra phố, đi xem phim ảnh và đến vũ trường...Nếu có việc cần thiết bên ngoài khu vực kí túc xá, trường học phải có cán bộ quản lý đi theo, hoặc phải có ít nhất ba người đi cùng để giám sát lẫn nhau. Thời gian đó Ba Lan được tiếng tự do nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa, tuy vậy chế độ qui định về việc quản lý du học sinh của nhà nước Việt Nam ở đâu cũng như nhau. Mặc dù phải chịu sự giám sát chặt chẽ như vậy, vẫn có một số du học sinh „vượt rào” trốn ở lại sau khi tốt nghiệp. Số người không về Việt Nam sau khi tốt nghiệp bị nhà nước và dư luận xã hội lúc đó dán cho cái nhãn đầy tủi nhục là „Lưu Vong”.
Trong khi cuộc sống của những cô con dâu người Việt Nam tương đối ổn định và yên bình, dựa trên đồng lương khá cao của các ông chồng sĩ quan hay chuyên gia thì cuộc sống của những chàng rể người Việt Nam ở Ba Lan lại rất cơ cực. Một mặt họ phải bươn chải làm đủ thứ nghề vất vả thu nhập thấp vừa để tồn tại, vừa nuôi vợ con; một mặt họ phải trốn tránh sự truy nã của sứ quán. Đầu những năm 70, người dân Warszawa lạ lẫm nhìn theo một thanh niên người châu Á nhỏ thó, tóc đen ngồi sau tấm kính chắn gió, lái tầu điện trên những nẻo đường ray của thành phố. Đó là anh V người trong lứa đầu tiên vượt rào lấy vợ Ba Lan. Anh T, anh H, anh Q…hàng ngày chui hầm lò đua sức với những người thợ bản xứ to cao lực lưỡng để cuốc than. Nhiều kĩ sư, cử nhân phải làm việc trên cánh đồng quê vợ như người nông dân thực thụ. Còn rất nhiều những mảnh đời tủi nhục khốn khó khác mà Nguyên được chứng kiến. Một lần Nguyên đang đứng trên sân ga, có một người châu Á mắt xếch tiến lại gần giọng đầy xúc động hỏi: - Thưa, Anh có phải người Việt Nam không ạ? Nguyên nói: - Phải, tôi là người Việt Nam. Lúc đó anh kia xin được cầm tay Nguyên lắc mạnh. Trên đôi gò má khắc khổ của anh, hai hàng lệ ứa ra từ hốc mắt chảy dài. Anh nói trong tiếng nghẹn ngào: - Tôi cũng là người Việt Nam đây, nhưng đã gần hai mươi năm tôi chưa được nghe dù chỉ một câu tiếng Việt. Tôi trốn ở lại lấy vợ Ba Lan, không có một thứ giấy tờ tùy thân do Việt Nam cấp, từ đó tôi sống hoàn toàn cách biệt với những người đồng hương. Tôi ở một vùng hẻo lánh quê vợ  làm nghề đẽo tượng thánh bằng gỗ, bán ở các chợ nhỏ nông thôn. Cơ cực lắm anh ạ!
Những người Việt nam ở lại lấy vợ Ba Lan thường là sinh viên. Nhiều người trong số họ bước vào cuộc sống hôn nhân từ khi còn rất trẻ. Việc họ phải lấy vợ sớm có nhiều lí do. Trước hết, họ nương tựa vào phía Ba Lan để hợp pháp hoá cho việc ở lại. Sau nữa, họ phải cưới vợ vì lỡ sa chân vào những mối tình chớp nhoáng với các cô gái tóc vàng.
Nguyên có hai thằng „đệ” sinh viên. Ngày còn ở Việt Nam chúng nó là niềm tự hào không những của dòng tộc mà của cả huyện, cả tỉnh. Hai thằng đều là „dân trường chuyên” có tiếng ở Việt Nam, chúng lần lượt giành các giải thưởng danh giá dễ như cởi truồng „bơi chó” qua cái ao trước cửa sân đình. Chúng tuy học rất giỏi nhưng đều tụt xuống từ lưng trâu. Đặt chân đến Ba Lan đúng vào lúc cơ thể rừng rực sức xuân của một con đực vừa mới hoàn thiện, lại chuyển đổi cơ chế từ „đói góp” sang „no dồn” thế nên chúng nó „đành lòng vậy, cầm lòng vậy” sao được mỗi khi nhìn thấy gái tây. Một lần Nguyên vừa nấu xong bữa tối chưa kịp ăn thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập.

Mở cửa ngó ra Nguyên thấy hai thằng em đang đứng cùng hai con tây trẻ măng. Nguyên xua tay ra chiều từ chối rồi sập ngay cửa lại. Một thằng đẩy mạnh cửa bước vào phòng, chắp tay lạy Nguyên như tế sao: - Anh ơi! Thương tụi em với, anh mà không cho vào thì tụi em biết „chiến” ở đâu. Nguyên vẫn lắc đầu: - Gái với chả mú, „chiến” ở đây để „đen” hết vía nhà tao à. Nguyên vẫn dứt khoát. Thằng kia nói: - Anh ơi! Em thề với anh rằng chúng nó là học sinh, không phải mấy con „dziwka” đâu. Nguyên vẫn không nhượng bộ: - Sao chúng mày không rước về kí túc xá? Thằng kia nói gần như khóc: - Về đấy rồi nhưng bà thường trực dứt khoát không cho vào. Thấy thằng đệ ruột một thời sinh tử cùng nhau van nài mãi, Nguyên cũng thương, nó tặc lưỡi: - Thôi chúng mày vào đi nhưng không được qua đêm đấy nhé. Chưa kịp ăn uống gì, Nguyên giao nhà lại cho bốn đứa rồi lang thang ra trung tâm mua vé vào rạp xem phim. Chừng nửa đêm nghĩ tụi kia chắc „chiến” đã xong, Nguyên trở về nhà. Lúc đập cửa nó thấy một thằng mặc mỗi cái chíp trên người thò đầu ra nhăn nhở: - Anh đi đâu chừng tiếng nữa quay lại được không? Mẹ kiếp! Tụi nó quần nhau bao nhiêu hiệp rồi không biết nữa. Nguyên phờ phạc vì lang thang mấy tiếng ngoài đường nhưng biết làm gì được, nó lại ra quán rượu gần đó ngồi gà gật thêm mấy ly. Độ tiếng rưỡi sau, Nguyên trở về nhà với thái độ rất dứt khoát, nó mệt quá rồi, không lẽ lại ngủ ngoài Ga với mấy thằng nghiện hút. Nhưng lần này chúng nó không đuổi Nguyên đi nữa, hai con kia cũng biến đâu mất dạng rồi. Nhà Nguyên lúc đó như một bãi chiến trường. Ga đệm nhàu nát, nhầy nhụa, loang lổ. Bát đĩa, xoong nồi, vỏ chai bia lỏng chỏng. Tủ lạnh sạch trơn không còn thứ gì ăn được. Nguyên vừa đói, vừa mệt, vừa buồn ngủ. Nó đổ vật xuống sàn nằm thở. Trong lúc hai thằng „đệ” dọn rửa, Nguyên hỏi: - Hai con kia bắt ở đâu ra. Tụi nó tranh nhau kể: - Có bắt gì đâu anh, hai con đó con nhà lành, mới lớn, thích đú đởn rượu, bia, thuốc lá chứ không cần tiền. Một thằng còn khoe: - Chúng đang là học sinh trung học chưa đầy mười sáu tuổi, anh ạ. Nguyên nghe xong lạnh gáy chửi: - Mẹ chúng mày, ngu thế! Chơi gì thì chơi, không để cửa mà sống, chưa đủ tuổi vị thành niên mà bọn mày dám ru vào đời, có ngày tù mọt gông. Một thằng nhăn nhở: - Chúng nó ru bọn em vào đời thì có, chính hai con nhỏ „bóc tem” bọn em chứ không phải ngược lại đâu nhá. Lâu không gặp lại, chừng hai năm sau Nguyên nghe tin hai thằng „đệ ruột” của „cái đêm hôm  đó, đêm gì?” đã bỏ học để kiếm tiền nuôi con. Thế là hai dòng họ lam lũ ở Việt Nam đã mất đi hai niềm tự hào mà hàng trăm năm nay họ mới loé lên niềm hi vọng được mở mặt với đời.
