Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

NỖI SỢ HÃI HAY SỰ VÔ CẢM?

   Nhân Ngày bảo vệ chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4/2011, xin đăng một mẩu chuyện của em gái Bằng - Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh :
   Một buổi trưa tôi đi làm về, con trai cũng đi học về. Thấy tôi, con hốt hoảng thông báo:
- Mẹ ơi, hôm qua ở khu dân cư gần chùa Phủ Liễn có một người chết vì tai nạn lao động, khiếp lắm mẹ ạ.
- Thế à? Chuyện là thế nào hả con?

- Con nghe nói là người này đang điều khiển máy ép cọc gì ấy, bị rơi
cái búa, cúi xuống nhặt thì người khác lại ấn nút điều khiển máy, thế
là đầu máy ép cọc bật lên,...Người ta bảo là bị nát hết cả mặt, mẹ ạ.
Nhìn vẻ mặt sợ hãi của con trai, tôi an ủi :
- Có khi mới là tin đồn thôi, chưa chắc đã là sự thật con ạ.
Con trai quả quyết :
- Thật thế mà mẹ, mấy đứa bạn con nhà ở gần đấy, chúng nó cũng kể như thế mà.
- Ừ, thôi con ăn cơm đi, chiều còn đi học.
Câu chuyện tai nạn lao động ở khu dân cư gần chùa Phủ Liễn còn trở
lại bàn trà nước ở cơ quan tôi ngày hôm sau. Có người bảo : cái đầu
người công nhân ấy còn bị đứt lìa ra, người ta còn phải nhặt lấy và
vội vàng lắp trở lại ( ?!). Ai cũng ngậm ngùi cho số phận một mạng
người xấu số.Nhưng phải đến một ngày sau, ngẫm nghĩ lại, tôi mới nhận
ra mình đã không hề choáng váng trước cái tin chết chóc này.
Tôi nhận ra là mình đã bình thản nghe con trai bé nhỏ cố gắng kể
lại câu chuyện bi thảm ấy bằng sự khiếp sợ của nó, đã thản nhiên bàn
luận với đồng nghiệp như một chuyện đã rồi. Tôi nhận ra là cũng như đã
lâu mình không còn choáng váng khi xem bản tin tổng hợp tai nạn giao
thông hàng tuần trên ti vi địa phương, đại loại là « tuần này trên địa
bàn toàn tỉnh có 7 người chết, tăng 2 người so với tuần trước ». Chỉ
nhăn mặt, nhíu trán rồi lại lướt qua để xem những chương trình khác.
Trừ những sự kiện, tai nạn hết sức bi thảm, với những thiệt hại vô
cùng nghiêm trọng về người và của, mà tất cả các phương tiện truyền
thông cùng đưa, tất cả mọi người bàng hoàng, như vụ Lèn Cờ, vụ ô tô
đâm tàu hỏa làm 11 người chết ; những vụ án man rợ vô tiền khoáng hậu
như vụ Nguyễn Đức Nghĩa cắt cổ người yêu, vụ người đàn bà phóng hỏa
giết cả gia đình anh chồng… khiến ai cũng không thể không căm phẫn.Còn
thì những cái chết « lặt vặt », « lẻ tẻ » ngày nào cũng xảy ra trên
đường, ở các công trình, hầm mỏ, các vụ án cướp đi một mạng, hai mạng
người mà báo chí vẫn đưa đều đều mỗi ngày, đã không làm tôi sợ hãi
nữa.
Sự thật vừa được tự phát hiện ấy đã khiến một nỗi sợ hãi khác đè
nặng lồng ngực tôi.
Nỗi sợ hãi sự vô cảm.
Của chính mình.
Trong nỗi sợ hãi ấy, chợt hai chữ THA HÓA lù lù hiện ra.
Có phải đó là SỰ THA HÓA không?
Đọc lại bài « Mỗi chúng ta đã tự đánh mất bản thân mình như thế nào
: Bảy bước tới tha hóa » của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, tôi hoang
mang không biết rõ mình đã tha hóa ở bước nào.
Bởi không có bước nào trong đó nói về sự quá quen với những thông
tin về rủi ro, chết chóc và tội phạm giết người tràn ngập mỗi ngày
trên đài, báo, internet. Chúng khiến cho đầu óc ta bão hòa, trái tim
ta chai lỳ dần đi. Và rồi, bằng cách chấp nhận chung sống bình thản
với cái Xấu, cái Ác, những trái tim và khối óc của ta dần dần tha hóa.
Có phải đó là cách mà ta đang giết chết sự thiện lương của chính mình ?

Thân mến!
Nguyễn Trọng Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét