Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

SỰ SO SÁNH TUYỆT VỜI

Từ sân bay Sendai đến nồi lẩu đám cưới ở Việt Nam

   Sự kiện một tổng thống tận châu Phi tham nhũng bị dân đòi lật đổ cũng lan tỏa thành mối quan tâm chung của nhân loại. Vài công dân bị cướp biển bắt giữ cũng được hàng tỷ người biết đến. Đó là tính toàn cầu hóa của thời nay.

Bởi lẽ trên, vụ thảm họa ở Nhật Bản cho đến giờ thực chất không còn là "việc riêng" của người Nhật nữa. Nó sẽ là hiện tượng lớn nhất nhì của thời đương đại và trở thành nhân tố điều chỉnh lại nền kinh tế thế giới cùng hàng loạt vấn đề vĩ mô khác như cứu nạn, điện hạt nhân, chi tiêu ngân sách quốc gia, quốc phòng, kỹ năng quản lý nhà nước…
Bài viết này chỉ bàn đến một việc nhỏ, rất nhỏ là sự liên quan giữa hình ảnh ở sân bay Sendai với nồi lẩu trong đám cưới ở đô thị Việt Nam. Có vẻ như không có gì ràng buộc, liên hệ với nhau giữa hai sự kiện này nhưng thực ra là có.
Những nhà quan sát độ thăng tiến xã hội nhìn vào các sinh hoạt xã hội ở Việt Nam có lẽ dễ thống nhất một vài nhìn nhận: Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Nhìn ngay vào sắc màu đời sống, vào sự hưởng thụ của người dân thôi thì thấy những đổi thay kỳ vĩ đã xảy ra mươi năm nay. Đã có những cây cảnh được mua bán trị giá nhiều tỷ đồng. Đã có những cái ô tô du lịch vài chục tỷ đồng, máy có công suất lớn gấp hai cái xe tải 3,5 tấn chạy trên đường trong khi đại đa số đường lộ ở Việt Nam chỉ cho chạy tối đa 80 km/h. Đã có những thanh niên xài túi xách tay trị giá cả ngàn USD. Đã có những tô phở giá trị thực không hơn tô phở bán ở một quận khác cách đó 3km, nhưng giá của nó bằng tiền ăn một ngày của một gia đình nông thôn. Đã có những ca sĩ mặc bộ đồ giá trị bằng gia sản của một hộ nông dân. Một bàn cỗ cưới ở Sài Gòn trị giá lối hai triệu bạc. Có nhiều cách để giải thích kiểu chi xài lớn như vậy. Và cách giải thích dễ nhất là người ta có tiền thì người ta mua, người ta dùng, kể cả mua máy bay, du thuyền cũng không sao! Còn kiểu giải thích khác nữa là: một quốc gia có những công dân chi xài như vậy là tín hiệu của một quốc gia phát triển, thịnh vượng…
Những cách giải thích này không sai. Có điều, bên cạnh cách nghĩ đó, có thể còn vài góc nhìn khác nữa.
Thứ nhất, kiểu chi tiêu đó không phải thang bậc cao nhất của văn hóa tiêu dùng .Tôi có nhiều bạn hữu là người Mỹ, Nhật. Trong số này, nhiều người giàu hơn nhóm "đại công dân" của ta nhưng họ không dùng xe cực sang như ta. Theo một thống kê, người Nhật, người Hàn Quốc dùng phổ biến nhất là dòng xe thương mại trị giá dưới 20.000 USD. Ở Ý thấp hơn, họ rất chuộng loại xe siêu nhỏ, tiện dụng như Vios hay Matiz bên ta, giá chỉ vài ngàn USD.
Ở Hà Nội và vùng phụ cận lại có một hình ảnh đáng lưu tâm là người ta rất thích uống rượu Vodka của Nga, kể cả khi chai rượu chừng 50ml này giá bằng 3 lít rượu rất ngon tại địa phương. Trong khi đó, người Nga chính cống sang du lịch, học tập và làm doanh thương ở Hà Nội lại rất thích uống rượu… "quốc lủi", rượu Lúa mới của Việt Nam!
Trong những hình ảnh này xin gửi một lời bình nhỏ: người ta dùng cái xe tầm thấp nhưng đủ các tiêu chuẩn an sinh, người ta uống rượu Lúa mới hay Làng Vân của Việt Nam không hẳn họ dốt hơn mình, nghèo hơn mình mà tại đó, một sự sành điệu bộc lộ. Cái xe, dù sang mấy cũng chỉ là phương tiện di chuyển, nó luôn bị cũ đi bởi va đập, thời gian và luôn lạc hậu về công nghệ, nhiều khi chỉ nửa năm sau đã lạc hậu nên cho dù có tân tiến, nhiều độ "oai", có đắt mấy đi nữa cũng sẽ phải thải loại nay mai. Khi ấy, người "ôm sô" xe đắt sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn người dùng xe bình dân.
Hội chứng "nhà quê ra tỉnh"
Trong những động cơ chi xài lớn, diện "tiêu cho hết tiền" kẻo không biết để đâu cũng có nhưng không nhiều. Một tỷ lệ không nhỏ, có người "chơi để biết" hay "chơi để có mặt ở đẳng cấp cao" khá nhiều. Tại đây, cho dù đang làm chủ một tài khoản vài trăm tỷ hay vài cái xe giá trị cả chục tỷ, anh vẫn dễ dàng bộc lộ cái mã vạch "nhà quê ra tỉnh" ấy.
Có nhiều cách để phô diễn "sức mạnh" của mình, đó là bộc lộ nền tảng trí tuệ, khả năng điều chỉnh cuộc sống, sự hợp lý trong chi tiêu, tạo tiềm năng phát triển, nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Đó mới là nền tảng,
là cái "chuẩn" của người thực sự sành điệu!
Nhìn trang quảng cáo mua bán ô tô trên báo Tuổi trẻ TP.HCM suy ra nhiều điều: dạng bán xe với dòng ghi vụ bán chiếc xe bạc tỷ, nêu vài tính năng tốt cuối cùng khóa lại một dòng "bán hoặc đổi xe ít tiền
hơn". Điều đó là con dấu rất rõ đóng vào loại tâm lý "nhà quê ra tỉnh", "chơi cho biết", "chơi vì sành điệu" nói trên, để rồi sau đó tỉnh ra nhiều điều trong đó có điều khó chịu nhất thường xảy ra là mở cổng tiếp anh bưu tá đưa các tờ giấy báo trễ hẹn nộp lãi tại các ngân hàng.
Đó là góc nhìn nhỏ vào những cá thể. Còn những hình ảnh vĩ mô khác, thiết nghĩ đây cũng là dịp để có cú "giật mình chiến lược" từ sau thảm họa ở Nhật Bản: ở Việt Nam hiện nay không thiếu những trụ sở, công thự cấp… phường to lớn hơn dinh vua Bảo Đại và cũng rất nhiều trụ sở UBND huyện lộng lẫy hơn dinh Thống Nhất ở TP.HCM, trong khi thần dân vùng đó nhiều khi chỉ vì thiếu một cây cầu nhỏ mà các em thơ đi học phải vòng thêm 3, 4 cây số!
Trở lại chuyện nồi lẩu trong đám cưới
Những ai đi dự đám cưới, dự tiệc thường xuyên ở Hà Nội, TP.HCM đều dễ nhận thấy khi người ta dọn ra nồi lẩu cực ngon, thơm tho là lúc thực khách đã nhốn nháo ra về hoặc có ngồi lại cũng khó mà "nhồi" được thêm nữa. Và nồi lẩu hải sản mà nhiều nhà khá giả cũng chỉ dám dùng vào dịp "có việc" như gặp mặt, liên hoan vui vầy ấy, mươi phút nữa sẽ được dọn đi như một thứ đồ thừa! Trong khi người Nhật cam go với công cuộc khắc phục hậu quả động đất, tái thiết đất nước, nên chăng, nhân dịp này làm những việc nho nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa, ví như gạch bỏ món lẩu trong menu của một tiệc cưới khi đặt hàng để giá thành bàn tiệc thụt xuống dù chỉ trăm bạc. Nguồn chi cho chủ sự có thể chỉ giảm khoảng triệu bạc nhưng ý nghĩa lớn nhất là để tránh cho chúng ta khỏi đẳng cấp chỉ là anh "nhà quê ra tỉnh", tránh phải trút bỏ một giá trị đích thực vào thùng rác, tránh bị thiên hạ hoặc chính ta hiểu lầm ta: "hình như" ta đã giàu có, phồn vinh lắm!
Nước ta có hơn 2.000km bờ biển, khả năng "tiếp nhận" sóng thần không phải là không có. Những gì tiết kiệm được từ nồi lẩu, cái xe ô tô hay tòa dinh thự siêu lớn hôm nay để chi dùng cho những dịp đó là có lý! Để có được tâm lý ấy không khó. Nếu quá khó, hãy nhìn tấm ảnh nổi tiếng trên đầu bài ở sân bay Sendai, nơi hàng trăm xe hơi đủ loại, hầu như toàn xe đời mới cùng bốn chiếc máy bay trở thành một đống rác hạng sang, để mà suy ngẫm.

(Nguyễn Huy Cường)

5 nhận xét:

  1. Đúng vậy, đọc và ngẫm thì cũng thấy chua xót thay cho cái tính "chơi sang" của một số bà con người Việt ta. Trông người mà nghĩ đến ta thì thấy thực là lãng phí lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Đáng kính phục ngì dân Nhật Bản , từ ngì già đến trẻ em trong cơn nguy nan rất điềm tĩnh , tự tin và trách nhiệm công dân rất cao !
    Buồn vì chúng ta cũng "máu đỏ da vàng " như họ mà thua xa : Chỉ vì sợ nhiễm phóng xạ ngì giàu Việt Nam đổ xô đi mua sữa Nhật , ngì Trung Quốc tranh cướp nhau muối ăn ... Thường nhật dân ta còn tranh cướp nhau đủ thứ !?
    Ngẫm lại mới thấy nền giáo dục của ta mất gốc quá & có quá nhiều vấn đề phải thay đổi , mới mong bén gót ngì Nhật trong nhiều thập kỷ tới .
    Bạn Huy Cường nêu hiện tượng quá đúng . Đó là hậu quả do giáo dục mà ra đấy !

    Trả lờiXóa
  3. "hãy nhìn tấm ảnh nổi tiếng trên đầu bài" - Mình nhìn mãi chẳng thấy đâu! Bạn nào copy bài mà không copy hình ảnh đấy?

    Trả lờiXóa
  4. DVD chỉ giùm cách upload ảnh từ hòm thư mail lên blog cho tớ với, nhiều người gửi mail ảnh cho mình mà ko pót lên blog được. Thank.

    Trả lờiXóa
  5. Đầu tiên phải nhớ cái ảnh đó vào ổ cứng của mình đã. Sau đó úp ảnh đó lên bình thường không à!

    Trả lờiXóa