Tuy không nhiều nhưng số lượng du học sinh đào thoát ngày càng tăng lên, trong số họ có nhiều người lấy vợ, lấy chồng là người Ba Lan. Bắt đầu từ lứa đầu tiên khoảng năm 1970, hai mươi năm sau đã có hàng trăm du học sinh Việt Nam ở lại Ba Lan định cư. Số người Việt Nam „Lưu Vong” này dần dần nhận được giấy tờ hợp pháp từ phía Ba Lan. Vai trò của họ trong đời sống kinh tế, xã hội Ba Lan và Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Do nhu cầu hợp tác và hỗ trợ trong cuộc sống trở nên cấp thiết, tháng 4 năm 1986 những cựu du học sinh đã liên kết với nhau thành lập Hội Văn hoá và Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan. Đây là tổ chức có tư cách pháp nhân đầu tiên của những người Việt Nam mà trước đó ít lâu còn mang tiếng „Lưu Vong”. Sự kiện này đánh dấu một chương mới đầy ý nghĩa đối với những người Việt Nam ở lại Ba Lan hợp pháp, từ đây trên mọi phương diện của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội cái mác Việt Kiều mới chính thức được thừa nhận và đề cao.
                                                                                           Trần Quốc Quân.
                                                      Hết phần 3



Em ơi Ba Lan...(4): Thị trường trung chuyển

Thời kỳ trước năm 1995 hệ thống kinh tế ngầm của người Việt Nam tại Liên Xô gắn bó chặt chẽ với hệ thống kinh tế ngầm của người Việt Nam tại Ba Lan. Lúc đó topten „Soái” Liên Xô chưa thể so được với topten „Soái” Ba Lan cả về tiếng tăm lẫn mức độ giàu có.
Từ năm 1985 đến năm 1994 bất kể người Việt Nam nào ở Liên Xô có mối quan hệ họ hàng hay bạn bè thân thiết với những „người đương thời” ở Ba Lan là có „điều kiện cần” cơ bản để làm ăn qui mô lớn và làm giàu nhanh chóng. Phải nói một cách công bằng, người Việt Nam ở Ba Lan không hề giỏi hơn những người đồng hương của mình ở Liên Xô. Thực ra đã là dân nước Việt, tự nhận con rồng cháu tiên đều chui ra từ cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, thế nên tài năng lẫn tính cách của đám con cháu „đồng bào” ấy ở đâu cũng như nhau.
Không phải ngẫu nhiên Ba Lan bỗng dưng trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa cho Liên Xô trong thế giới ngầm của người Việt. Thứ nhất, vị trí của Ba Lan nằm ở Trung Âu trên đường nối thị trường Phương Tây với thị trường Liên Xô. Thứ hai, người Ba Lan rất giỏi buôn bán. Thứ ba, người Ba Lan có mạng lưới buôn bán toàn cầu. Theo số liệu thống kê chính thức, có 21 triệu người Ba Lan sống tại 126 nước trên thế giới so với 38,1 triệu người sống trên chính mảnh đất quê hương của họ. Nếu tính về tỉ lệ, người Ba Lan sống ngoài lãnh thổ của mình chỉ sau người Do Thái. Chính từ những lí do đủ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa ấy mà người Việt ở Ba Lan suốt một thời gian dài được làm cầu nối trung chuyển cho thị trường „nước lớn” Liên Xô.
Liên Xô thời đó tuy là cường quốc hàng đầu thế giới nhưng do nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung cao độ, không có tính cạnh tranh nên hàng hóa tiêu dùng đã thiếu thốn trầm trọng lại thấp kém về chất lượng, nghèo nàn về chủng loại, đơn điệu về mẫu mã. Hàng hóa xa xỉ, chất lượng cao tuyệt nhiên vắng bóng trên thị trường. Tuy nhiên nhu cầu về những thứ không được khuyến khích đó trong xã hội Xô Viết vẫn cứ phát sinh, thậm chí không hề ít. Rõ ràng có một nghịch lý trong nền kinh tế chỉ huy phi thị trường: càng cấm càng hiếm, càng hiếm càng đắt và tất nhiên càng đắt lãi suất càng cao. Tóm lại là „đục nước béo cò”.
Thời bấy giờ không ở đâu trên thế giới này việc kinh doanh buôn bán lại có thể tạo ra lợi nhuận cao như „con đường tơ lụa” Ba Lan – Liên Xô. Rất nhiều mặt hàng, rất nhiều vòng quay đạt tỉ suất lợi nhuận lên tới 100%, thậm chí 200%. Lý luận của Mác nhiều chỗ phải xem lại tính đúng đắn nhưng riêng cái đoạn Mác mô tả ý chí làm giàu của các nhà tư sản thì không sai chút nào. Mác viết „nếu tỉ suất lợi nhuận đạt đến 100% nhà tư sản như sôi lên sùng sục, nếu đạt đến 200% nhà tư sản không có việc gì không dám làm và khi đạt tới 300% nhà tư sản sẵn sàng treo cả cổ mình lên”. Nhận định này của Mác rất đúng với việc kinh doanh của người Việt Nam ở Ba Lan và Liên Xô trong thời kì đó. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu thử thách, bao nhiêu hiểm nguy vẫn không thể ngăn nổi ý chí kiếm tiền của họ trong thời „tích lũy nguyên thủy” này. Từ đây nhiều doanh nhân người Việt được đặt lên bệ phóng để cất cánh, để thành đạt, để ghi danh tên tuổi trong số những người giầu nhất ở Việt Nam hiện nay, như Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vincom), Đoàn Quốc Việt (Air Mekong), Nguyễn Cảnh Sơn (Euro Window, Me Linh Plaza), nhiều ông chủ ngân hàng TechcomBank, VIBBank, VPBank, OCBBank, GPBank...
Từ năm 1982 du học sinh Việt Nam tại Ba Lan bắt đầu cung cấp cho thị trường Liên Xô một số chủng loại hàng tiêu dùng. Những thứ hàng hoá này chủ yếu được vận chuyển theo con đường „tiểu ngạch” bằng tầu liên vận quốc tế. „Đánh nhỏ” với qui mô vài vali hay vài  thùng carton dưới dạng hành lý theo người có hộ chiếu phổ thông (thẻ xanh). „Đánh lớn” với qui mô hàng chục carton chất đầy cả khoang tàu nằm, coi như hành lý theo khách VIP có hộ chiếu ngoại giao được quyền miễn trừ kiểm soát hải quan (thẻ đỏ). Thời kỳ này những ai thiết lập được mạng lưới vận chuyển hàng hoá bằng hệ thống „thẻ đỏ” người đó có nhiều cơ hội trở thành „Soái”. Danh từ Soái không biết từ đâu ra nhưng ở giai đoạn khốn khó của chủ nghĩa xã hội trước khi sụp đổ có tính hệ thống, Soái là danh hiệu „cao quí” mà dư luận ngưỡng mộ phong tặng cho các doanh nghiệp người Việt Nam ở Đông Âu sở hữu số vốn từ 50 nghìn đô la trở lên. Bây giờ nghe số tiền này nhiều người cười thầm cho là nhỏ nhoi. Nhưng cách đây 25 năm số tiền đó là cả một gia tài lớn không những ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Âu và Liên Xô.
Trong số những hàng hoá cung cấp cho thị trường Liên Xô, mặt hàng chiến lược gọn nhẹ, giá trị cao, lợi nhuận lớn là đồng hồ điện tử hiện số, nhạc chuông. Đường đi của những chiếc đồng hồ điện tử có giá dưới 1USD/chiếc khởi đầu từ Hồng Kông trung tâm hàng giả lớn nhất thế giới, quá cảnh qua Cộng hoà Áo rồi sang Ba Lan, sang Tiệp, sang Hungari. Thời kì chủ nghĩa xã hội chưa sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô, mọi hành vi buôn bán với qui mô lớn không qua thương nghiệp Nhà nước đều bị coi là buôn lậu. Từ Ba Lan đồng hồ điện tử được các „thẻ đỏ” áp tải sang Liên Xô trên những chuyến tầu liên vận quốc tế. Số lượng lên đến hàng chục nghìn chiếc mỗi chuyến.

