Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Em ơi Ba Lan...(Phần 5): Bức tường Berlin sụp đổ

   Từ chuyển đổi chính trị đến chuyển đổi kinh tế - Lý luận Mác – Lê Nin luôn đề cao "mâu thuẫn là động lực của phát triển”. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Trong thực tiễn, về chính trị, chủ nghĩa xã hội tồn tại dựa trên hệ thống chuyên chính vô sản triệt tiêu đấu tranh giai cấp; về kinh tế, trong một thời gian dài chủ nghĩa xã hội không thừa nhận tự do cạnh tranh….
   Thời gian đầu mô hình xã hội toàn trị và nền kinh tế chỉ huy ở một mức độ nào đó đã phát huy được tác dụng trong việc huy động mọi nguồn lực của đất nước, nhất là trong thời kì chiến tranh. Một khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế về số lượng của chủ nghĩa xã hội đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Vào thập niên những năm 50,60 và 70 của thế kỉ trước, chủ nghĩa xã hội thế giới thể hiện được phần nào tính ưu việt của thời đại để tạo nên trào lưu mang tên „dòng thác cách mạng”. Nhưng từ khi bước vào thập kỷ những năm 80 chủ nghĩa xã hội thế giới bắt đầu bộc lộ bản chất yếu kém về chất lượng và hiệu quả. Cuộc đua tranh „ai thắng ai” giữa hai con đường, giữa hai phe ngày càng bất lợi cho chủ nghĩa xã hội. Các nước xã hội chủ nghĩa bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội. Liên Xô và các nước Đông Âu buộc phải tiến hành công cuộc cải tổ, nhưng vẫn không thể ngăn được đà phá sản có tính hệ thống, những nước này bị đẩy dần đến bờ vực sụp đổ.
   Năm 1980 sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan như một đốm lửa nhỏ lan nhanh thành đám cháy rừng lớn. Phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ do Công đoàn Đoàn kết lãnh đạo buộc hai Tổng bí thư Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan là Gierek và Kania phải từ chức. Đại tướng Jaruzienski Bộ trưởng Quốc phòng lên làm Tổng bí thư vào tháng 10 năm 1981. Ngay sau đó Jaruzielski thay mặt ban lãnh đạo mới ban bố tình trạng chiến tranh và thực hiện thiết quân luật (từ 13/12/1981 đến 22/07/1983). Tuy nhiên căn bệnh trầm kha mang tính hệ thống không có phương thuốc hiệu nghiệm nào có thể cứu chữa được nữa. Ba Lan cùng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu  và Liên Xô ngoi ngóp, vô vọng trong cơn lũ khủng hoảng kéo dài.
   Chính sách không can thiệp của Gorbachev tạo điều kiện thuận lợi cho các phe phái Ba Lan ngồi đàm phán với nhau trong „Hội nghị bàn tròn” (từ ngày 06/02 đến ngày 05/04 năm 1989). Ngày 04/06/1989 trong cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên, Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn, chế độ xã hội chủ nghĩa bị xóa bỏ hoàn toàn ở Ba Lan. Sự kiện chính trị này đã tạo nên cơn địa chấn rung chuyển toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đêm thứ năm 09/11/1989 Bức tường Berlin biểu tượng của Chiến tranh Lạnh và ranh giới chia cắt nước Đức đã bị sụp đổ. Trước đó không một ai dù lạc quan nhất có thể nhìn ra viễn cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh ở Đông Âu và Liên Xô lại có thể bị xóa sổ trong hòa bình nhanh đến như vậy.
   Sau 74 năm thực nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa không thành công, với việc xóa bỏ Nhà nước chuyên chính vô sản thiết lập Nhà nước dân chủ tư sản, các nước Đông Âu và Liên Xô  đã bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển theo đúng qui luật, theo đúng tiến trình của lịch sử. Các chính quyền mới đã tiến hành cuộc chuyển đổi chính trị từ chế độ toàn trị độc đảng sang chế độ dân chủ đa nguyên. Từ đây người dân ở những nước này thực sự được làm chủ, được cởi trói hoàn toàn để phát huy đến tận cùng năng lực sáng tạo.
