Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Quy luật tình yêu

    Ba hành khách cùng đi trên một chuyến tàu tới ga Tình yêu, một người tên là Sòng phẳng, người kia là Ích kỷ và người còn lại là Vị tha. Cả ba đều mang theo mình hai gói đồ: Nhận và Cho, nhưng độ nặng nhẹ khác nhau:
Sòng phẳng: Cho = Nhận
Ích kỷ: Cho < Nhận
Vị tha: Cho > Nhận
Trong lúc rỗi rãi ba người tán gẫu về hành lý của mình. Sòng phẳng lên tiếng:
- Tôi thấy hành lý của các anh lệch lạc, thật khó mang theo. Còn tôi luôn cân đối Cho và Nhận nên mang đi dễ dàng.
- Anh làm thế nào cho cân được? Ích kỷ hỏi.
- Thì tôi phải tính chớ. Tôi chỉ cho đi khi tôi chắc có thể nhận về một lượng tương đương. Cho không hay nhận không của ai cái gì, tôi đều không thích. Tính tôi là vậy, không muốn mắc nợ hay mang ơn.
Ích kỷ:
- Anh nói nghe như thể đi mua hàng vậy: Tiền nhiều mua được nhiều, tiền ít mua được ít, không tiền không mua. Nhưng tình cảm đâu thể đong đếm theo cách đó.
Sòng phẳng cười phá lên, rung cả hai vai. Ích kỷ ngạc nhiên:
- Tôi nói vậy không đúng à?
- Quá đúng là khác. Tôi chỉ buồn cười là trông 2 gói hành lý của anh bên Cho thì nhẹ bên
Nhận thì nặng, vậy mà anh cũng nói được câu đó.
Ích kỷ nhìn lại 2 gói đồ của mình, gật đầu. Sòng phẳng thoáng bâng khuâng:
- Không phải lúc nào tôi cũng sòng phẳng cả đâu. Có những người cho tôi nhiều mà tôi không cho lại được là mấy. Ví như tình yêu cha mẹ cho tôi gần như vô hạn, chẳng kể tôi có đáp lại hay không. Vậy là tôi Nhận nhiều hơn Cho. Với con cái thì tôi Cho chúng nhiều hơn Nhận về. Cũng nhờ có sự bù trừ như vậy mà 2 gánh hành lý của tôi thường cân nhau.
Ích kỷ tán thành:
- Tôi thấy kiểu hành lý của anh giờ đang thịnh hành. Nhiều người thích sòng phẳng cả trong tình yêu theo kiểu: “Ông rút chân giò, bà thò chai rượu”.
Sòng phẳng trầm ngâm:
- Đôi khi tôi cũng không thích sống thế này đâu. Luôn phải tính toán nhiều - ít, luôn phải dừng gánh để sẻ từ bên này sang bên kia. Tôi thấy mệt mỏi và nhiều lúc trống rỗng, vô cảm.
Ích kỷ:
- Tôi cũng giống anh, luôn phải so đo tính toán. Nhưng tôi phải tính sao cho Nhận về mình nhiều hơn. Tôi chỉ thích nghĩ cho mình thôi mà.
- Nhận nhiều như thế anh có hài lòng không? Sòng phẳng hỏi.
- Chả mấy khi tôi vừa lòng. Tôi luôn canh cánh trong lòng: Mình có bị mất mát gì không? Cho như thế có nhiều quá không?
- Anh có người yêu không?
- Có chứ. Tôi rất yêu người yêu tôi là đằng khác. Nhưng tôi luôn lo sợ. Tôi sợ mình cho nhiều quá lỡ tình yêu bỏ tôi đi thì tôi chẳng được gì. Tôi không muốn nhận về tay trắng. Đó là nỗi ám ảnh của tôi.
Tàu qua cầu vượt sông Âu Io. Tiếng xình xịch của đầu máy át lời tâm sự của Ích kỷ. Qua khỏi cầu, tiếng ồn dịu lại, Ích kỷ và Sòng phẳng lúc này mới nhớ tới người bạn đồng hành thứ ba. Vị tha nãy giờ vẫn yên lặng lắng nghe. Khi thấy hai bạn hướng mắt về mình mới khẽ khàng cất lời:
- Hai anh đều có lý lẽ của mình. Lập luận của anh Sòng phẳng thuần túy là của bộ óc, không có mấy liên hệ đến trái tim. Chính vì vậy anh luôn thấy căng thẳng, mỏi mệt và đôi khi trống rỗng. Còn anh Ích kỷ yêu ghét rõ ràng, nhưng tình yêu của anh là “vì mình, cho mình”. Bởi yêu mình quá mà anh thường trực lo sợ. Tôi nói vậy có phải không hai anh?
Ích kỷ và Sòng phẳng đang mải nghĩ ngợi nên không trả lời. Vị tha nói thêm:
- Anh Sòng phẳng nói đúng: Hành lý của tôi không cân - Cho nhiều hơn Nhận. Ấy là vì tình cảm xuất phát tự đáy lòng thì rất chân thành và giản dị. Nó thấy rằng Cho là lẽ tự nhiên, không gì vui bằng làm cho người mình thương yêu được hạnh phúc. Niềm vui khi dâng tặng làm vơi gánh nặng của tôi, cho tôi sự thanh thản, đủ đầy.
- Đủ đầy? Sòng phẳng và Ích kỷ cũng thốt lên. Cho là mất chứ, cho nhiều thì phải còn ít đi mới phải.
Vị tha mỉm cười:
- Đấy là về mặt vật chất, là quy luật trong Toán học thôi. Quy luật của tình yêu thì khác.
Lát nữa đến nơi, tôi sẽ chỉ cho các anh.
Ích kỷ và Sòng phẳng nhìn gánh hành lý của Vị tha, lại nhìn hành lý của mình, lòng chưa hết băn khoăn. Cũng vừa lúc tàu đến ga Tình yêu. Tàu chạy chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn.
Ngước nhìn vào sân ga, Sòng phẳng và Ích kỷ đều trông thấy dòng chữ có nội dung Vị tha vừa nhắc đến. Hai người rất đỗi ngạc nhiên vì họ đi trên chuyến tàu nhiều lần, đến ga Tình yêu đã nhiều mà chưa bao giờ thấy hàng chữ đó. Thực ra quy luật của Tình yêu luôn có ở đó, nhưng chỉ những ai có trái tim nhạy cảm mới thấy và thấu hiểu.
Bạn thân mến, tôi sẽ không nói hàng chữ trên sân ga Tình yêu nói gì vì tôi chắc bạn cũng đoán ra được. Để kết thúc câu chuyện, tôi chỉ xin tiết lộ về những người sẽ đón 3 hành khách của chúng ta cùng hành lý Cho và Nhận của mỗi người: Đón Sòng phẳng là Khô khan, Ích kỷ sánh đôi cùng Bất an và người đón đợi Vị tha chính là Hạnh phúc.
                                                                                                                                               (Sưu tầm)

4 nhận xét:

  1. Nhận xét của VLC lại mất tiêu rồi

    Trả lờiXóa
  2. 1; Bài viết tuyệt vời, cái cho và nhận của cả Sòng phẳng và Vị tha trong tình yêu với Cha mẹ Con cái và tình yêu nam nữ đều đáng trân trọng, đáng học tập.
    2; Nhưng xin các bác lưu ý (dù đã là U60 cả rồi), lòng vị tha, cho và nhận cần đúng nơi, đúng chỗ, đúng người..., với Cha mẹ Con cái Vợ Chồng thì đúng là cần bao la, không giới hạn, không tính toán so kè thiệt hơn
    Nhưng với các bác chúng ta (lưu ý U60 rồi), mà còn bao la trong tình yêu nam nữ thì phải cẩn thận với ấy cô đào mỏ, chắc chắn sẽ "tiêu đời" với bà xã ở nhà...
    Với xã hội thời nay, ra ngoài đường mà vị tha với người dưng dễ bị "tiền mất tật mang". Không ít người qua đường "thấy cảnh bất bình nhẩy vô" mà rơi vào "bẫy đểu" của lũ mất nhân tâm là sập bẫy, mang vạ vào thân
    3; VLC nói vậy, thì theo các bác VLC thuộc hạng người nào trong ba người trên

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi quy luật tình yêu chỉ là tương đối ,đối với cha mẹ không thể có đầy đủ ba vị đại diện trên .vì đã là cha mẹ ít khai có sự so kè là mình cho con ,cho vợ ( chồng ) lại tính toán ,ta cho như thế liệu có nhận được nhiều hơn không hay lại bị thiệt .trong quy luật này theo tôi nó phụ thuộc vào số phận của từng người ,vì có người cho rất ít nhưng lại nhận được rất nhiều ,có người cho rất nhiều lại nhận được rất ít .v.v . Cho nên ta cứ vô tư đi đừng có so đo ,tính toán quá mà nhiều khi ảnh hưởng đến sức khỏe thì lại thiệt thân .vì vậy theo tôi bây giờ chúng ta đã sấp xỉ trên dưới U60 như VLC nói chung ta hãy cẩn thận ,và thực hiện theo tiêu chí 5 VLC đó là : 1. Đến cơ quan Việc là chính . 2. Vào quán Vui là chính .3. Về nhà Vợ là chính 4.Khi về nhà vợ( chồng) nói nhiều thì Vờ là chính .5.Khi về nhà vợ( chồng) nói dai cáu bẳn thì ta phải Vờ Liều Cao ( có nghĩa là ta đong cửa Sầm một cái rồi ra đường .thưa các bạn bát đũa cũng có lúc xô vì vậy có lúc chúng ta phải kìm nén ,cốt cho mặt luôn luôn phẳng lặng .đừng so đo ta làm hư thế có hư vợ( chồng ) ta không thì hỏng đấy .Đó là quy luật tình yêu .Vì có mộtcaau nói đại ý như sau : yêu thì nhiều lấy chẳng được bao nhiêu .

    Trả lờiXóa
  4. Theo công thức =, <, >, thì ba anh chàng này có hình dạng sau:
    Sòng phẳng: Thường có hình dáng cân đối, người vừa (đầu vào và đầu ra đều nhau);
    Ích kỷ: Có hình dáng béo mập (đầu vào nhiều đầu ra ít);
    Vị Tha: Hình dáng cao gầy (đầu ra nhiều quá).
    Về hình dáng thì bác VLC có thể gần giống 1 trong 3 chàng trên. Nhưng VLC lại ngắm U50 không dám nghĩ về U18 vì sợ văng mất kính thì phải thêm người thứ 4 nữa bác mới giống được!
    Bác Rể K10 nói đúng, các cụ thường nói 9 bỏ làm 10, nhưng theo tôi 5,6 cho làm 10 là tốt lắm rồi, có trường hợp lỡ rồi thì 3, 4 cũng phải lấy tròn là 10 đấy bác ạ. Thực hiện 5 VLC của bác là hay đấy, các bác nện ghi chép vào sổ tay mở xem hàng ngày.

    Trả lờiXóa