VIP „thẻ đỏ” vừa hiếm vừa chi phí cao nên chỉ được tận dụng để áp tải hàng độc như đồng hồ điện tử, vàng, đô la... Còn „thẻ xanh” giấu số lượng nhỏ trong hành lý mang theo người đủ loại từ hàng độc đến quần bò, kính, ví, thắt lưng, đồ mỹ phẩm… Hàng hoá từ Ba Lan chuyển sang Mockva lúc đó thường được đổ tại Dom 5 trên phố Dimitria Ulianova. Đây là toà nhà kí túc xá của nghiên cứu sinh và thực tập sinh nước ngoài thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Địa điểm thứ hai hay được nhắc đến sau Dom 5 là Thương vụ Việt Nam tại Liên Xô. Đó là toà nhà cao tầng nằm kín đáo trong một khu dân cư cách ga metro Belaruskaya chưa đến một kilomét.
Qui mô, chủng loại và tần suất những chuyến hàng đổ từ Ba Lan sang Liên Xô cứ tăng dần theo năm tháng, tăng dần theo tốc độ suy thoái của nền kinh tế Liên Xô. Lúc đầu là vài vali, vài thùng carton, tiếp đến là cả khoang nằm tầu hỏa, sau nữa là xe tải nhỏ và cuối cùng là xe tir, xe container. Thưở ban đầu chỉ có Dom 5, nhà Thương Vụ sau đó từ năm 1992 trở đi mọc thêm các Dom 5 (mới), Dôm 11, ob Thủy lợi, ob Saliut 1,2,3...
Liên Xô thời kì trước khi tan rã chịu ảnh hưởng nặng nề của lệnh cấm vận công nghệ cao từ các nước Phương Tây. Lúc đó tuy công nghiệp vũ khí và hàng không vũ trụ của Liên Xô chiếm thế thượng phong do được ưu tiên đầu tư, nhưng công nghệ thông tin lại vô cùng lạc hậu. Thời bấy giờ hệ máy tính hiện đại nhất của Liên Xô là cỗ máy tính Minsk 32 cồng kềnh như một nhà máy, tốc độ tính toán thấp. Hệ máy tính này sử dụng thiết bị nhập dữ liệu dựa vào máy đục lỗ trên bìa vừa dễ nhầm lẫn, vừa khó khắc phục lỗi lại vừa tốn nhân công. Đầu những năm 80 sự xuất hiện máy tính cá nhân sử dụng hệ điều hành MS-DOS sau đó là Windows của Microsof khiến cả thế giới lên cơn sốt. Giống như các nước công nghiệp phát triển khác, nhu cầu máy tính cá nhân ở Liên Xô rất lớn nhưng không thể nhập khẩu chính ngạch vì lệnh cấm vận. Nắm bắt nhu cầu thị trường hết sức nhạy bén, các nghiên cứu sinh Việt Nam tại Ba Lan đã triển khai một chiến dịch cung cấp cho Liên Xô những chiếc máy tính cá nhân hệ 286, 386 được lắp ráp tại Ba Lan bằng linh kiện nhập khẩu từ Đài Loan, Nam Triều Tiên, Singapore…
Mỗi chiếc máy tính cá nhân mua tại Ba Lan lúc đó với giá chừng 3000 USD mang sang Liên Xô bán được 5000 USD rồi qui đổi thành vàng để chuyển trở lại Ba Lan. Một chu kì máy tính – vàng – máy tính kéo dài khoảng 2 tuần đem lại lợi nhuận hơn 100% cho người bỏ vốn. Vòng xoáy đầy ma lực này đã lôi cuốn nhiều du học sinh Việt Nam từ cả hai đầu Ba Lan và Liên Xô, khiến cho họ sao nhãng việc học hành để dấn thân vào con đường buôn bán chuyên nghiệp. Máy tính vận chuyển theo lộ trình từ Tây sang Đông lúc đó dựa trên phương tiện duy nhất là tầu hoả. Mỗi „thẻ xanh” áp tải hai bộ máy tính hoàn chỉnh, mỗi „thẻ đỏ” áp tải 16 bộ. Nguồn cung cấp máy tính lúc bấy giờ lấy từ một số doanh nghiệp lắp ráp mới thành lập của người Ba Lan. Lúc đó ở Warszawa có hai thương hiệu máy tính quen thuộc với người Việt, một là Hector nằm trên phố Gwiadzista, hai là Complex nằm trên phố Polaczynska. Trong khi hầu hết mọi người xếp hàng để giành giật nhau từng cái máy tính hiệu Hector thì tay Q bạn Nguyên chỉ từ một mẩu thông tin quảng cáo trên báo lại ung dung độc chiếm máy tính hiệu Complex. Thời gian đầu lúc chưa tham gia vào đường dây „đánh” máy tính sang Liên Xô, Q cưa đứt đục suốt chuyên làm dịch vụ cung cấp máy tính cho nhiều „Soái” và đội quân „du kích đường sắt”. Mỗi máy tính chuyển thẳng từ xưởng lắp ráp đến Ga Tây, xếp lên tàu liên vận quốc tế đi Mockva, Q đút túi 150 USD. Thời gian sau Q nhanh nhạy huy động thêm tiền vốn từ mấy anh cán bộ thương vụ thân quen để „đánh” sang Liên Xô mỗi chuyến cả chục chiếc máy tính.
Rất tình cờ một lần đến nhà Q, Nguyên loá mắt nhìn đống nhẫn, hoa tai, dây chuyền, lắc tay bằng vàng 0,583 đổ đầy có ngọn trên chiếc bàn ăn. Nguyên ngỡ mình như đang trong cơn mơ hóa thân thành chàng Ali Baba lạc chân vào động vàng của bốn mươi tên cướp. Sau bữa đó Q rủ Nguyên ban ngày cùng nó đi lấy máy tính, xếp lên tầu; ban đêm về nhà, hai thằng cần mẫn ngồi cậy từng cái mặt đá quí, dồn thành vốc cho vào toilet giật nước. Đến bây giờ nghĩ lại Nguyên vẫn còn thẫn thờ tiếc, tại sao ngày đó nó không giữ lại những viên đá saphia, rubi rất quí đó. Vàng trang sức tinh xảo với những mặt đá long lanh đủ sắc màu bỗng dưng bị đập bẹp, biến thành những miếng vàng móp méo để bán theo gram cho các nhà „tài phiệt” Do Thái. Trong các loại vàng mà bạn hàng của Nguyên chuyển từ Liên Xô sang, Nguyên khoái nhất được nhận Huân chương Lê Nin. Đó là cả khối vàng nguyên chất được thị trường lúc đó định giá 380 USD/chiếc. Khi đã trở thành „con buôn”, Nguyên dần xa lánh chính trị nên đối với nó Huân chương Lê Nin chẳng có chút nào ý nghĩa về giá trị tinh thần (ở mặt phải) mà chỉ ánh lên trong mắt nó thứ màu vàng tinh khiết mang đầy giá trị vật chất (ở mặt trái). Có lần Nguyên tự đắc nói với Q: - Ở Việt Nam hình như chỉ có ba lãnh tụ sáng giá được tặng phần thưởng cao quí nhất này của nhà nước Liên Xô là Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp vậy mà tôi với ông chẳng ai biết đến lại được tặng thưởng tới hơn 50 lần. 
Máy tính từ Ba Lan chuyển sang được mang công khai, song việc vận chuyển vàng vốn là hàng quốc cấm theo chiều ngược lại từ Liên Xô lại hết sức khó khăn. Các VIP „thẻ đỏ” được huy động vào công việc đầy nguy hiểm này với số lượng vận chuyển lên đến hàng chục kilogram vàng mỗi chuyến. Một số „thẻ xanh” liều lĩnh cất dấu dưới muôn hình vạn dạng khác nhau nhưng mỗi lần khó vượt quá hai kilogram. Cuối năm 1989 một VIP „thẻ đỏ” người Việt từ Albani vận chuyển vali bên trong chứa 30 kg vàng không may bị phát hiện tại cửa khẩu Brest. Sau vụ này hải quan Liên Xô tăng cường kiểm soát gắt gao việc chuyển lậu vàng sang Ba Lan. Trong khi máy tính vẫn được chuyển đều đặn từ Ba Lan sang Liên Xô nhưng chiều thanh toán ngược lại bằng vàng bị gián đoạn một thời gian. Nguyên ngao ngán vì vàng ùn tắc, vốn cụt, vòng quay ngưng trệ…
Hàng ngày Nguyên thấp thỏm như ngồi trên đống lửa vì toàn bộ thành quả lao động của nó từ ngày sang Ba Lan đã biến thành vàng nằm trong tay đầu dây phía bên kia. Nguyên bàn với Q phải tự mình xuất chinh một chuyến sang Mockva nghiên cứu cách giải toả vàng. Nguyên bay sang bằng máy bay nhưng lại quay về bằng tầu hoả. Đây là một sai lầm khiến Nguyên suýt nữa phải trả giá đắt. Biết rằng việc chuyển vàng về Ba Lan hết sức nguy hiểm nhưng Nguyên vẫn muốn đi để tự mình tìm ra kẽ hở của hải quan Liên Xô. Tại Mockva Nguyên mua một chiếc xe đạp trẻ con và một lò sưởi điện, nó mở ra nhét đầy vàng vào bên trong rồi lắp lại như cũ. Q lại khác, nó mua hai cục giăm bông to, lấy ống tuýp cắm vào rút lõi thịt bên trong ra, nhét đầy vàng vào và đóng vỏ bọc ngoài như cũ rồi cho vào nồi luộc lại.

