Em ơi Ba Lan...(phần 6): Những cô thợ may bé nhỏ làm nên một cuộc „cách mạng” lớn lao
Ngay từ thời chính thể cộng sản, mặc dù quan hệ hữu nghị tốt với Việt Năm 1989 một công ty may mặc của Ba Lan tại Uniejow (gần thành phố Lodz) xin được giấy phép tuyển một trăm sáu mươi nữ công nhân may Việt Nam sang làm việc. Các cô thợ may này đến từ Hà Nội và các vùng ngoại thành. Có thể nói đây là đội công nhân Việt Nam duy nhất làm việc tại Ba Lan trong lịch sử quan hệ hai nước. Mặc dù rất thận trọng trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, nhưng phía Ba Lan không thể ngờ được rằng chỉ một „sai lầm nhỏ” họ đã phải „trả giá đắt” cho quyết định tiếp nhận đội lao động gồm toàn các cô gái Việt Nam yếu đuối này. Một trăm sáu mươi cô thợ may bé nhỏ trong một thời gian ngắn đã làm xáo động xã hội Ba Lan, làm thay đổi cuộc sống bình lặng của du học sinh Việt Nam và quan trọng nhất, họ đã thúc đẩy nhanh quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Những năm cuối thập kỉ 80 là thời kì khó khăn nhất của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Cả xã hội kiệt quệ - sản xuất đình đốn, bãi công triền miên và lạm phát phi mã. Ba Lan như đang âm ỉ trước một vụ phun trào núi lửa. Đúng lúc đó những cô gái thơ may Việt Nam sang Ba Lan làm việc. Họ mang theo ước vọng về một chuyến đi Tây có thể giúp gia đình tại Việt Nam thoát cảnh đói nghèo. Viễn cảnh tươi đẹp đó sụp đổ nhanh chóng trước thực trạng kinh tế, xã hội mà họ được chứng kiến ngay khi mới đặt chân đến Ba Lan.
Những ngày đầu tiên, một trăm sáu mươi cô thợ may bị „nhốt” vào khu nhà hai tầng nằm sâu trong một khu rừng. Hàng ngày, rất đúng giờ, sáng xe đưa đến chỗ làm việc, chiều đón về. Lịch trình đều đặn đến nhàm chán. Cuộc sống đơn điệu của những cô thợ may như bị khép kín trong một „thế giới đàn bà”. Họ hầu như không được tiếp xúc với bên ngoài. Ngày qua ngày họ chỉ biết sống và làm việc tẻ nhạt như những con ong thợ cần mẫn. Mới có mấy tháng „âm thịnh, dương... không” ,mấy „cô” bỗng dưng biến thành „cậu”. Tình trạng này tiếp tục kéo dài lâu hơn nữa, có khi cả trại biến thành „thế giới les”.
Giới chủ hoặc không có kiến thức về tâm sinh lí phụ nữ, hoặc không đếm xỉa đến điều đó vì lợi nhuận. Sau gần nửa năm tù túng, chị em bắt đầu nhen nhúm „phản kháng”. Họ thể hiện sự bức bối nữ quyền bằng cách đòi giới chủ cho phép được ra ngoài „giao lưu” vào dịp nghỉ cuối tuần.
Cuộc đấu tranh nổ ra quyết liệt dưới nhiều hình thức như bãi công, lãn công, cáo ốm…Đội ngũ phân hoá. Trong đoàn may chỉ có hai lãnh đạo là đàn ông - một đội trưởng và một phiên dịch. Bộ phận trung kiên ủng hộ anh đội trưởng, bộ phận thoả hiệp ngả theo người phiên dịch. Cuối cùng giới chủ nhượng bộ cho phép chị em được tự do sử dụng ngày nghỉ. Cái giá phải trả không hề đắt, duy nhất anh đội trưởng, người lãnh đạo cuộc chống đối buộc phải về nước trước thời hạn.
Thời gian weekend đủ cơ hội cho chị em được tiếp xúc với đám du học sinh đang mắc „hội chứng lò so nén” về cái sự khao khát đàn bà. Nhà nước Việt Nam từ lâu vốn ác cảm với lối sống phóng túng của xã hội Ba Lan nên chủ trương hạn chế gửi nữ sinh viên du học tại đây. Lại thêm việc quản lí khắt khe, cấm sinh viên quan hệ với gái bản xứ. Âm dương không hài hòa, giới tính mất cân bằng nghiêm trọng. Thế nên ngay từ lúc nghe tin có đoàn nữ công nhân may sẽ sang Ba Lan làm việc, đám đàn ông háo hức đếm từng ngày.