   Đi đôi với việc thay đổi về thượng tầng kiến trúc là thay đổi về hạ tầng cơ sở. Những nước hậu cộng sản đã tiến hành một cuộc chuyển đổi sâu rộng từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, dần trở thành những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao.
   Khi mới đặt chân sang Ba Lan, Nguyên không có chút thiện cảm với Công đoàn Đoàn kết,  với tất cả những ai ủng hộ phong trào này. Nhưng ngay sau khi chế độ mới được thiết lập ở Ba Lan, Nguyên ngỡ ngàng nhận thấy cuộc sống chuyển biến quá nhanh và ngày càng trở nên tốt đẹp. Người dân hồ hởi đón nhận sự thay đổi tận gốc rễ về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Hình ảnh đầy thuyết phục đập vào mắt Nguyên hàng ngày đó là các cửa hàng trước đấy ít lâu vẫn còn trống rỗng thì nay đã đầy ắp hàng hóa. Chợ cóc mọc ra khắp nơi, ngay cả địa danh tôn nghiêm là quảng trường Cung văn hoá Warszawa cũng biến thành chợ. Hàng trăm quầy hàng, hàng nghìn kiốt được dựng lên. Kinh tế thị trường có khác, nó được vận hành nhuần nhuyễn, rất tự nhiên dựa trên quan hệ cung - cầu, quan hệ tiền - hàng. Những thứ hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống thường ngày, nửa năm trước đó dù có nhiều tiền, Nguyên nằm mơ cũng không thể mua được thì giờ đây đã tràn ngập thị trường.
   Nguyên nhanh chóng bị cuốn vào trào lưu biến đổi của xã hội. Cỗ máy trong con người Nguyên vận hành dù chậm nhưng chuyển động theo xu hướng chung của thời đại từ quan điểm, nhận thức đến hành động. Thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết Nguyên tâm nguyện suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, vậy mà đến lúc đó nó dần quay sang ngưỡng mộ những người đã góp phần kết thúc Chiến tranh Lạnh không cần dùng đến bom đạn, không cần dùng đến vũ khí hạt nhân, những nhân vật đã góp phần tích cực xoay chuyển cục diện chính trị châu Âu và thế giới như Gorbachev, Yeltsin, Walesa…
    Co hội vàng để làm giàu trong buổi giao thời của nền kinh tế chuyển đổi  khiến Nguyên như sôi lên, quay cuồng trong vòng xoáy kiếm tiền. Nguyên không còn yên lòng theo đuổi những buổi semina trên giảng đường hay vùi đầu vào đống sách tham khảo dày như những viên gạch trong thư viện. Lúc đó quyết định làm tiếp hay không tấm bằng tiến sỹ kinh tế là lựa chọn khó khăn của Nguyên. Tuy đã vượt qua được một nửa số môn thi bắt buộc và giáo sư hướng dẫn đã thông qua nội dung cơ bản của luận án, nhưng thời gian còn lại dành cho khoa học thì Nguyên khó có thể thu xếp được. Việc bỏ bằng tiến sĩ với Nguyên không phải chịu nhiều áp lực bởi „danh gia, vọng tộc”. Ông nội Nguyên có 15 cháu đã có 13 bác sĩ, cử nhân và kĩ sư, trong đó có 1 tiến sĩ. Thêm một thằng tiến sĩ hay không với họ nhà nó không còn quan trọng nữa. Tấm bằng tiến sĩ chỉ là phương tiện lót đường giúp Nguyên tiến thân, thế mà nó lại  quyết định không về nước để theo đuổi sự nghiệp nữa. Danh vị tiến sĩ với Nguyên lúc đó có chăng chỉ còn dùng để in vào card visit. Điều đó thật phù phiếm! Nó nghĩ thế. Sau một đêm trăn trở, Nguyên quyết định lên khoa xin không làm tiếp bằng nữa vì lí do „gia đình”. Cho đến bây giờ trong Nguyên chưa bao giờ gợn lên nỗi hối tiếc dù chỉ thoáng qua vì nó đã lựa chọn „lối rẽ ngang cho cuộc đời”.