 Ba Lan - Liên Xô                 
Hai thằng mua vé ngồi hai toa tầu khác nhau. Khi đến cửa khẩu Brest sát biên giới Ba Lan một thằng hải quan Liên Xô kiểm tra vé và hộ chiếu của Nguyên, nó thắc mắc tại sao Nguyên sang bằng máy bay lại về bằng tầu hoả, rõ ràng có điều gì bất thường. Thằng ma mọi này kiểm tra Nguyên rất kĩ càng, nó lật giường, mở đinh vít thành toa tầu, nắn người, lột giầy, lộn bí tất…rồi cuối cùng nó nhìn xoáy vào cái xe đạp và cái lò sưởi của Nguyên với ánh mắt ngờ vực. Nguyên chột dạ nhưng cố giữ nét mặt bình thản. Thằng hải quan không chịu buông tha, nó bảo Nguyên bê cái lò sưởi còn nó vác cái xe đạp xuống tầu đến trạm hải quan đưa vào máy soi. „Cha mẹ ơi! Thế này thì chết con rồi, chuyến này chắc phải ngồi bóc lịch vài năm”. Nguyên vừa lẽo đẽo theo sau thằng kia vừa lẩm bẩm. Lúc Nguyên nhìn thấy cái máy soi hải quan thì một tay ra dáng sếp của phiên trực hất hàm hỏi thằng nhân viên: - Có chuyện gì đấy? Thằng hải quan trả lời: - Tao nghi thằng Việt Nam nó dấu vàng hay đô la trong hai cái vật bằng sắt này nên muốn kiểm tra trên máy soi. Nguyên nghĩ mười phần chắc chết đến chín. Nhưng lạy giời, đúng lúc đó y như có thánh nhân giơ bàn tay ra đỡ khiến nó không bị rơi xuống vực thẳm. Thằng sếp phẩy tay: - Thôi khỏi, tao vừa tắt máy rồi, bây giờ khởi động lại lâu lắm, chậm tàu của nó. Thằng nhân viên nghe vậy có vẻ hậm hực nhưng không dám cãi, nó lại cum cúp vác cái xe đạp cùng Nguyên quay trở lại tầu. Thế là thoát!
Về đến Ga Trung tâm Warszawa Nguyên hỏi Q có bị hải quan Liên Xô „trần” không, Q bảo: - Thằng hải quan bên tao cũng rất tích cực tìm kiếm, nhưng khi sờ đến túi đựng hai cục giăm bông để lẫn với cọng tỏi muối, nó bịt mũi không chịu nổi mùi hôi nên phẩy tay chạy mất. Sau chuyến khảo sát đường tầu hút chết, Nguyên bàn với Q: - Mình dù thoát nhưng là do may mắn, xác suất „chết” cực cao nên không thể bị động trông chờ may rủi. Thôi tôi với ông cứ kiên nhẫn chờ đợi, khi nào  khai thông chắc chắn rồi mới làm tiếp được. Tắc vẫn hoàn tắc.
Gần một tháng chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng, bỗng một hôm Nguyên nhận được điện thoại của thằng bạn bán máy tính đầu bên Liên Xô thông báo đã có cửa sáng - vàng có thể chuyển được về…Việt Nam. Nguyên và Q chụm đầu bàn bạc, trong lúc cửa sang Ba Lan vẫn đang bị khép chặt thì cửa về Việt Nam có thể tạo bất ngờ lớn. Thêm nữa vào thời điểm đó lạm phát đang hoành hành dữ dội tại Việt Nam nên vàng vừa dễ bán lại được giá. Nguyên và Q đồng ý với thằng bạn đầu Liên Xô chuyển toàn bộ số vàng đang bị kẹt tại Mockva về Hà Nội do VIP thực hiện qua đường hàng không. Thật bất ngờ số vàng sau khi bán tại Việt Nam được qui đổi thành tiền, sau đó biến thành áo kimono, khăn kim tuyến, áo soa thêu, áo gió…rồi   „đánh” ngược sang Ba Lan theo đường cargo hàng không đã giúp Nguyên vừa thoát vốn vừa đạt lợi nhuận cao. Sau sự kiện này Nguyên quyết định kết thúc chiến dịch „đánh” máy tính sang Liên Xô để chuyển hướng làm ăn với thị trường may mặc Việt Nam. Chiến trường buôn máy tính, máy fax từ Ba Lan sang Liên Xô mặc dù không còn bóng dáng Nguyên nữa nhưng vẫn còn được kéo dài đến tận cuối năm 1991.
Từ đây trong mỗi chuyến về thăm Việt Nam với bao lời hứa hẹn có cánh về những dự án đầu tư tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, Nguyên bỗng dưng lột xác để trở thành „Việt Kiều yêu nước”. Nguyên được đón tiếp nồng nhiệt, Nguyên được trọng vọng mỗi khi đặt chân đến các nhà máy quốc doanh, các công ty xuất nhập khẩu nhà nước, thậm chí trụ sở Ủy ban nhân dân các địa phương, các Bộ, các ngành...Mới có hai năm từ một công chức nghèo không mua nổi một chiếc xe máy để đi làm bây giờ Nguyên đã vinh dự được „đóng vai” một ông chủ „Việt Kiều” xe đưa, xe đón. Oách thật! Nguyên không bao giờ có thể nghĩ được chính sự khốn khó của chủ nghĩa xã hội thế giới lại là viên gạch lót đường đưa đời nó lên hương.
                                                                                                                       Trần Tiểu Bình (sưu tầm)
                                                                         


3 nhận xét:

  1. Chuyện kể này chân thực đến đâu ở Ba lan thì mình không biết.Ỏ Tiệp thì cũng rất nhiều điều bọn mình cũng có thể kể về những năm tháng mà bọn mình sống ở Tiệp với danh nghĩa "thực tập sinh" phải không Trần Tiểu Bình? Hay hôm nào tớ viết lại những năm tháng đó rồi cậu sửa nhé.Bắt đầu từ Nam định chăng.Những tư liệu thật đó cũng rất hay đấy.Mình đang nghĩ rỗi rãi ghi lại xem sao.Chắc cũng đặc biệt đấy.Chỉ khác là mình không thành "Soái"ở Tiệp vì cái số hoặc là không có gan?

    Trả lờiXóa
  2. Hôm nào bọn mình viết về kỉ niệm những năm tháng 'Thực tập sinh"ở Czech đọc chơi hả? Tiểu Bình,Đạo còi,Hải Trường,Chính đen...có còn nhớ không?Nếu viết được hết cũng đáng đọc đấy chứ?Chỉ có điều chúng ta không có ai thành "soái" qua những tháng năm đó.Nhưng kỉ niệm những năm tháng mưu sinh nơi đất người cũng không giống ai đúng không Tiểu Bình?

    Trả lờiXóa
  3. Tiểu Bình chỉ xin trích dẫn một câu cửa Gớt: Mọi lý thuyết đều là màu xám chỉ có thực tiễn mới là cây đời mãi mãi xanh tươi.Vì câu này mà có bạn k10 cơ điện đã thi trượt môn triết học Mác Lê Nin đấy.Nếu không có những tháng năm dầm mình trong tuyết -20 độ C sẽ không thể hiểu được thế nào là mưu sinh sứ người.Chắc Long và các bạn từng sống ở Tiệp sẽ không thể nào quên những kỷ niệm xưa,những kỷ niệm ngọt ngào và đắng cay.

    Trả lờiXóa