Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Về bài "Tâm sự tuổi già" hay "Hiểu đời"


   BlogK10CD vừa post lên bài "Tâm sự tuổi già" hay còn gọi là "Hiểu đời".  Hầu như các trang mạng khi đăng bài nay đều ghi tên tác giả là Chu Dung Cơ, dịch giả Lê Thanh Dũng. Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng không có cơ sở để khẳng định tác giả là Chu Dung Cơ. TCV copy để các bạn đọc thêm về những ý kiến này chỉ là để có thêm những góc nhìn về một vấn đề. Dù tác giả có là Chu Dung Cơ hay không thì cũng không ảnh hưởng đến giá trị của bài viết, một bài mà như bạn Bằng nói anh em ngũ thập nhà mình nên đọc và chiêm nghiệm.

Liệu có phải đây là bài của Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ?

13-09-2010
VŨ HỒNG NGỰ
Lâu nay, trên một vài trang mạng Việt Nam (và một vài báo đã đăng lại) có bài Hiểu đời (hoặc gọi Tâm sự tuổi già, do Thanh Dũng dịch) và nói đây là tác phẩm của Chu Dung Cơ, Thủ tướng thứ 5 của Trung Quốc. Nhưng liệu đây có đúng là tác phẩm của Chu Dung Cơ?

Chu Dung Cơ (朱镕基 - Zhū Róng Jì) là Thủ tướng thứ 5 của Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ năm 1998 đến 2003.
Ông sinh ngày 01/10/1928 tại Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc. Cha ông mất từ khi ông chưa sinh ra. Lên 10 tuổi ông mồ côi mẹ, ở với bác cả là Chu Học Phương. Chu Dung Cơ học Sơ Trung ở 2 trường là Sùng Đức và Quảng Tích. Học Cao Trung ở trường trung học tỉnh lập số 1. Từ năm 1947 đến năm 1951 học Khoa Cơ điện trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). Đến năm thứ 3, Chu Dung Cơ giữ chức Chủ tịch hội sinh viên đỏ của trường.
Tháng 10/1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 9/1951, ông được đề bạt giữ chức Phó Văn phòng chủ nhiệm, làm thư ký cho Lý Phú Xuân. Tháng 10/1951, ông làm việc tại phòng Kế hoạch sản xuất, Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công nghiệp. Tháng 12/1952, ông tới Bắc Kinh làm tại Cục Nhiên liệu và Động lực thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đầu năm 1958, ông bị quy là "phần tử hữu phái chống Đảng" bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tới năm 1962 mới được phục hồi.
Năm 1970, ông lại bị đưa đi cải tạo ở Trường Cán bộ 57 của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ngày 01/01/1987, ông trúng cử làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Giữ chức Phó Bí thư Thượng Hải. Tháng 08/1988 trúng cử chức Thị trưởng Thượng Hải. Tháng 8/1989, ông kiêm nhiệm chức Bí thư thành ủy Thượng Hải.
Ngày 08/04/1991, tại kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc khóa 7, ông được bầu giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Tháng 10/1992 là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 29/03/1993, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Thứ nhất. Ngày 02/07/1993 kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Tháng 03/1998 trở thành Thủ tướng Trung Quốc. Ông giữ chức này cho tới tháng 3/2003 (theo tài liệu trên trang http://vi.wikipedia.org).
Trước hết, không có trang mạng Trung Quốc nào xác nhận bài Hiểu đời - Tâm sự tuổi già là của Chu Dung Cơ. Chúng tôi đã truy cập trên trang http://www.baidu.com của Trung Quốc với từ khóa là "朱镕基", nhưng không có kết quả nào cho thấy ông là tác giả bài này.
Vậy người dịch căn cứ vào đâu, xuất xứ từ đâu mà ghi như vậy?
Vấn đề tác giả, vấn đề "ngụy thư" là một vấn đề triền miên trong lịch sử thư tịch Trung Quốc (cũng như Việt Nam). Người ta "thác danh" cho những người nổi tiếng để tác phẩm dễ truyền tụng. Và do đó mà ra đời những ngành nghiên cứu về văn bản học (Trung Quốc gọi là Bản bản học, Huấn hỗ học…).

Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nguồn: wikipedia.org.
Chu Dung Cơ là một vị Thủ tướng. Cách suy nghĩ, tâm trạng của ông chắc phải khác người thường. Tâm trạng con người do hoàn cảnh quy định. Như vấn đề bệnh tật. Là một cựu Thủ tướng ở nước Trung Hoa, tiêu chuẩn chữa bệnh của ông phải là "siêu". Các thầy thuốc tốt nhất, hoặc "Hoa Đà", "Biển Thước" thời nay khám bệnh, chữa bệnh cho ông. Còn thuốc thì có "biệt dược" nào, kể cả mài ngọc quý thời Chiến Quốc để uống mà chữa bệnh! Cần gì phải để ý đến chuyện "hiếu tử" đứng đầu giường hay vợ già ("lão thê") phải nhọc công chăm sóc. Cũng không phải bận tâm vấn đề tiền bạc, của cải (của mình và con cái).
Ông là một người liêm khiết, cao quý. Từng bảo sắm cho mình một quan tài để chống tham nhũng. Khi về hưu, tuyên bố tuyệt nhiên "không bàn chính sự". Tức là rất khác người: xong nhiệm vụ là về, về là về hẳn, không luyến tiếc chốn "quan trường". Khí chất một con người như thế, không thể viết những câu cảm khái về quyền lực,… một cách bình thường như nhiều người. Giọng văn của tác giả bài này bùi ngùi, đượm buồn, tuy là rất xác đáng, nhưng chắc không phải khẩu khí Chu Dung Cơ.
Chu Dung Cơ người cao lớn, tướng mạo phi phàm, nay tuy đã ngoài 80, chắc vẫn rất tráng kiện. Là một Công trình sư, tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa nổi tiếng, nghe nói ông vẫn tham gia giảng dạy ở Đại học này… Chắc ông khó có cái "tâm sự tuổi già" như trong bài đã nói…
Đó là một vài nghi vấn về văn bản. Chừng nào tìm được căn cứ xác thực về xuất xứ bài này trên sách báo Trung Quốc, có ghi rõ là do Chu Dung Cơ viết thì hãy nên tin. Chứ còn chỉ ghi ông là tác giả các bài trả lời phỏng vấn khi làm Thủ tướng, mà có viết bài này thì chưa chắc.
Vậy có đôi lời bàn quanh một tài liệu rất đáng đọc và đang được chú ý. Xin nhờ ý kiến của các vị cao minh. Nếu vị nào có được tài liệu căn cứ xác thực, xin cho biết. Xin đa tạ.
Nhân đây cũng xin liên hệ văn bản gọi là "Di chúc Đặng Tiểu Bình", trong đó ông ta tự phê bình về vụ "Thiên An Môn" (không thấy nói vụ đánh Việt Nam). Lời văn, phong thái rất "Trung Hoa", rất giống tâm tư một vị nguyên lão. Thế nhưng, tôi hơi hoài nghi và có đem hỏi một bậc nguyên huân sáng nghiệp ở Việt Nam, thì vị đó nói:
- Làm gì có chuyện đó! Ông ta dại gì làm như thế!
Đây là một văn bản xuất tự Hồng Kông. Cũng có thể do lý do chính trị, người ta làm giả và truyền tụng…

TS LÊ THANH DŨNG:
HẠNH PHÚC LÀ CẢM NHẬN CUỘC SỐNG

TS. Lê Thanh Dũng

Ông là tiến sĩ trong ngành bưu chính viễn thông nhưng lại rất mê văn chương và đã có hàng chục đầu sách dịch. Ông hay suy ngẫm và đưa ra những câu triết lý vui vui nhưng sâu sắc. Ông chính là người dịch Tâm sự tuổi già hiện đang được nhiều người chuyền tay nhau đọc.
Câu chuyện về cành hoa hồng
Từ đâu mà ông có bản Tâm sự tuổi già hay như thế?
Tôi được một người bạn ở Trung Quốc gửi cho bản tiếng Trung. Mình đọc thấy hay nên dịch ra rồi gửi cho mấy người bạn thân. Sau đó cứ người nọ gửi cho người kia, rồi nghe nói có báo đăng lại. Tôi cũng không ngờ bản dịch của mình được hưởng ứng như thế. Tận trong TP.HCM cũng có nhiều người đọc, rồi gọi điện hỏi…Sao bản dịch lại có tên là Tâm sự tuổi già và có nơi lại là Hiểu đời?