   Đồng hành với sự thay đổi sâu sắc về thể chế chính trị là sự thay đổi toàn diện về kinh tế. Nền kinh tế được cởi trói khỏi những nút thắt để tự thân vận động theo qui luật thị trường. Sự thông thương tự do như hiệu ứng „nước thẩm thấu sang chỗ khô”. Ở đâu có dấu hiệu khan hàng, chỉ ít ngày sau hàng hóa tự được lấp đầy. Không những trong thị trường nội địa mà cả trên thị trường liên thông quốc tế.
   Khoảng thời gian sau khi Bức tường Berlin sụp đổ cho đến trước khi thống nhất nước Đức,   nhiều người Việt Nam ở  Đông Đức ra sức tận dụng cơ hội tích luỹ đồng mác Đông Đức với hứa hẹn nó sẽ được chuyển đổi sang đồng mác Tây Đức với tỉ giá 1/1. Lúc bấy giờ bạn bè của Nguyên đã tranh thủ „tập kích” ồ ạt những chuyến hàng từ Ba Lan sang Đông Đức. Phương thức vận chuyển không khác gì „đánh” hàng sang Liên Xô. Các „thẻ đỏ” lại được tận dụng để tung vào chiến trường mới phía Tây. Cán bộ có hộ chiếu ngoại giao đi lại như mắc cửi trên những chuyến tầu hỏa để áp tải những thùng hàng chất đầy ắp trong các khoang nằm.
   Hàng  đưa sang Đông Đức gồm đủ các loại từ đồ may mặc rẻ tiền nhập từ Thái Lan như áo chấm, áo ren, quần bò, váy bò...đến băng catset hiệu TDK của Nhật. Nhưng rủi ro cao nhất và đương nhiên sinh lời nhiều nhất phải nói đến thuốc lá không dán tem thuế mang hiệu Golden America, Marlboro...Ba Lan trở thành căn cứ địa cung cấp nguồn hàng cho hệ thống bán dạo thuốc lá lậu, ban đầu trên các nẻo đường Đông Đức, sau đó là nước Đức thống nhất. Thuốc lá lậu từ Ba Lan là mặt hàng đẩy các băng đảng người Việt ở Đức vào cuộc chiến thanh toán đẫm máu nhằm tranh cướp nguồn cung cấp và lãnh địa tiêu thụ.
   Sau khi nước Đức thống nhất, cảnh sát và hải quan Đức cực kì vất vả trong việc kiểm soát buôn bán thuốc lá lậu. Họ phải huy động đội quân hùng hậu, trang bị hiện đại trải trên một không gian rộng lớn. Có những màn máy bay trực thăng cảnh sát truy đuổi xe vận chuyển thuốc lá lậu li kì y như trong phim hành động Hollywood. Có lần một nguồn tin mật báo tại khu rừng N. một xe tir đang giải toả thuốc lá cho hàng chục xe con. Kế hoạch triệt phá của cảnh sát Đức được thiết lập nhanh chóng. Trên trời máy bay trực thăng quần đảo, dưới đất hàng trăm lính đặc nhiệm được vũ trang tận răng tiến vào khu vực mafia Việt Nam đang tẩu tán thuốc lá lậu. Không một ai trốn  thoát cùng phương tiện vận chuyển với hàng trăm nghìn bao thuốc lá. Lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá khiến người tham gia phát điên. Cứ hai xe tir đưa từ Ba Lan sang có một xe bị bắt là về hoà, ba xe có một xe không thoát là thắng lớn. Không ai còn biết sợ để tính đến rủi ro nữa.
Tiệp Khắc lúc chưa chia thành hai nước cũng chịu nạn khan hiếm hàng tiêu dùng và thực phẩm giống như các nước có nền kinh tế chuyển đổi  khác. Ngay sau đó thị trường tự do tại nước này nhanh chóng được điều tiết bởi quan hệ cung cầu. Giữa năm 1990 Nguyên cùng anh bạn nghiên cứu sinh tên Đ. sử dụng VIP „thẻ đỏ” chuyển nhiều chuyến quần áo bò trẻ con made in Thai Lan sang Praha. Trong một lần ngồi tàu sang thu gom tiền, Nguyên tranh thủ mang theo người bốn kiện quần áo bò trẻ con. Khi tầu đến ga Ostrava bên kia biên giới Ba Lan, số hàng Nguyên đem theo bị hải quan kiểm tra. Do không có giấy tờ xuất xứ, Nguyên đã phẩy tay để lại toàn bộ số hàng trị giá hơn nghìn đô la mà không chịu kí vào biên bản thu giữ hàng. Do thị trường Tiệp Khắc và Ba Lan có nhiều điểm tương đồng nên các chiến dịch trao đổi hàng hoá giữa hai bên thường diễn ra trong thời gian ngắn với giá trị không lớn.
                 
   Việc khai thác nguồn hàng và tổ chức hệ thống „thẻ đỏ” áp tải hàng hoá không đơn giản nên các Soái thành công nhất trong việc „đánh” hàng thời kì này thường là người có mối quan hệ xã hội sâu rộng và có tiềm lực vốn. Trước năm 1991 đứng đầu hai đường dây „đánh” hàng qui mô nhất và hiệu quả nhất ở Ba Lan là hai tiến sĩ khoa học (bậc 2), họ không cùng tên nhưng trùng chữ cái V. Sang hướng Đông (Liên Xô) là Soái, tiến sĩ khoa học Đ.H.V và sang hướng Tây (Đông Đức) là Soái, tiến sĩ khoa học C.L.V. Anh Đ.H.V. sau này về nước đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao cấp tại một Bộ. Anh thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, anh còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Anh C.L.V. học giỏi có tiếng ở Ba Lan, cho đến bây giờ anh vẫn theo đuổi con đường khoa học, anh là giáo sư giảng dạy tại một trường đại học Tổng hợp của Ba Lan. Năm 1990 anh C.L.V. đã tổ chức một chuyến chuyên cơ đưa lao động Việt Nam tại Đức về nước. Có lần Nguyên hỏi lí do vì sao sau đấy không có những chuyến chuyên cơ tiếp theo, anh C.L.V. cười buồn: - Nguyên nhân là do phía đơn vị quản lý sân bay Nội Bài gây khó dễ. Thậm chí lúc máy bay hạ cánh, họ không bố trí xe hoa tiêu dẫn đường máy bay vào nơi đỗ. Mình phải lót tay để một nhân viên hoa tiêu ngồi sau xe cúp 81 làm hiệu dẫn đường trước mũi máy bay bằng…đèn pin. Hoang dã hết biết! Không khác gì xứ rừng rậm Amazon.
   VIP „thẻ đỏ” hơn 20 năm trước dập dìu qua lại Ba Lan, trước hết là các cán bộ Sứ quán, Thương vụ Việt Nam trên khắp thế giới, sau nữa là các quan chức cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ…có hàm tương đương thứ trưởng, bộ trưởng, thậm chí ở cấp cao hơn. Xung quanh việc đưa rước và cất dấu „thẻ đỏ” ở Ba Lan thời đó có những câu chuyện cười ra nước mắt. Các ‘thẻ đỏ” đi lẻ được bố trí đón, sau đó bị „nhốt” tại một địa điểm bí mật. Lúc nào bên cạnh VIP cũng có vài ba thằng đàn em của Soái kè kè như canh giữ món đồ „quốc bảo”. Thậm chí phải thường xuyên di chuyển chỗ ở của VIP để tránh sự nhòm ngó tranh giành của thằng khác. Mất cảnh giác dù chỉ vài bước là có ngay kẻ chen chân vào phá đám. Gặp „VIP” tham, được gạ trả công vênh thêm năm trăm hay một nghìn đô là VIP biến mất dạng. Mấy hôm sau đã thấy VIP đó lên tầu áp tải hàng cho Soái khác.  
   Từ năm 1991 trở về trước, xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan được thực hiện theo nghị định thư về ngoại thương kí kết giữa hai nhà nước. Lúc đó 100% hàng hóa từ Việt Nam xuất đi do các công ty ngoại thương nhà nước thực hiện (gọi là xuất khẩu chính ngạch). Bắt đầu từ năm 1989 ngay sau khi Ba Lan thay đổi thể chế, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước giảm sút nhanh chóng. Từ năm 1992 hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp Việt Kiều tại Ba Lan (gọi là xuất khẩu tiểu ngạch). Kim ngạch xuất khẩu tư nhân từ Việt Nam sang Ba Lan ngày càng tăng và đạt tới giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm, gấp hàng chục lần so với xuất khẩu của ngoại thương nhà nước trước đây.