Trong số du học sinh, một số dũng cảm vượt rào lấy vợ người Ba Lan, nhưng số đông còn lại chỉ muốn „tắm ao ta”. Họ thực sự mong mỏi tìm được vợ trong số những cô gái thợ may người Hà Nội. Sau thời gian tính bằng năm, hàng chục gia đình „thuần Việt” được xây dựng từ các mối tình „du học sinh – thợ may”. Thành công nhất trong việc chinh phục trái tim các người đẹp „nội địa” phải kể đến những chàng trai học viên trường Sĩ quan Hải quân Gdynia . Sau hơn hai mươi năm, tất cả các gia đình „du học sinh - thợ may” đến nay vẫn ấm nồng hạnh phúc. Chưa có cuộc hôn nhân nào của họ bị tan vỡ, một tỉ lệ hiếm có trong thế giới hiện đại.
Len lỏi bên cạnh các cuộc tình đẹp, vẫn không tránh khỏi ít nhiều có các mối quan hệ thực dụng không nhân danh tình yêu. Một bên là chàng nghiên cứu sinh xa vợ lâu ngày muốn có chốn trút nỗi đơn côi, một bên là nàng thợ may muốn tìm điểm tựa vật chất. Đến khi các bà vợ được đón sang, những chàng nghiên cứu sinh vừa trải qua „một thoáng phiêu lưu” lại trật tự trở về chốn xưa.
Từ khi được sổ lồng, những con chim cái rời tổ, sải cánh bay đi muôn phương kết bầy. Đám nữ công nhân may tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần ngược xuôi thiết lập các mối quan hệ với du học sinh. Như một cuộc di dân, địa chỉ đầu tiên các cô gái nhắm đến là trường dạy tiếng tại thành phố Lodz , cách nơi ở của họ không xa. Qua sự giới thiệu của bạn bè, nhiều người còn tìm đường lên Warszawa, rồi họ nhanh chóng toả ra nhiều thành phố lớn khác. Theo chiều ngược lại, các chàng trai Việt từ khắp Ba Lan quan tâm đến các cô gái thợ may cũng đổ về „khu trại” ở Uniejow. Vào dịp weekend, thị trấn này nhộn nhịp người ra, người vào. Khu rừng trước đây hoang vắng bỗng vui như trảy hội. Liền anh, liền chị dập dìu trao duyên.
Một số cô gái thợ may nhanh nhạy tìm cách khai thác nguồn hàng từ người mới quen. Các cô gái trẻ „không nơi nương tựa” mỗi khi ra khỏi nơi cư trú không có tiền để tá túc nhà trọ chứ đừng nói tới vào khách sạn. Thế là đương nhiên địa chỉ qua đêm mỗi khi lỡ độ đường của họ là kí túc xá sinh viên hay nhà nghiên cứu sinh.
Nguyên có thằng bạn nghiên cứu sinh, nhà nó toạ lạc đúng điểm trung tâm Warszawa, cách ga Dworzec Centralny hơn 200 mét. Đây là nơi rất tiện lợi cho các nàng thợ may ghé qua lấy hàng, hay gửi đồ trước khi ra tầu. Một lần Nguyên khuyên đểu thằng bạn: - Mày tranh thủ lúc vợ chưa sang, mở dịch vụ nhà trọ, lợi cả đôi đường, vừa tiền, vừa tình, mất gì! Thằng kia cũng thuộc loại nhát chết như Nguyên. Nó cười hề hề: - Tao hay nghĩ xa, được chẳng thấy đâu, có khi trắng tay. Mày chưa biết mụ vợ tao đâu, léng phéng mụ ấy xẻo liền, vứt cho vịt nuốt chửng.
Thời gian đó Nguyên và thằng bạn chung tay đánh rất nhiều hàng Việt Nam . Cả hai đều muốn xây dựng hệ thống tiêu thụ hàng. Đối tượng chúng nó nhắm đến trước tiên đương nhiên là các cô thợ may, sau mới đến đám Việt Kiều. Thế nên mặc nhiên nhà thằng bạn Nguyên trở thành trạm giao liên, vừa là nơi dừng chân cho các nàng, vừa là đầu mối bán hàng. Thằng kia rất hám gái nhưng lại sợ mụ vợ la sát sắp sang. Nó biết điểm yếu của mình, hễ bị nhốt chung chuồng với đàn bà là không giữ nổi mình. Nó tìm cách ngăn ngừa từ xa theo lối „phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trước khi trời tối, thằng bạn Nguyên thường viện cớ có việc phải đi, để lùa các em ra khỏi nhà. Mà nó đi thật, nó sang nhà Nguyên, vừa để lánh nạn, vừa kiếm bữa rượu, lại không phải nấu, tiện đủ mọi đường. Nhưng dù kĩ mấy, đôi lần thằng bạn Nguyên vẫn không thoát. Ấy là vào những dịp Nguyên vắng nhà, không cứu giúp được gì cho nó.
Mỗi khi như thế, thật là thảm hoạ cho thằng kia. Nhà nó có mỗi một phòng với cái giường đôi. Không lẽ lại nằm chung. Nỗi khổ này không chỉ dành riêng cho thằng bạn Nguyên mà cho cả con kia nữa, cho cả hai đứa „tuy rằng khác giống nhưng chung một...chuồng”. Thằng kia tỏ vẻ đàn anh, nhường giường cho gái. Nó trải đệm ngủ dưới đất. Mà ngủ thế quái nào được, nói chính xác phải là nằm qua đêm. Ai đã từng nếm trải hoàn cảnh trớ trêu này mới hiểu được nỗi khổ của hai con người, một đực, một cái, ngửi thấy mùi da thịt của nhau, nghe hơi thở của nhau mà không được làm gì. Thật tội nghiệp cho hai cơ thể đang độ khát dục, phải gồng mình vật vã suốt đêm. Thằng kia giả bộ nằm yên đó, nhưng nó vẫn căng người, dõi theo tấm thân cô gái trong lần váy mỏng, đang vặn mình, quắp chặt tấm chăn len còn đượm nồng hơi ấm của nó. Có lẽ trong cái đêm dài như vô tận đó, cả hai đứa thao thức trong cơn tê dại, chực vồ lấy nhau. Cuối cùng thằng bạn Nguyên vẫn hèn như bản tính cố hữu của nó. Không biết cô thợ may trẻ có nghĩ về thằng kia như một gã đàn ông ngu ngốc đầy tội lỗi đối với phụ nữ không?
Sau cái đêm khốn nạn ấy, có đôi lần thằng bạn kia phải gọi Nguyên sang ngủ cùng. Vừa để giúp nó không bị lỡ bước sa chân, vừa giữ trọn tình thâm với vợ. Mỗi lần như thế, không riêng gì hai đứa kia mà lại thêm một kẻ khốn khổ thứ ba nữa là Nguyên. Hai thằng đực nằm dưới sàn trở mình suốt đêm. Mỗi khi nước bọt ứ đầy miệng, chúng phải cố làm ra tiếng động, để dấu nhau những tiếng ực ực phát ra từ nơi cổ họng. Đàn ông thằng nào chả thế, cứ gì thằng kia với Nguyên.
Rõ khổ cho thằng bạn Nguyên, giữ gìn phẩm hạnh đến vậy, thế mà sau khi đón vợ sang, chưa được ba năm con vợ nó đã tếch theo thằng phi công trẻ. Tội nghiệp! Thằng bạn Nguyên vừa mất vợ, vừa mất tiền con vợ nó cuỗm theo giai. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện xảy ra trong „cái đêm hôm ấy, đêm gì” thằng bạn Nguyên vẫn chép miệng ra chiều nuối tiếc.
Từ năm 1989 chính sách của nhà nước Việt Nam đối với người ra nước ngoài thăm thân nhân đã thoáng hơn trước rất nhiều. Thời gian này Ba Lan vẫn còn dễ dãi trong việc cấp thị thực lưu trú cho người Việt Nam . Chính từ những lẽ đó, trong ba năm 1989-1991 làn sóng vợ chồng, bố mẹ của du học sinh sang Ba Lan dội lên ồ ạt. Rất nhiều người trong số đó đã ở lại, không về nước sau khi hết hạn visa. Người nhà du học sinh hầu như đều xuất thân từ trí thức, họ là cán bộ làm việc tại các cơ quan danh giá trong nước.
Thời đó trong quan niệm xã hội, buôn bán là một việc làm đáng xấu hổ. Không một ai trong số du học sinh và người nhà của họ đủ can đảm phơi mặt bán hàng trên phố. Họ chỉ làm công việc nhập hàng hóa từ trong nước sang và phân phối ngầm trong nội bộ người Việt. Chính đức tính sĩ diện mang tính „đằng cấp trên” của họ khiến cho vai trò của các cô gái thợ may càng được khẳng định và toả sáng.
Trong giai đoạn bản lề chuyển sang kinh tế thị trường tại Ba Lan, trước khi các cô gái thợ may đồng loạt tiến hành cuộc „cách mạng đường phố”, hàng từ Việt Nam chuyển sang chủ yếu được tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng lưu niệm „Phương Đông”. Phương châm bán hàng của các anh Việt Kiều nhiều chữ là thu lợi nhuận cao trên doanh số thấp. Hàng hóa trong các cửa hàng của họ được bày bán với giá cao ngất, thường gấp ba bốn lần giá bán buôn. Chính vì vậy số lượng hàng hóa tiêu thụ được trên thị trường bán lẻ rất ít. Nhưng kể từ khi các cô gái thợ may đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trên thị trường bán lẻ, tình hình phân phối hàng hóa đã thay đổi căn bản. Doanh số bán hàng tăng lên gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần so với trước.
Thủa ban đầu, các cô gái Hà Nội yếu ớt chưa coi bán hàng là nghiệp, họ vẫn còn rụt rè e ngại, họ chỉ muốn thoát nghèo từ việc tần tảo kiếm tiền phụ thêm đồng lương còm cõi những lúc „công nhàn”. Nhưng sau một thời gian ngắn, họ bất chợt nhận ra rằng, họ đang bơi trong một „biển vàng” thời buổi đục nước béo cò. Thực ra người dân Ba Lan cũng như các nước Đông Âu khác và Liên Xô vẫn còn nghèo khi mới bước ra khỏi nền kinh tế quan liêu bao cấp. Nhưng trải qua thời gian dài khủng hoảng, hàng hoá rất thiếu thốn và khan hiếm, nên bất kể thứ hàng gì lạ mắt, hợp thị hiếu, dù chất lượng không cao, đều bán được với giá rất hời.
Thời gian này trên đất nước Ba Lan, hầu như ở đâu, từ thành thị đến nông thôn đều diễn ra khung cảnh hết sức lạ mắt: người dân bản xứ vây quanh các cô gái nhỏ nhắn, mắt xếch để mua hàng như tranh cướp. Trong vòng vây của các bà, các chị to lớn gấp đôi, gấp ba, các cô gái Việt Nam vừa bán hàng, vừa lo đảo mắt canh chừng mất cắp. Nhiều khi họ phải yêu cầu người mua xếp hàng trật tự y chang thời mậu dịch phân phối hàng hóa. Mỗi buổi sáng họ kéo đi một xe kéo với hàng chục chiếc áo phông, áo vải, váy thêu… xuất xứ Việt Nam , cùng hàng chục tá bút bi, bật lửa… Trung Quốc, đến chiều về, chỉ còn lại chiếc túi rỗng không. Hàng gì cũng bán được, thậm chí hàng lỗi, hàng hỏng. Chỉ cần giảm giá chút ít người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua. Mỗi ngày bán hàng, sau khi trừ tiền vốn, người bán hàng thu lời từ 150 đến 450 USD tuỳ địa điểm, tuỳ mặt hàng và tất nhiên tuỳ cả duyên người bán.
Với thu nhập một ngày bán lẻ tại Ba Lan nhiều hơn một năm tiền lương công chức ở Việt Nam, cả cộng đồng người Việt nhao lên trong cơn sốt kiếm tiền, họ ồ ạt xuống đường „đi chợ lẻ”. Tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần xuất thân đều vứt bỏ nỗi ám ảnh định kiến về „buôn đường, bán chợ” đua nhau tìm chỗ bán hàng. Họ chia nhau toả ra trấn giữ lối đi bộ trên các trục giao thông chính, họ tràn xuống các đường hầm, họ đứng ngập các chợ cóc, họ len lỏi về các vùng thôn quê hẻo lánh, vùng biên giới xa xôi…Sức lan tỏa mang hương vị tiền, tưởng chừng như không gì cưỡng nổi. Mùa đông giá rét, nhiệt độ xuống tới âm 15 - 20 độ C cũng không ngăn được ý chí của những người Việt Nam . Họ bất chấp thời tiết khắc nghiệt, chôn chân dưới tuyết, run rẩy bán hàng trong cơn gió vần vũ, buốt lạnh thấu xương.
Đến lúc này thu nhập phụ của các cô gái đoàn may đã trở thành thu nhập chính. Đồng lương còm cõi tại xưởng may không còn giữ được chân họ nữa. Các cô thợ may lại một lần nữa nổi loạn. Họ lãn công, tự ý bỏ việc.. với quyết tâm được giải phóng. Sau mấy tháng quậy phá của các cô gái, giới chủ không chịu được nhiệt, đành buông xuôi. Họ phá bỏ hợp đồng, trả lại hộ chiếu cho 160 thành viên đoàn công nhân may. Các cô gái không bị trục xuất về nước, họ trở thành người tự do trên lãnh thổ Ba Lan. Tuy nhiên một bộ phận trong số họ tự nguyện trở về Việt Nam . Số đông còn lại quyết định ở lại Ba Lan kiếm tiền. Họ không những tự mình đứng vững mà còn đưa anh em, bạn bè, họ hàng từ Việt nam, từ các nước lân cận sang, đi chợ bán hàng. Số người Việt Nam đến và ở lại Ba Lan tăng trưởng từng tuần. Năm 1989 mới tính đến con số hàng trăm, chỉ mười năm sau số lượng đã lên đến hàng chục nghìn người, cả hợp pháp lẫn không hợp pháp. Nhà nước Ba Lan lo ngại tìm cách đối phó với làn sóng di dân người Việt nam. Họ đề ra các chính sách chặn cửa, xiết chặt visa. Đến lúc đó mọi chuyện trở nên quá muộn. Một cộng đồng thiểu số Việt Nam vững mạnh đã hình thành trong lòng xã hội Ba Lan
Sau hai năm rời Việt Nam sang Ba Lan, nỗi nhớ vợ con vời vợi lớn dần trong Nguyên. Một đêm tháng ba, ánh trăng như dát bạc đất trời, Nguyên ngồi trên ban công dõi mắt về phương Đông, nó như thấy hiện lên trong chiếc gương soi vằng vặc treo giữa trời đêm, hình ảnh người vợ đang chong mắt nhìn nó, ngóng đợi. Hai tháng sau cái đêm quay quắt nỗi nhớ ấy, vào đúng ngày 19 tháng 5 năm 1990 vợ và con gái đầu lòng của Nguyên đặt chân đến Ba Lan. Đây là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời Nguyên. Kể từ lúc đó Nguyên không còn đơn độc bươn trải trên thương trường khắc nghiệt xứ người. Bên cạnh Nguyên có thêm một người đồng ngũ trung kiên, luôn xẻ chia tiếp sức cho Nguyên trên mỗi bước thăng trầm của cuộc sống và sự nghiệp.
Trần Quốc Quân
Hết phần 6
Tôi cũng có một người em họ học ở Ba Lan từ 1969, tốt nghiệp về nước (1975). Lúc đó Ba Lan chẳng có gì, anh ta có mỗi chiếc xe máy Koma (loại tay ga) còn lại chẳng có gì. Nay có đứa cháu sau thời gian xuất khầu lao động đã ở lại, lấy vợ người Ba Lan và đã có con thấy có của ăn của để hơn du học sinh.
Trả lờiXóaNguyễn Hải Trường ở bên ấy có bươn trải kiếm sống bằng buôn bán như vậy không? Tiểu Bình có gặp nói Trường tham gia cho vui nhé.
Chào Tiến,mình đã đọc truyện ngắn của bạn thấy rất hay quả là văn võ song toàn.Còn Trường vẫn khỏe công việc ổn định.Bọn mình vẫn liên hệ thường xuyên trên mạng.Một ngày gần đây các bạn sẽ được thưởng thức tác phẩm đầu tay của Nguyễn Hải Trường.Chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe và hạnh phúc!
Trả lờiXóaTiểu Bình.