   Bản gốc của nó có tên là Tịch dương tự ngữ (lời nói lảm nhảm lúc xế chiều). Đây là cách nói nhún mình của người Tàu. Giống như: Bỉ nhân, tệ xá, tiện nữ… vua còn tự xưng quả nhân (người cô  độc)…Phía dưới tít lại có một hàng chữ nhỏ "nan đắc minh bạch" (khó mà rõ ràng). Nó có nghĩa là những lời nói lúc xế chiều có thể là những lời lảm nhảm khó nghe cho rõ. Nhưng nó cũng có nghĩa là cao siêu khó mà hiểu cho hết. Nếu dịch ra như thế thì phải giải nghĩa nên lúc đầu tôi dịch là "Hiểu đời", rồi "Triết lý tuổi già", sau để là "Tâm sự tuổi già" cho giản dị và thấy cũng thỏa đáng.
Nhưng nghe như chỉ dành cho người già thôi?
Không. Nhiều người trẻ tuổi cũng thích lắm. Ai cũng bảo Tâm sự tuổi già nói những điều người ta vẫn nghĩ nhưng nó cô đọng lại thành câu chữ ngắn gọn sáng sủa. Nếu nói những điều xa lạ thì thuyết phục được ai.
Trong bài đó, ông tâm đắc nhất điều gì?
Điều nào tôi cũng tâm đắc. Nhưng thích nhất câu "… hạnh phúc là ở sự cảm nhận cuộc sống". Càng ngẫm càng thấy đúng. Bạn có biết câu chuyện về cành hoa hồng không? Có người tiếc vì bông hồng đẹp thế mà lại nở trên một cành gai. Còn người khác lại thấy thật tuyệt là một cành gai lại nở ra bông hoa đẹp đến thế. Đấy, cùng một sự việc nhưng tùy vào cách anh giải thích thế nào mà anh sẽ có cảm nhận khác nhau. Và anh có hạnh phúc hay không là tuỳ vào cách cảm nhận cuộc sống của anh.
Biết đủ thì giàu
Sự cảm nhận quan trọng đến thế ư?
Cái hồi chúng ta còn phải  ăn bo bo, một anh bạn của tôi đã rất đau khổ khi vợ anh ta thay vì đi nghiên cứu sinh ở Tây Âu đã phải chuyển sang Úc. Trong khi mình còn chả hiểu Tây Âu khác Úc thế nào thì anh ta lại đau khổ vì thế. Tại sao chúng ta lại cứ thích vơ lấy tai họa, vơ lấy đau khổ như vậy? Sao không học câu Tri túc thường lạc (biết đủ là lúc nào cũng vui) hay Tri túc giả phú (người biết đủ thì giàu). Người ta đã định nghĩa sự giàu có như sau: giàu nghèo không phải ở tổng số tài sản anh có mà là số tài sản anh cần. Người cần ít thì chẳng thấy mình nghèo.
Đúng là rất hay. Đây là lần đầu tôi nghe câu này. Có nghĩa là nếu ông có xe máy mà lại muốn ô tô thì ông vẫn chưa giàu. Còn tôi có xe đạp nhưng thấy đủ và không cần tới xe máy thì tôi vẫn không thấy nghèo?
(Cười) Đúng vậy. Tôi có anh bạn già hay đi xe máy tới đây chơi. Có  lần anh ấy bảo hạnh phúc là có xe máy và đi được xe máy. Tức là còn có tiền để mua được xăng và có sức khỏe để đi được xe là hạnh phúc rồi. Chỉ đơn giản thế thôi.
Nhưng nghe có vẻ giống AQ quá?
À, nếu quá đi một chút là thành AQ ngay. Mọi cái đều phải có ngưỡng của nó. Ngay như những đức tính tốt đẹp nếu quá ngưỡng thì đôi khi trở nên lố bịch. Khiêm nhường quá thì sẽ mất tự tin; nhiệt tình quá ngưỡng đôi khi thành diễn trò. Cái "hạnh phúc đi xe máy" đó có thể hợp với ông già trên 70 tuổi, thanh niên mà nghĩ vậy là hèn, là đụt.
Theo ông, sự cảm nhận đó có học được không hay là tự mình phải trải nghiệm?
Học được chứ. Ví dụ  tôi có thể phân tích cho bạn thấy cái ngon của trà để bạn học cách cảm nhận nó. Không biết cảm nhận thì rất thiệt. Tôi thấy khi ăn cơm không nên bật ti vi vì nó sẽ làm phân tán tư tưởng khiến ta không cảm nhận được cái ngon và cả cái công sức của người nấu nướng. Hơn nữa, cơ thể tiếp thu sẽ kém đi. Thực tế ý nghĩa không chỉ ở đó mà đó là cái lẽ của Thiền. Khi làm gì hãy nghĩ về cái đó để hiểu nó và cảm nhận nó. Mỗi ngày tôi thường dừng lại mươi phút im lặng để suy nghĩ và cảm nhận.
Điều gì khiến ông nhận thấy sự cảm nhận quan trọng đến thế?
Có một buổi trưa lâu rồi, khi tôi 20 tuổi, còn học đại học bên Trung Quốc, tôi đang ngủ thì có người mở cửa vào phòng. Tiếng mở cửa rất to khiến tôi bị tỉnh giấc. Lúc đầu bực mình lắm vì không ngủ tiếp được. Rồi mình nằm ngẫm nghĩ, mình ngủ là việc của mình. Anh ta mở cửa là việc của anh ta. Nếu anh ta mở khẽ thì may. Còn nếu không thì cũng không thể bắt anh ta làm theo ý mình được. Từ đấy mình như tìm ra lối thoát: sống trên đời không thể vạn sự như ý. Nếu cứ chăm chăm đòi cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực.
Nếu thất bại là bà mẹ vô sinh?
Với những thất  bại trong cuộc sống, theo ông phải đối mặt thế nào?
Về chuyện thất bại, theo tôi đừng giáo điều: Thất bại là mẹ  thành công. Nếu thất bại là bà mẹ vô sinh thì sao? Tôi cũng chẳng tán thành "thua keo này bày keo khác". Có khi bỏ chẳng làm "keo" nào nữa lại là khôn ngoan. Tự mình phải biết mình. Đừng nghe xui dại. Có điều chắc chắn cần, là phải biết cách thất bại, biết chịu thua để tìm cách đi lên có thể bằng cách khác, với một hướng đi khác. Thất bại không có gì phải lo quá, "mưu sự tại nhân thành sự tại thiên" mà.
Trong tác phẩm Hảo nữ Trung Hoa của Hân Nhiên có chi tiết rất hay. Tác giả đã phỏng vấn rất nhiều phụ nữ, có người giàu có, sang trọng, có người là vợ cán bộ cao cấp… nhưng chỉ có những người phụ nữ dân tộc thiểu số, rất nghèo khổ lại nói họ cảm thấy hạnh phúc. Tại sao vậy?
Điều này làm tôi nhớ lại, hồi sau chiến tranh khi điều tra tâm lý cộng đồng người ta có phỏng vấn và đưa ra kết quả là những người Việt Nam hài lòng với cuộc sống hơn người Mỹ(!) Tựa như có người nói, mình bây giờ sướng hơn các ông vua vì ngày xưa làm gì có ti vi mà xem. Tôi nghĩ đấy mới chính là tính AQ. Không nên đánh giá nhu cầu của con người đối với cái mà người ta còn chưa biết là cái gì…
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!
Nhật Minh (thực hiện)

4 nhận xét:

  1. Bằng ui, thay giùm cái tựa bài là "Hiểu đời" nhé. Thanks

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Trọng Bằnglúc 15:53 24 tháng 3, 2011

    Cảm ơn Vương nhiều nhiều, lần đầu tiên mình được đọc trọn vẹn "Tâm sự tuổi già hay Hiểu đời" và hai bài chú dẫn thật sâu sắc và chân thực! Đúng như bạn nói, bài viết này dù là của ai cũng là sự chiêm nghiệm cuộc đời của một con người, mà loại "ngũ thập tri thiên mệnh" như mình vẫn thấy còn ngu ngơ quá đi mất. Hạnh phúc là sự cảm nhận cuộc sống, nghe đơn giản thế mà có phải ai cũng hiểu và công nhận đâu! Mình rất nhớ câu nói của thầy Phồn khi mới vào trường : “Có một nhà toán học đã định nghĩa hạnh phúc là : HẰNG SỐ”. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống vất vả, bon chen hàng ngày đã chiếm hết thời gian của mình, các bạn hãy cố gắng dành lấy ít phút im lặng để suy nghĩ để cảm nhận hạnh phúc đang đến với mình dù là nhỏ nhoi, cũng là sự may mắn rồi. Bởi vì :
    Qua một ngày mất một ngày!
    Qua một ngày vui một ngày!
    Vui một ngày lãi một ngày!

    Trả lờiXóa
  3. moi xem anh doan xem sv co dien khoa nao

    Trả lờiXóa
  4. http://s1118.photobucket.com/home/duclong57

    Trả lờiXóa