   Buổi ban đầu của kinh tế thị trường Ba Lan, rất ít người Việt Nam có đủ tư cách pháp nhân để thành lập doanh nghiệp. Lúc đó hầu hết người Việt Nam chưa vào quốc tịch Ba Lan nên chỉ có những người dùng tư cách pháp nhân của vợ (chồng) là người Ba Lan mới mở được công ty. Ngoài loại hình trên, rất hiếm người có đủ số vốn tối thiểu 50 nghìn USD để mở Công ty Đầu tư Nước ngoài (Joint venture). Hội Văn hóa, Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan, tổ chức có tư cách pháp nhân đầu tiên của người Việt Nam được thành lập năm 1986 là một cứu cánh rất kịp thời cho những cựu lưu học sinh khi đó. Hội đã giúp nhiều hội viên thành lập hệ thống sklep orientalny (cửa hàng phương đông) tiền thân của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trong lúc giao thời, hàng chục chiếc cửa hàng của Việt Kiều trải trên khắp lãnh thổ Ba Lan đã thay thế dần hệ thống cửa hàng Jubiler của Ba Lan để tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc từ Việt Nam đưa sang. Thời gian đầu các cựu lưu học sinh Việt Nam, những ông chủ của hệ thống cửa hàng phương đông rất nhanh nhạy, họ vừa khai thác nguồn hàng nhập khẩu tiểu ngạch của người Việt Nam đem sang, vừa mua lại hàng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch còn tồn trong hệ thống thương nghiệp quốc doanh của Ba Lan. Không những mua hết tại quầy hàng, họ còn vét sạch hàng chưa kịp xuất kho khi giá thị trường nhảy từng ngày trong khi thương nghiệp nhà nước Ba Lan chậm thay đổi giá.
   Từ cuối năm 1989 thị trường Ba Lan như lên cơn sốt đón nhận hàng hoá đủ loại do các doanh nghiệp Việt Kiều nhập về ồ ạt qua đường hàng không và đường bưu điện. Từ đây nền „Kinh tế Chợ Việt Nam trong lòng Ba Lan”  bắt đầu mở ra với qui mô lớn, phát triển rộng khắp và len vào từng ngôi nhà nhỏ Ba Lan. Nền kinh tế mở đánh dấu thời tàn của mô hình buôn lậu trên các nẻo đường quốc tế Đông – Tây dựa vào hệ thống „thẻ đỏ” như nguồn bao cấp đặc quyền của một số người. Nền kinh tế mở vừa mở ra cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người, vừa đẩy đến sự sụp đổ nhanh chóng của những Soái - thần tượng „một thời vang bóng” không biết nhanh nhạy với sự nghiệt ngã của thị trường.
   Sau gần một năm không còn đóng vai „chiến sĩ tình nguyện trên mặt trận quốc tế” , Nguyên bỗng thấy nao lòng nhớ đến chiến trường xưa. Một ngày mùa thu năm 1990, Nguyên thả bộ chậm rãi trên lối đi trải đầy lá vàng lẫn chút lá đỏ dẫn tới Ga Tây. Vọng trên thinh không, tiếng mấy con ngỗng trời đang sải cánh chậm rãi bay về phương nam. Vài dải mây trắng mỏng nhẹ như lụa lãng đãng vắt ngang bầu trời xanh ngắt. Nắng chiều rực rỡ như đổ thêm màu, nhuộm vàng cảnh sắc đất trời cuối thu. Trên sân ga, cảm giác nhẹ tâng như cuốn Nguyên theo những đoàn tầu trôi về kí ức xa xăm. Dõi mắt nhìn về phương mặt trời lặn, Nguyên thấy đoàn tàu vừa lướt qua chỉ còn như một dấu chấm giữa nền trời hoàng hôn chiều tím huyền ảo. Từ dấu chấm đó, đời Nguyên lại lần nữa bước sang một chương mới.
                                                                                                                                        TTB (suu tam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét